09/06/2020 21:14 GMT+7

Indonesia thảo luận với Mỹ 'chào mời' những công ty Mỹ rời Trung Quốc

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã đưa ra một loạt hứa hẹn với các công ty Mỹ có ý định rời Trung Quốc. Nhưng nói như tạp chí Nikkei Asian Review, "chi phí nhân công rẻ hơn không khiến những gã khổng lồ công nghệ như Apple bỏ Việt Nam".

Indonesia thảo luận với Mỹ chào mời những công ty Mỹ rời Trung Quốc - Ảnh 1.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải) đứng cạnh người đồng cấp Mỹ Donald Trump (giữa) và Pháp Emmanuel Macron tại thượng đỉnh G20 năm 2017 - Ảnh: AFP

Luhut Panjaitan, Bộ trưởng điều phối các vấn đề đầu tư và hàng hải Indonesia, ngày 9-6 đã xác nhận với Nikkei Asian Review rằng Jakarta đang tiến hành các cuộc thảo luận trực tiếp với Chính phủ Mỹ về vấn đề trên.

Theo ông Panjaitan, đã có khoảng 20 công ty Mỹ định rời khỏi Trung Quốc thể hiện sự quan tâm tới các đề nghị của Indonesia. 

Họ được hứa sẽ có chỗ trong các khu công nghiệp quan trọng của xứ vạn đảo như khu công nghiệp ưu đãi thuế Kendal ở tỉnh Trung Java hay khu công nghiệp Brebes, một trong 89 dự án ưu tiên quốc gia của chính quyền Joko Widodo.

Người phát ngôn của bộ này sau đó cho biết ông Panjaitan đã có cuộc nói chuyện trực tiếp với người đứng đầu Tập đoàn phát triển tài chính quốc tế Mỹ - một cơ quan của Chính phủ Mỹ - sau khi ông Widodo gọi điện cho người đồng cấp Donald Trump.

Trong bản tin ngày 9-6, Nikkei Asian Review đã vẽ bức tranh toàn cảnh cho thấy Indonesia đang ở đâu so với Việt Nam, Malaysia và Thái Lan - các nước có tiềm năng cạnh tranh với Jakarta trong khu vực.

Ngân hàng Thế giới (WB) hồi năm ngoái đã cảnh báo Indonesia, nền kinh tế duy nhất của Đông Nam Á có mặt trong nhóm G20, đang bị các nước trong khu vực bỏ lại. 

Tính đến tháng 10-2019, trong số 33 công ty rời Trung Quốc để né sức nóng thương chiến Mỹ - Trung, có 23 công ty chọn Việt Nam trong khi số còn lại chia đều ra các nước Thái Lan, Malaysia và Campuchia.

Theo Chỉ số cạnh tranh công nghiệp của Liên Hiệp Quốc, Indonesia có vị trí cao hơn Việt Nam. Tuy nhiên, theo tạp chí Nikkei Asian Review, Jakarta lại có lịch sử không được thuận lợi trong việc kêu gọi trực tiếp đầu tư nước ngoài (FDI).

Đóng góp của FDI cho GDP của Indonesia chỉ 1,8% trong năm 2018 và thấp hơn đáng kể so với các đối thủ như Việt Nam, Thái Lan và Malaysia. 

Tạp chí của Nhật Bản nhận định "chi phí nhân công rẻ hơn không khiến những gã khổng lồ công nghệ như Apple rời bỏ Việt Nam". Nikkei Asian Review trước đó khẳng định Apple sẽ bắt đầu sản xuất tai nghe Airpods tại Việt Nam ngay trong năm nay.

Những tập đoàn lớn khác của Mỹ như Microsoft và Google đang để ý đến những địa điểm tiềm năng ở Việt Nam và Thái Lan hơn là Indonesia.

Indonesia đang có nhiều sự không ổn định trong mắt các nhà đầu tư, theo các chuyên gia làm trong lĩnh vực tư vấn. 

Chẳng hạn, theo ông Yulius Yulius, vấn đề đã từng chỉ là quyền sử dụng đất và lao động nhưng sự bùng nổ của COVID-19 khiến giới làm ăn phải tính tới năng lực quản lý rủi ro của chính quyền Jakarta.

Indonesia hiện là nước có số ca nhiễm COVID-19 nhiều thứ 2 tại Đông Nam Á nhưng là nước có số người chết đứng đầu khu vực với 33.076 ca nhiễm, trong đó 1.923 người đã chết tính đến ngày 9-6.

Có hay không chuyện Mỹ chuyển 27 công ty từ Trung Quốc sang Indonesia? Có hay không chuyện Mỹ chuyển 27 công ty từ Trung Quốc sang Indonesia?

TTO - Một quan chức của Mỹ không xác nhận thông tin Tổng thống Donald Trump chuyển 27 nhà máy từ Trung Quốc sang Indonesia, nhưng ông “không ngạc nhiên”.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên