17/05/2011 07:50 GMT+7

Tổng giám đốc IMF bị gài bẫy?

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Sau tiếng sét gây chấn động nước Pháp và thế giới là những câu hỏi: Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn đã bị gài bẫy? Nếu bị gài bẫy thì ai được lợi từ vụ việc này?

Tổng giám đốc IMF bị bắt vì cáo buộc tình dụcTổng giám đốc IMF bị bắt vì “cưỡng bức tình dục”IMF chỉ định quyền tổng giám đốc

Pwvrre4T.jpgPhóng to
Tổng giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn (giữa) được đưa ra khỏi đồn cảnh sát ở New York ngày 15-5. Ông khẳng định mình vô tội - Ảnh: AFP

Ngày 16-5, tờ New York Times cho biết luật sư của ông Dominique Strauss-Kahn nói thân chủ mình tuyên bố hoàn toàn vô tội và đồng ý cho phép cảnh sát thực hiện các khám nghiệm khoa học và pháp y trên cơ thể để tìm ra các vết xước do cào cấu hay ADN của người hầu phòng. Việc xuất hiện trước tòa của ông Kahn đã phải trì hoãn một ngày, dự kiến diễn ra ở Tòa án Manhattan vào ngày 17-5. Khoảng 22g ngày 16-5 (giờ Việt Nam), AFP cho biết ông Kahn đã xuất hiện tại tòa án ở New York sau một ngày trì hoãn. Cảnh sát cho biết họ đang điều tra một vụ nghi ngờ tương tự như vụ ở New York trước đây của ông. Reuters cho biết các công tố viên đề nghị số tiền bảo lãnh cho ông là 1 triệu USD.

Trước đó, cô hầu phòng 32 tuổi người Mỹ gốc Phi, nạn nhân của vụ việc, đã được đưa đến đồn cảnh sát với một tấm trùm màu đen che mặt để nhận diện người mà cô cáo buộc đã có những hành vi xâm hại tình dục.

Trong khi đó, vợ ông Dominique Strauss-Kahn, nhà báo truyền hình rất nổi tiếng của Pháp, bà Anne Sinclair, tuyên bố “không phút giây nào tin là chồng tôi đã phạm tội”. Người phụ nữ 63 tuổi này khẳng định sẽ luôn ở bên cạnh chồng bất kể mọi cáo buộc. “Tôi tin ông ấy sẽ được chứng minh vô tội”.

Bị gài bẫy?

Thực hư ra sao cảnh sát New York sẽ ra sức điều tra, nhất là khi nội vụ dính dáng đến một nhân vật tai to mặt lớn “xuyên quốc gia”. Dẫu sao đây cũng là một bài học lớn cho các đấng tai to mặt lớn: phải cảnh giác, tự kiềm chế để khỏi thân bại danh liệt, nhất là ở những nước mà “hở một tí”, thậm chí ra bãi biển nhìn chăm chăm một cô vị thành niên nhưng to xác cũng có thể bị gọi là “quấy rối tình dục” và luật pháp ít chừa mặt ai.

Trong một góc độ khác, cũng cảm thấy ái ngại cho các nước đang gặp khủng hoảng nợ hay chậm phát triển khi được biết sếp IMF qua đêm với giá biểu 3.000 USD. Được biết, một phòng hạng trung bình ở khách sạn này 1.000 USD/đêm, cộng thuế 151 USD, tổng cộng là 1.151 USD/đêm. Thật ra, cảnh ăn ở trong các khách sạn “lắm sao” để bàn chuyện “thu nhập bao nhiêu là nghèo hoặc cận nghèo” là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Bà Christine Boutin, chủ tịch Đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo, nói với truyền hình BFM của Pháp: “Tôi nghĩ nhiều khả năng đây là cái bẫy được giăng ra cho ông Dominique Strauss-Kahn và ông ấy đã lọt bẫy. Đây là một quả bom đối với nền chính trị Pháp”.

Chỉ vài giờ trước khi ông Dominique Strauss-Kahn bị lôi ra khỏi máy bay, một đồng minh của Đảng Xã hội cho biết ông Dominique Strauss-Kahn là mục tiêu của một chiến dịch bôi nhọ do Tổng thống Nicolas Sarkozy đề xướng. Chính trị gia của Đảng Xã hội Jean-Marie Le Guen nói với đài phát thanh Europe 1: “Đây là một chiến dịch quy mô, có chỉ huy đã được ông Sarkozy và đồng minh thông báo để tấn công ông Dominique Strauss-Kahn”.

“Tôi không sao tin nổi lại xảy ra một vụ như thế! - Dominique Pallíe, phó chủ tịch và là người cựu phát ngôn của Đảng UMP, nói - Dominique Strauss-Kahn là một trong những đối thủ của tôi, thế nhưng hoàn toàn có thể nghĩ rằng ông ta có thể gục ngã vì trượt vỏ chuối mà người ta đã để dưới gót giày của ông ta. Nếu ông ta đã trượt vỏ chuối chính là vì người ta đã biết rõ ông ta có sẵn một điểm yếu”.

Nhưng cũng có ý kiến khác đặt nghi vấn ở cấp vĩ mô hơn. Bà Michelle Sabban, một đồng minh của ông Dominique Strauss-Kahn, bình luận: “Tôi tin đây là một âm mưu quốc tế. Họ muốn nhắm đến IMF chứ không phải đến ứng viên hàng đầu của Đảng Xã hội. Ai cũng biết điểm yếu của ông ta là phụ nữ. Đó là cách mà họ cho ông ta vào bẫy”.

“Nếu ông ta được tuyên bố vô tội thì có thể trở lại chính trường, nhưng nếu cần đến 4-5 tháng nữa mới đến thời điểm đó thì có thể là quá trễ” - Jerome Fourquet của Cơ quan thăm dò dư luận IFOP nhận định. Philippe Martinat, tác giả cuốn sách DSK - Sarkozy: The duel (Cuộc song đấu Dominique Strauss-Kahn - Sarkozy), bình luận trên AP: “Tôi nghĩ sự nghiệp chính trị của ông ấy đã kết thúc. Đằng sau ông ấy còn nhiều vụ khác nữa. Tôi không thấy ông ấy có khả năng quay lại”.

Ông Dominique Strauss-Kahn là giáo sư kinh tế, cựu bộ trưởng tài chính Pháp, trở thành người đứng đầu IMF vào tháng 11-2007 với nhiệm kỳ năm năm. Ông đã tạo ra những làn gió mới trong IMF, như giúp các nước bị khủng hoảng có các khoản vay khẩn cấp, cho các nền kinh tế đang nổi lên như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil có quyền bỏ phiếu lớn hơn trong IMF. Là người đối thoại với tất cả các nguyên thủ quốc gia, cựu bộ trưởng tài chính Pháp này đã làm biến đổi hình ảnh của IMF. Báo Pháp Le Figaro mô tả: “Với Dominique Strauss-Kahn, IMF đã chuyển từ vai trò sen đầm sang vai trò là thầy thuốc bắt mạch và chữa trị cho toàn cầu hóa”.

Việc ông bị bắt đang khiến các quốc gia châu Âu lo lắng, do vai trò quan trọng của ông trong việc mối lái các gói cứu trợ kinh tế cho Iceland, Hungary, Hi Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha. “Có khả năng người kế nhiệm sẽ không phải là người Âu, và sẽ muốn tái sắp xếp các ưu tiên của IMF từ việc quá chú tâm tới châu Âu hiện nay sang hướng khác” - ông Jean Pisani-Ferry, giám đốc Cơ quan nghiên cứu kinh tế Bruegel, nhận định.

“Kẻ quyến rũ vĩ đại”

Chuyện ông Dominique Strauss-Kahn có bị gài bẫy hay không thì hạ hồi phân giải khi tòa án Mỹ đưa ra phán quyết cuối cùng. Thế nhưng, rõ ràng “vụ việc ở New York” không phải là lần đầu tiên lỡ trót dại của ông. Báo chí Pháp đã gọi ông là “Kẻ quyến rũ vĩ đại”, với một “bề dày” liên quan tới phụ nữ. Trên đài truyền hình Pháp, bà Anne Mansouret cho biết con gái bà - nhà văn Tristane Banon - từng là nạn nhân một vụ tấn công tình dục của ông Strauss-Kahn năm 2002 nhưng vụ việc không được đưa tới cảnh sát để điều tra. Bà cáo buộc ông Dominique Strauss-Kahn “giống như không kiểm soát được ham muốn”, và việc “săn đuổi” phụ nữ như vậy là một dạng bạo lực. Cũng phải kể tới vụ bê bối năm 2008 với một trợ lý văn phòng châu Phi của ông mà vụ việc đã được tẩy sạch.

Không lạ gì mà báo New York Daily News (Mỹ) lần này đã giật tít “Kẻ hư hỏng”, còn tờ Financial Times của Anh cũng mô tả ông “có một thành tích bền vững là kẻ chạy bám váy đàn bà”.

Cử tri Pháp vốn nổi tiếng là rộng lượng với những chuyện “ngoài luồng” của các chính trị gia cao cấp. Tuy nhiên, cáo buộc chống lại ông Dominique Strauss-Kahn lần này nghiêm trọng hơn rất nhiều. Theo luật của bang New York, tội phạm tình dục và cưỡng dâm có thể bị án 15-20 năm tù giam; nhốt người bất hợp pháp cộng thêm 3-5 năm tù nữa.

Ai được lợi?

Báo Le Soir của Bỉ ngày 15-5 đã viết: “Người mà cánh tả nhìn thấy như một ứng cử viên sáng giá, người mà những cuộc thăm dò dư luận cho là đã thắng cuộc từ nhiều tháng qua sẽ không thể trở thành tổng thống tương lai của nước Pháp. Càng không thể là đối thủ của ông Sarkozy nữa. Dù cho các cuộc điều tra của Mỹ có kết luận như thế nào đi nữa, ông Dominique Strauss-Kahn đã trở nên quá yếu thế để có thể đem lại cho phe mình niềm hi vọng để dẫn đến chiến thắng”.

Theo báo này, “vụ việc ở New York” giờ đã khiến mọi con bài được lật ngửa... Ai sẽ được lợi từ bàn cờ mới này? “Tất phải là một lễ hội ăn mừng cho điện Elysee”, dư luận đang đồn đoán. Ông Sarkozy có thể đã loại bỏ được một trong những đối thủ đáng sợ nhất, người có thể gặm mất phần cử tri của cánh trung hữu.

“Người vui mừng” khác nữa, như dư luận Pháp đang đồn đoán, là ông FranÇois Hollande - ứng viên thứ hai của Đảng Xã hội - sau khi, như báo Đức Bild mô tả, “Strauss-Kahn, thế là kết thúc”. Tổng thư ký Đảng Xã hội Martine Aubry giờ đang phải tính toán lại chiến lược của đảng, bởi việc bà hậu thuẫn ông Dominique Strauss-Kahn nay đã phá sản và ưu tiên của bà giờ là phải “giữ nhà”, làm người trấn giữ khung thành cho đảng sau khi lưới nhà vừa bị thủng một bàn thua trông thấy.

“Khi nhà thương lượng hàng đầu bỏ cuộc chơi...”

IMF đã chỉ định ông John Lipsky, phó giám đốc điều hành thứ nhất, lên làm quyền tổng giám đốc. Cuộc họp nội bộ dự kiến của IMF vào ngày 16-5 đã bị hoãn, và IMF thông báo chờ thêm các thông tin mới từ New York.

Chuyến bay tới Đức của ông Dominique Strauss-Kahn để gặp Thủ tướng Angela Merkel và các bộ trưởng tài chính châu Âu nhằm thảo luận về khủng hoảng nợ đã không thực hiện được. Do đó, các giải pháp để giải quyết khủng hoảng nợ của Hi Lạp và các bước cuối cùng để hỗ trợ gói giải cứu trị giá 78 tỉ euro cho Bồ Đào Nha đã không được đưa ra.

Chính phủ Hi Lạp cho biết dù về cơ bản, việc ông Dominique Strauss-Kahn bị bắt giữ không ảnh hưởng gì tới chính sách của IMF nhưng có thể khiến tốc độ giải cứu chậm trễ hơn, và Hi Lạp sẽ trả giá đắt hơn khi chưa có được những quyết định chắc chắn đảm bảo năm tới sẽ có tiền. GS Theodore Pelagidis tại ĐH Piraeus phân tích: “Ông ấy hiểu về bản chất của khủng hoảng hơn cả. Chuyện mới xảy ra đang khiến mọi việc phức tạp hơn, vì một trong những nhà thương lượng hàng đầu đã bỏ cuộc chơi, thì chúng tôi tự hỏi ai sẽ thay thế và diễn biến sẽ ra sao”.

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên