Quốc khánh lịch sử của Indonesia năm nay không chỉ là một sự thông báo về thủ đô mới Nusantara, mà còn là cơ hội để tái tạo bản sắc dân tộc. Tổng thống Indonesia Joko Widodo khẳng định thủ đô mới đại diện cho "một đạo đức làm việc mới, một tư duy mới và một nền kinh tế xanh mới".
Nusantara: di sản của ông Widodo
Indonesia kỳ vọng Nusantara sẽ là một trong những thủ đô tốt nhất thế giới, cùng điểm nhấn là cung điện Garuda (Kim Sí Điểu), công trình thường được gắn liền với những mỹ từ như "tráng lệ" và "độc đáo".
Kiến trúc của cung điện này được lấy cảm hứng từ loài chim thần Garuda, biểu tượng của Indonesia. Ngoài ra, Tổng thống Widodo cũng cho thấy tầm quan trọng của sự kiện lần này thông qua việc chuyển quốc kỳ lịch sử và các văn bản tuyên ngôn độc lập gốc từ Jakarta đến Nusantara.
Ngoài ra, ông Widodo có kế hoạch hoàn thành một phần khu vực trung tâm - nơi làm việc của chính phủ - vào cuối năm nay. Indonesia cũng sẽ tập trung vào việc mở rộng hệ thống cơ sở hạ tầng và các văn phòng làm việc, nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển hàng chục ngàn công chức đến Nusantara vào cuối năm 2029.
Những kế hoạch trên dù vậy chỉ là khởi đầu cho giấc mơ đầy tham vọng của Tổng thống Widodo. Ông Widodo đặt mục tiêu lấp đầy thủ đô mới với các cơ sở giáo dục đẳng cấp thế giới, bệnh viện hiện đại và vườn bách thảo đa dạng. Toàn bộ dự án có thể hoàn thành vào năm 2045, với mục đích đưa thành phố đạt mức phát thải carbon bằng 0.
Với khoản đầu tư lên tới 32 tỉ USD, thủ đô mới mang theo mong muốn thay đổi bộ mặt của Indonesia.
Từ một Jakarta đông đúc, ô nhiễm, khói bụi với san sát bê tông, lãnh đạo Indonesia muốn chuyển đến Nusantara, nơi được phủ xanh bởi những cánh rừng, có tiềm năng trở thành thành phố vườn rừng tích hợp đầu tiên trên thế giới.
Phát biểu trong cuộc họp nội các đầu tiên ở Dinh tổng thống tại thủ đô Nusantara ngày 12-8, ông Widodo đã nhấn mạnh tầm nhìn to lớn của mình đối với thủ đô mới. Nhà lãnh đạo Indonesia khẳng định Nusantara không chỉ là thủ đô mới, mà còn là "một bức tranh định hình tương lai".
Tương lai bỏ ngỏ
Có thể khẳng định dự án thủ đô Nusantara là một trong những di sản lớn nhất của Tổng thống Widodo trước khi mãn nhiệm. Trong bài phát biểu cùng ngày 12-8, Tổng thống đắc cử Indonesia Prabowo Subianto cam kết sẽ tiếp tục đeo đuổi dự án Nusantara đến cùng, xóa tan những băn khoăn trước đó về thiện chí của ông đối với dự án di sản của ông Widodo.
"Tôi đã nói nhiều lần rằng tôi quyết tâm tiếp tục hoàn thành dự án nếu có thể. Tôi tin rằng thủ đô mới có thể đi vào hoạt động trong vòng ba, bốn hoặc năm năm nữa", ông Subianto nhấn mạnh.
Tuy nhiên, dự án trên đã không thu hút được nguồn đầu tư như kỳ vọng, cũng như bị chậm trễ trong quá trình thi công. Kể từ tháng 7-2024, ông Widodo đã bắt đầu làm việc tại Dinh tổng thống ở Nusantara.
Ban đầu, tổng thống sắp mãn nhiệm của Indonesia đặt mục tiêu hoàn thành tòa nhà trước khi sự kiện kỷ niệm quốc khánh 17-8, cũng là thời điểm ông tuyên bố thủ đô mới chính thức khánh thành. Nhưng những thách thức về điều kiện cơ sở hạ tầng được cho đã buộc ông Widodo phải giảm 80% số khách mời, từ 8.000 xuống còn 1.300 khách. Ngoài ra, những khó khăn về điều kiện thời tiết cũng khiến kế hoạch khánh thành sân bay vào đúng quốc khánh bị trì hoãn.
Không chỉ vậy, thi công một thành phố từ con số không là điều cực kỳ tốn kém. Tổng thống Widodo dự kiến sẽ xây dựng nguồn tài chính khoảng 32 tỉ USD đến từ sự kết hợp giữa nguồn vốn của chính phủ, doanh nghiệp nhà nước, công ty tư nhân và quan hệ đối tác công - tư. Trong đó, phần chi phí nhà nước phải chịu dự kiến sẽ nhỏ nhất. Thế nhưng từ 2022 đến nay, mọi thứ chưa diễn ra đúng kế hoạch. Từ lúc khởi công, chính phủ đã phân bổ gần 4,6 tỉ USD để phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, mức gần với giới hạn tài chính nhà nước có thể chi.
Mặc dù đã đưa ra nhiều ưu đãi về thuế và quyền sở hữu tài sản dài hạn, dự án Nusantara đến nay thu hút chưa đến 3,2 tỉ USD tổng vốn đầu tư đến từ các doanh nghiệp địa phương và tổ chức nhà nước. Bên cạnh đó, chưa có công ty nước ngoài nào đưa ra các cam kết đầu tư lâu dài trong số hơn 400 doanh nghiệp nước ngoài bày tỏ ý định tham gia.
Nhiều ý kiến cho rằng các thách thức trên đặt ra nhiều dấu hỏi cho ông Subianto khi theo đuổi dự án này. Bloomberg nhận định số phận của toàn bộ siêu dự án vẫn bị bỏ ngỏ trước ngày ông Subianto nhậm chức (20-10).
Thành phố xanh có thật sự xanh?
Dù được xây dựng để trở thành một thủ đô xanh nhưng Nusantara để lại một số điểm lấn cấn trong mắt các nhóm bảo vệ môi trường. Từ khi khởi công, các nhà hoạt động xã hội liên tục cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn từ việc chặt cây, phá hủy đa dạng sinh học trong quá trình xây dựng.
"Nusantara là nguyên nhân thúc đẩy nạn phá rừng. Điều này trái ngược với cách gọi thành phố xanh mà chúng ta thường nghe", ông Anggi Putra Prayoga - quản lý truyền thông của tổ chức phi chính phủ về môi trường Forest Watch Indonesia - nêu quan điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận