13/02/2017 15:49 GMT+7

​IMF ‘mừng và lo’ về tăng trưởng kinh tế của Mỹ

HOÀNG DUY LONG
HOÀNG DUY LONG

TTO - Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo GDP của Mỹ sẽ tăng trong năm nay và năm tới nhưng lo lắng về những ảnh hưởng tiêu cực với phần còn lại của thế giới.

 

Bà Christine Lagarde - Ảnh: AFP
Bà Christine Lagarde - Ảnh: AFP

Bà Christine Lagarde, Tổng giám đốc của IMF, cho rằng triển vọng kinh tế Mỹ dưới trào Tổng thống Donald Trump là rõ ràng nhưng một số mối lo cũng khiến phải lưu tâm.

Trong Hội nghị thượng đỉnh chính phủ Toàn cầu diễn ra tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất - UAE) ngày 12-2, bà Lagarde công bố dự báo của IMF cho biết GDP của Mỹ sẽ tăng 3,4% trong năm nay và 3,6% trong năm 2018.

IMF dự báo lạc quan về tăng trưởng của Mỹ dựa trên các giải phá giảm thuế và tăng đầu tư cho cơ sở hạ tầng mà Tổng thống Trump đã hứa thực hiện. 

Bà cũng dự báo rằng Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) không sớm thì muộn sẽ cho tăng lãi suất và quyết định đó sẽ tạo ra nhiều áp lực lên tín dụng và tài chính của các nước khác.

Lãnh đạo IMF cũng nêu ra những quan ngại về khuynh hướng bảo hộ của Mỹ và châu Âu. Bà Lagarde cho biết IMF sẽ theo dõi sát việc cải tổ các biện pháp điều chỉnh tài chính mà chính quyền Trump đang dự tính tiến hành.

Sự ổn định tài chính toàn cầu và theo dõi hệ thống tài chính toàn cầu là một trong những nhiệm vụ chính của IMF.

Đối với khu vực châu Âu, bà Lagarde cho rằng những nỗ lực vừa qua của các chính phủ trong khối đồng euro nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế nội khối là rất tích cực nhưng bà lại đang lo lắng về những kỳ bầu cử diễn ra trong năm nay của một số quốc gia chủ chốt như Đức, Pháp, Hà Lan. 

Mối lo này nằm ở việc một số đảng phái chính trị khai thác chủ nghĩa dân túy, dựa theo hình mẫu của Mỹ để đòi quyền lợi cao hơn cho người dân nước mình. Những viễn cảnh này tuy có vẻ xa vời nhưng sau chiến thắng của tỉ phú Donald Trump, người ta bắt đầu hiểu ra rằng "không có chuyện gì là không thể xảy ra".

Vấn đề xử lý nợ của Hi Lạp cũng đang là một dấu hiệu cho thấy sự rạn nứt của Liên minh châu Âu (EU) ở một góc độ nào đó. Tuy nhiên, bà Lagarde bảo vệ cách xử lý cứng rắn hiện nay của một số nước cầm đầu ở EU khi viện dẫn các trường hợp của Ireland, Bồ Đào Nha và Cyprus đã chấm nhận cải cách, thực hiện các chính sách thắt lưng buộc bụng nghiêm ngặt để vượt qua khủng hoảng của đất nước mình.

"Phải làm nhiều hơn nữa, phải làm nhiều thêm nữa. Không có gì phải nghi ngờ về chuyện đó", nhà lãnh đạo của IMF cương quyết với giải pháp "thuốc đắng" để trị con bệnh Hi Lạp.

Hội nghị thượng đỉnh chính phủ toàn cầu 2017 (World Government Summit-WGS) lần thứ năm đã qui tụ hơn 4.000 đại biểu từ 139 nước trên toàn thế giới.

Trong khuôn khổ hội nghị kéo dài từ ngày 12 đến 14-2, những chủ đề chính được thảo luận gồm: kết thúc toàn cầu hóa, làm thế nào để phát triển công nghệ xuyên biên giới, cuộc chiến chống chủ nghĩa cực đoan và nguồn năng lượng hạt nhân.

Chủ trì hội nghị là Phó Tổng thống và Thủ tướng của UAE, đồng thời là người trị vì của tiểu vương quốc Dubai Sheikh Mohammed bin Rashid Al-Maktoum. 

Bộ trưởng Các vấn đề Nội các UAE đồng thời là Chủ tịch của WGS Mohammed Al-Gergawi khẳng định số lượng các đại biểu tham gia hội nghị năm nay cho thấy tầm vóc của sự kiện mang tính khu vực và toàn cầu với sự quan tâm ngày càng lớn từ các chính phủ và tổ chức quốc tế.

Trong khuôn khổ WGS, các đại biểu cùng bàn thảo về định hình tương lai của thế giới và thúc đẩy sự sẵn sàng của chính phủ các nước trên tất cả các lĩnh vực. 

HOÀNG DUY LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên