Một nhóm binh sĩ thuộc đơn vị 8200 - Ảnh: 4.bp.blogspot.com
Phát tán virút tin học nhằm gây thiệt hại tối đa cho kẻ thù còn hơn cả bom quy ước. Bởi thế chúng tôi dành ưu tiên đặc biệt cho công tác tuyển mộ các chuyên viên tin học trẻ tuổi có tài năng
(Cựu bộ trưởng quốc phòng Israel MOSHE YA'ALON)
Vào trung tuần tháng 5-2017, một vụ tấn công mạng đã xảy ra ở quy mô chưa từng thấy trên thế giới. Mã độc WannaCry tấn công khoảng 130.000 máy tính chạy hệ điều hành Windows tại hơn 100 quốc gia để mã hóa dữ liệu rồi đòi tiền chuộc.
Tại Israel, cơ quan quốc gia về an ninh mạng (phụ trách phòng vệ mạng trong khu vực dân sự) tuyên bố không có dấu hiệu cho thấy virút WannaCry lan truyền.
Đây là ví dụ tiêu biểu cho thấy Israel được xem là quốc gia đi đầu trong công tác phòng vệ mạng.
Lực lượng tình báo mạng bí mật
Israel rất chú trọng phát triển an ninh mạng và nghiên cứu công nghệ tương lai. Từ ngày lập quốc, Israel đã thường xuyên cảnh giác trước các mối đe dọa, vì vậy an ninh đã trở thành vấn đề ưu tiên về xã hội, văn hóa và chính trị của nước này.
Từ thập niên 1990, Bộ Tổng tham mưu quân đội Israel đã lập giả thiết sẽ xảy ra chiến tranh mạng gây thiệt hại lớn cho cơ sở hạ tầng quốc gia. Đến năm 2002, Ủy ban chính phủ về an ninh quốc gia đã gửi khuyến cáo mật nhấn mạnh đến vấn đề phòng vệ an ninh mạng ở Israel.
Nói đến lực lượng tác chiến mạng của Israel, thông thường người ta hay nhắc đến đơn vị 8200. Công chúng chỉ biết đến vai trò của đơn vị này khi báo chí đưa tin nó bị nghi ngờ phát tán virút tin học Stuxnet phá hủy chương trình hạt nhân Iran vào giữa năm 2010.
Đơn vị 8200 ra đời trước chiến tranh lập quốc năm 1948, trước đó mang các phiên hiệu 515 và 848, sau đó đảm trách công tác tình báo điện tử và giải mã từ đầu thập niên 1990.
Hiện nay đơn vị 8200 được gọi là Đơn vị Tình báo tín hiệu quốc gia Israel (Yehida Shmone-Matayim) trực thuộc Bộ Quốc phòng, tương tự Cục An ninh quốc gia của Mỹ.
8200 do một chuẩn tướng chỉ huy. Quân số đơn vị là điều bí mật. Có nguồn tin nói từ 6.000-8.000 quân, nguồn khác nói hàng chục ngàn quân và là đơn vị có quân số đông nhất của quân đội Israel.
Trực thuộc đơn vị 8200 còn có đơn vị Hatzav (Yehida Hatzav) phụ trách thu thập thông tin từ các nguồn công khai (phát thanh, truyền hình, báo chí, Internet).
8200 chỉ huy căn cứ Urim trong sa mạc Neguev. Đây là một trong những căn cứ lớn trên thế giới chuyên thu thập thông tin từ điện đàm, thư điện tử và nhiều loại thông tin khác ở Trung Đông, châu Âu, châu Á, châu Phi.
Nó còn bí mật bố trí các trạm thu thập thông tin trong các đại sứ quán Israel ở nước ngoài, giám sát cáp ngầm dưới biển, triển khai nhiều toán thu thập thông tin tại Palestine.
Một đơn vị còn bí mật hơn 8200 là đơn vị 81 phụ trách tình báo quân sự thuộc Cục Tình báo quân đội Israel. Đơn vị này chuyên cung cấp công nghệ mới gồm thiết bị và phần mềm tích hợp công nghệ cao. Trong đơn vị này có 1.500 binh sĩ của 8200.
Năm 2010, báo New York Times dẫn nguồn từ một cựu nhân viên tình báo Mỹ khẳng định đơn vị 8200 từng đánh lừa mạng lưới phòng không Syria trong chiến dịch Orchard do không quân Israel tiến hành ngày 6-9-2007 nhằm phá hủy cơ sở hạt nhân Al-Kibar của Syria.
Cuộc tập trận của Israel vào tháng 9-2017 - Ảnh: Bộ Quốc phòng Israel
Sức mạnh chiến đấu từ con người
Hai đơn vị 8200 và 81 hoạt động hiệu quả nhờ quy trình tuyển chọn, đào tạo và tinh thần phục vụ của các thành viên.
Ứng viên được chọn phải là người ưu tú nhất trong tầng lớp ưu tú. Tiêu chuẩn để được chọn còn cao hơn các trường Harvard, Yale, Princeton, MIT, Caltech hay Stanford (Mỹ).
Ứng viên phải hội đủ các yếu tố gồm trình độ kiến thức đại học đa ngành (vật lý, toán, tin học), kiến thức thực tiễn về tin học và kiến thức tổng quát về tình báo hiện đại.
Công tác tuyển mộ được tiến hành hết sức bí mật. Các sĩ quan "săn đầu người" đi khắp Israel tìm kiếm, chọn lọc ứng viên từ lúc họ còn học trung học, sau đó tổ chức thẩm vấn, sát hạch. Lý lịch ứng viên phải trong sạch từ hai đời trở lên.
Quy trình tuyển chọn có thể kéo dài hơn sáu tháng. Gia đình hoàn toàn không biết con em họ làm gì.
Các sĩ quan đơn vị 8200 không quá 30 tuổi và thực ra không làm công tác tình báo vì họ không phải là gián điệp hay nhà phân tích. Họ thường làm việc tại văn phòng, tập trung tìm kiếm điểm yếu của đối phương nhưng không tiếp cận đối phương.
Vai trò của họ là ứng dụng công nghệ mới để ngăn chặn nước ngoài tấn công mạng. Với cách thức làm việc tương tự các công ty khởi nghiệp, họ làm việc theo nhóm nhỏ với kinh phí hạn chế, chú trọng giải pháp sáng tạo và phát triển khả năng mới trong công tác tình báo mạng.
Israel là quốc gia sản sinh nhiều công ty khởi nghiệp nhất thế giới từ các cựu chiến binh của hai đơn vị 8200 và 81. Ước tính có hơn 1.000 công ty công nghệ thông tin do các cựu binh này thành lập.
Cuối năm 2015, Israel đã xác nhận thông tin báo Wall Street Journal tiết lộ CIA đã tìm cách tuyển mộ các sĩ quan về hưu thuộc đơn vị 8200 của Israel.
Israel còn là nước đầu tiên thành lập một sư đoàn phòng thủ không gian mạng, phụ trách xây dựng cơ sở tác chiến nhằm bảo đảm liên thông các hệ thống mạng hải, lục, không quân.
Sư đoàn C4I (C4I là từ viết tắt của chỉ huy, kiểm soát, thông tin, máy tính và tình báo quân sự) ra đời năm 2011, là trung tâm chỉ huy và kiểm soát chiến dịch.
Các sĩ quan ngồi trước màn hình quan sát toàn diện chiến trường và ra lệnh cho các xe bọc thép và bộ binh di chuyển. Đơn vị 8200 hoạt động phối hợp với sư đoàn này.
Tháng 9-2017, quân đội Israel đã tổ chức một cuộc tập trận quy mô lớn nhất trong hơn hai thập niên với kịch bản chiến tranh xảy ra ở biên giới phía bắc. Cuộc tập trận kéo dài hai tuần với 25.000 binh sĩ và quân dự bị tham gia.
Đây là lần đầu tiên sư đoàn C4I đã kết nối được hầu hết mệnh lệnh chiến đấu với mọi cấp chiến đấu và chỉ huy hải, lục, không quân trong cùng một mạng lưới bảo mật.
Israel không có bộ tư lệnh không gian mạng
Tháng 5-2017, quân đội Israel chính thức thông báo từ bỏ ý định thành lập bộ tư lệnh tác chiến mạng hợp nhất từ sư đoàn C4I và lực lượng tình báo mạng của đơn vị 8200.
Bộ tư lệnh dự kiến này sẽ do một tướng hai sao chỉ huy, với quy mô tương đương hải quân, không quân và bộ binh. Bộ tư lệnh được quân đội gọi là "vòm sắt kỹ thuật số" để so sánh với hệ thống phòng không di động đánh chặn tên lửa mang tên "Vòm sắt" của Israel.
_______________________________________
Kỳ tới: Đáp trả ra sao khi bị tấn công mạng?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận