Trạm xăng bị đập phá ở Iran - Ảnh: AFP
Theo Hãng tin AFP, mạng Internet ở Iran đã bị cắt từ sáng 17-11 đến nay nên các thông tin khó kiểm chứng.
Theo đó chỉ còn một số ít hình ảnh, clip lọt được ra ngoài cho thấy tình hình biểu tình chống chính quyền vẫn còn tiếp diễn.
Hiện tại, người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabiei cho biết chính quyền Tehran cần có thời gian để đưa ra thống kê cuối cùng về số nạn nhân.
Còn tại một cuộc họp báo ở Geneva (Thụy Sĩ) ngày 19-11, ông Rupert Colville - người phát ngôn của Cao ủy Nhân quyền LHQ - cho biết: "Chúng tôi đặc biệt báo động về chuyện sử dụng đạn thật đã làm một số lượng lớn người thiệt mạng ở khắp đất nước Iran. Chúng tôi yêu cầu chính quyền Iran phải nhanh chóng thiết lập lại mạng Internet cho người dân, cũng như thiết lập lại các hình thức thông tin khác cho phép tự do ngôn luận và tiếp cận thông tin".
Biểu tình đã bùng phát tại Iran vào ngày 15-11 vừa qua sau khi chính phủ nước này thông báo các chính sách mới đối với mặt hàng xăng dầu, trong đó có việc bán xăng theo định mức và tăng giá xăng.
Người dân Iran lái xe ra dừng giữa cao tốc để phản đối chuyện tăng giá xăng - Ảnh: REUTERS
Biểu tình đã xảy ra ở nhiều tỉnh thành, kể cả ở thủ đô Tehran nên chính quyền đã sử dụng biện pháp "ngắt mạng" để tránh việc kích động, kêu gọi xuống đường qua mạng.
Hôm 19-11, chính quyền Tehran còn tuyên bố sẽ chỉ ngừng chặn Internet khi nào đảm bảo được Internet không bị lợi dụng trong bối cảnh diễn ra các cuộc biểu tình bạo lực phản đối việc tăng giá dầu.
Người phát ngôn Chính phủ Iran Ali Rabiei cũng thừa nhận nhiều lĩnh vực và ngân hàng đã gặp khó khăn do Internet bị chặn và chính quyền đang nỗ lực khắc phục tình trạng này.
Quan chức này nêu rõ mặc dù hiểu được những vấn đề mà người dân đang gặp phải, song ưu tiên của chính quyền hiện nay là duy trì hòa bình và ổn định của đất nước.
Theo người phát ngôn, Internet sẽ được khôi phục dần dần tại một số tỉnh mà chính quyền có thể chắc chắn rằng Internet sẽ không bị lợi dụng trong các cuộc biểu tình.
Cảnh sát ném lựu đạn cay giải tán biểu tình ở cao tốc thuộc thủ đô Tehran - Ảnh: REUTERS
Trong khi đó theo một báo cáo của lực lượng tình báo Iran, được Hãng thông tấn Fars của Iran dẫn lại, có 87.000 người đã xuống đường biểu tình ở khoảng 100 thành phố, chủ yếu tại các tỉnh Khouzestan (phía nam), Fars (phía nam), Tehran và Kerman (miền trung).
Gần 1.000 người biểu tình đã bị bắt và 100 cơ sở công quyền đã bị người biểu tình đập phá. Trong nhiều đoạn video được truyền ra vào cuối tuần qua ở Iran, người ta đã thấy hình ảnh những người biểu tình đập phá các tòa nhà công quyền, các ngân hàng và trạm bán xăng.
Ngày 14-11, chính quyền Tehran tuyên bố sẽ áp dụng phân phối xăng dầu và tăng giá từ 50% trở lên đối với xăng dầu bơm tại các trạm nhằm từ bỏ trợ giá xăng dầu vốn rất tốn kém và là nguyên nhân gia tăng lượng tiêu thụ xăng dầu cũng như tình trạng buôn lậu xăng dầu tràn lan.
Người đứng đầu Cơ quan Ngân sách và kế hoạch Iran, Mohmmad Bagher Nobakht, cho biết tiền thu được từ việc tăng giá xăng sẽ được dùng để trợ cấp bổ sung cho 60 triệu người đang trong tình cảnh khó khăn.
Hoạt động buôn lậu xăng dầu đã gia tăng tại Iran do đồng rial mất giá so với đồng USD, kể từ khi Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015 giữa Iran với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Mỹ và Đức) và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tehran vào năm ngoái.
Theo Hãng thông tấn Iran (IRNA), giá xăng dầu rất thấp do được trợ giá đã dẫn tới tình trạng tiêu thụ xăng dầu tăng mạnh, với 80 triệu người dân Iran mua trung bình 90 triệu lít/ngày. Việc này cũng góp phần làm tăng lượng xăng dầu bị buôn lậu bán ra nước ngoài, ước tính vào khoảng 10-20 triệu lít/ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận