31/05/2011 04:00 GMT+7

IMF: khi các sếp đứng trên luật

HIẾU TRUNG (Theo NY Times, WSJ, Daily Mail)
HIẾU TRUNG (Theo NY Times, WSJ, Daily Mail)

TT - Vì sao bộ quy tắc đạo đức của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) chỉ được áp dụng với 2.400 nhân viên chứ không cho 24 giám đốc điều hành đầy quyền lực?

R30oZ9sl.jpgPhóng to

Trong một cuộc họp của các sếp IMF tại trụ sở ở Washington - Ảnh: Reuters

Trong bốn năm qua, IMF đã thắt chặt các quy định đạo đức nhằm kiểm soát hành vi của 2.400 nhân viên, thậm chí còn thiết lập một đường dây nóng để tiếp nhận đơn tố cáo những hành vi như quấy rối tình dục, công bố chi tiết các đơn tố cáo trong báo cáo hằng năm và trao quyền cho một cố vấn đạo đức điều tra các hành vi vi phạm quy định. Tuy nhiên, các quy định này lại không có hiệu lực đối với 24 thành viên Hội đồng điều hành IMF.

“Có rất nhiều quy định kiểm soát nghiêm ngặt đối với các nhân viên, nhưng với tầng lớp lãnh đạo thì lại không hề” - chuyên gia về quy định đạo đức Katrina Campbell thuộc Hãng tư vấn Global Compliance khẳng định.

Các sếp được “tự quản”

Từ năm 2008, IMF đã thuê Công ty luật Morgan, Lewis & Bockius để điều tra các vấn đề đạo đức của IMF. Tháng 1-2009, IMF thông qua các quy định cho phép điều tra các vấn đề đạo đức. Cố vấn đạo đức IMF Virginia R. Canter, một cựu luật sư ở Nhà Trắng, hằng năm đều công bố các đơn tố cáo đối với nhân viên IMF. Ông có quyền điều tra các hành vi vi phạm đạo đức và báo cáo lên Ủy ban đạo đức của IMF. Năm 2010, ông đã điều tra 30 vụ, xử lý 10 vụ, trong đó một vụ sa thải.

Thế nhưng, ông Canter và Ủy ban đạo đức IMF lại không có quyền điều tra các thành viên Hội đồng điều hành IMF. Hội đồng này tự giám sát các giám đốc điều hành cũng như tổng giám đốc. Hội đồng này có một ủy ban đạo đức riêng gồm năm thành viên, được thành lập từ năm 1998 và hoạt động hoàn toàn... bí mật. Cách duy nhất để Hội đồng điều hành IMF kỷ luật một thành viên là gửi thư cảnh cáo cho đương sự hoặc cho quốc gia của đương sự đó, hoặc nhóm quốc gia đã chỉ định đương sự đó vào Hội đồng điều hành IMF.

Năm 2007, trong một nghiên cứu về chính sách đạo đức của IMF cho Văn phòng đánh giá độc lập của IMF, chuyên gia về quy định đạo đức Katrina Campbell đã kết luận Hội đồng điều hành IMF thiếu một hệ thống hiệu quả để kỷ luật các thành viên vi phạm quy định đạo đức, Ủy ban đạo đức của Hội đồng điều hành IMF chẳng bao giờ họp hành để thảo luận về các vấn đề đạo đức, mà chỉ bàn các quy định chung chung. Phần lớn quy định đạo đức của Hội đồng điều hành IMF chỉ là những “hướng dẫn, khuyến cáo”. Hội đồng điều hành IMF cũng không đưa ra những chế tài có hiệu quả.

Chẳng hạn như năm 2008 khi ông Dominique Strauss-Kahn bị cáo buộc có quan hệ ngoài luồng với nhà kinh tế người Hungary Piroska M. Nagy, Ủy ban đạo đức IMF không thể điều tra “sếp tổng”. IMF phải thuê Hãng luật Morgan, Lewis & Bockius điều tra ông Strauss-Kahn. Và dù bà Nagy cho biết bị ép quan hệ với ông Strauss-Kahn, cuộc điều tra vẫn kết luận ông không lạm dụng quyền lực và chỉ bị nhắc nhở.

Những điều tiếng

Từ trước vụ Strauss-Kahn, ở IMF đã có nhiều điều tiếng về các hành vi vi phạm quy định đạo đức liên quan đến chuyện tình dục. Một số cựu nhân viên tiết lộ nhiều nhân viên nữ đã tránh mặc váy ngắn đi làm do lo ngại các sếp để ý và quấy rối. Nhiều người truyền tai nhau những cách thức để né tránh tiếp xúc với những sếp quá “vồn vã”, “thân thiện” với nhân viên nữ. Một số cựu nhân viên còn khẳng định ở IMF có một luật riêng: “Mối quan hệ gần gũi giữa sếp và nhân viên không phải là hành vi quấy rối”.

Năm 2007, một thư ký hành chính tố cáo cô bị buộc phải ngủ với sếp quản lý trực tiếp. Thư ký này khẳng định sau đó ông sếp này còn chấm điểm thành tích công việc của cô rất thấp nhằm đe dọa và ép buộc cô phải tiếp tục mối quan hệ với ông ta. Tuy nhiên, báo cáo nội bộ của IMF cho biết các quan chức ở IMF tuyên bố ông sếp này sắp sửa nghỉ hưu, do đó việc điều tra ông ta chẳng có ý nghĩa gì cả.

Trong một vụ khác, một nữ nhân viên trẻ, rời IMF năm 2009, tiết lộ một quản lý cấp cao trong IMF từng liên tục gửi thư điện tử đề nghị quan hệ với cô. Cô đã tố cáo vụ việc với sếp quản lý trực tiếp. “Ông ấy nói rằng sẽ xem xét nghiêm túc vụ việc, nhưng chỉ hai phút sau thì làm như thể chẳng có chuyện gì xảy ra” - nữ nhân viên này bức xúc. Viên quản lý kia không hề bị kỷ luật. Mới đây, cố vấn đạo đức Canter cam kết IMF sẽ không còn xử lý thiếu nghiêm túc những tố cáo, phàn nàn hành vi quấy rối tình dục kiểu như vậy nữa.

Sau xìcăngđan mới đây của ông Strauss-Kahn tại New York, IMF lại thắt chặt các quy định đạo đức, buộc các nhân viên phải công bố quan hệ giữa sếp và nhân viên trong tổ chức. “Mối quan hệ cá nhân gần gũi giữa quản lý và nhân viên có thể tạo ra xung đột lợi ích và cần phải được báo cáo, giải quyết bằng cách điều chuyển một cá nhân sang bộ phận khác” - người phát ngôn IMF cho biết. Quy định mới được áp dụng từ ngày 6-5 đối với 2.400 nhân viên, nhưng tuyệt nhiên lại không được áp dụng đối với 24 giám đốc điều hành.

“Các quy định đạo đức ở IMF cũng giống như bộ luật cướp biển trong phim Cướp biển vùng Caribê, chúng chỉ là hướng dẫn” - nhà kinh tế Carmen M. Reinhart, từng giữ chức phó giám đốc nghiên cứu ở IMF từ năm 2001-2003, mô tả. Điều đó khiến nhiều người trở nên mạo hiểm hơn”.

Người tù mang số 1225782 Tổng giám đốc IMF bị bắt vì cáo buộc tình dụcTổng giám đốc IMF bị bắt vì “cưỡng bức tình dục”IMF chỉ định quyền tổng giám đốcTổng giám đốc IMF bị gài bẫy?Giới chính khách muốn tổng giám đốc IMF từ chứcCơ hội để cải tổ IMF

HIẾU TRUNG (Theo NY Times, WSJ, Daily Mail)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên