21/05/2011 08:34 GMT+7

Cơ hội để cải tổ IMF

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Chiếc ghế lãnh đạo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang bị tranh chấp quyết liệt sau khi ông Dominique Strauss-Kahn từ chức. Thế giới đã thay đổi và sự trỗi dậy của các nền kinh tế đang nổi lên cần được phản ánh qua chức vụ tổng giám đốc của thiết chế này.

jVwgQQGd.jpgPhóng to
Cựu tổng giám đốc IMF Dominique Strauss - Kahn được tại ngoại sau khi đóng 1 triệu USD bảo lãnh - Ảnh: AFP

“Không hề có thứ logic gì trong truyền thống một người châu Âu lãnh đạo IMF - báo Wall Street Journal dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Thái Lan Korn Chatikavanij - Thế giới đã thay đổi rất nhiều trong 3-4 năm qua”. Theo ông, sau cuộc khủng hoảng tài chính thập niên 1990, người châu Á rất am hiểu các vấn đề tài chính, do đó xứng đáng lãnh đạo IMF. Bộ trưởng Tài chính Philippines Cesar Purisima cũng khẳng định châu Á là động lực thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu, do đó tổng giám đốc IMF cần là một người châu Á.

Tuy nhiên, các quan chức châu Âu đang cho rằng cần phải có một người châu Âu lãnh đạo IMF để giúp châu Âu nhanh chóng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ. Pháp, Ý và Đức đều lên tiếng kêu gọi đưa một người châu Âu lên thay thế ông Dominique Strauss-Kahn. Ứng viên được coi là sáng giá nhất là nữ Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde, 55 tuổi, chính trị gia nổi tiếng nhất bên ngoài nước Pháp sau Tổng thống Nicolas Sarkozy.

Bà Lagarde theo học ngành luật, gia nhập Hãng luật Baker & McKenzie ở tuổi 25 và năm 1999 làm chủ tịch Baker & McKenzie, trở thành người phụ nữ đầu tiên nắm giữ chức vụ này. Bà lần lượt nắm giữ nhiều lãnh vực khác nhau trong Chính phủ Pháp: năm 2005 là bộ trưởng thương mại, năm 2007 là bộ trưởng nông nghiệp. Báo Anh Independent mô tả bà là “một người thương thuyết bình tĩnh nhưng cứng rắn" trong cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009 và khủng hoảng nợ châu Âu 2010-2011.

Thế nhưng quan điểm của châu Âu lại bị châu Á phản đối kịch liệt. “Quan điểm lãnh đạo IMF phải là người châu Âu vì hiểu khủng hoảng nợ châu Âu nhất là khá kỳ quái - ông Arvind Virmani, người Ấn Độ, thành viên ủy ban điều hành IMF, phản bác - Nếu vậy chẳng lẽ khi có khủng hoảng ở châu Á, một người châu Á phải lên thay? Hay khi khủng hoảng xảy ra ở châu Phi, chúng ta lại phải có một tổng giám đốc IMF là người châu Phi?”.

Trong khi đó, báo Wall Street Journal cho biết Mỹ, nước có tiếng nói mạnh nhất tại IMF, không ủng hộ quan điểm của các nước đang phát triển. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner tuyên bố Washington muốn một “tiến trình cởi mở để nhanh chóng dẫn tới sự kế nhiệm” nhưng không phản đối hình thức đề cử tổng giám đốc IMF hiện tại. Theo quy định, vị trí tổng giám đốc IMF được xác định khi một ứng cử viên nhận được đa số phiếu bầu từ ủy ban điều hành IMF gồm 24 thành viên. Các nước châu Âu có tổng cộng 35,6% số phiếu, Mỹ 16,8%, trong khi các nước châu Á - Thái Bình Dương có 20,93% số phiếu.

Theo truyền thống từ trước đến nay, một người Mỹ luôn đảm nhận chức vụ lãnh đạo Ngân hàng Thế giới và vị trí phó tổng giám đốc IMF, còn một người châu Âu giữ chức tổng giám đốc IMF. Tổng giám đốc tạm quyền John Lipsky sẽ từ chức sau khi hết nhiệm kỳ vào tháng 8.

Trong khi cuộc tranh luận về vị trí tổng giám đốc IMF đang nóng lên thì chính trường Pháp như vừa cất được gánh nặng và thở phào: sau một tuần bị giam giữ, ông Dominique Strauss-Kahn đã được tại ngoại với số tiền bảo lãnh 1 triệu USD. Nhiều quan chức Pháp, như AFP dẫn lời, cho rằng giờ đây ông có thể đưa ra lời tường thuật sự việc của mình và “bình tĩnh chuẩn bị lời biện hộ, mà điều quan trọng nhất là chứng minh sự vô tội của mình".

Ngoài số tiền để được tại ngoại, ông Dominique Strauss-Kahn còn phải đóng thêm 5 triệu USD bảo chứng. Ông còn phải chi trả số tiền 200.000 USD/tháng cho việc cảnh sát vũ trang giám sát căn hộ của ông 24/24 giờ đến khi trở lại tòa vào ngày 6-6.

Báo Le Courrier International, Pháp đăng bài “Tư duy lại các thiết chế của Bretton Woods” như một tiếng nói khác từ châu Phi. Bài báo mở đầu với nhận định cho rằng cơn chấn động từ “vụ DSK” vượt lên trên bi kịch cá nhân mà ông Dominique Strauss-Kahn (DSK) đang trải qua, vượt lên trên những hậu quả (đúng hay sai) mà việc bắt giữ đang gây ra cho nước Pháp, đó chính là bản thân các thiết chế quốc tế đã ra đời từ thỏa thuận Bretton Woods vào năm 1945.

Theo báo Les Dépêches de Brazzaville, Congo ngày 20-5, IMF, Ngân hàng Thế giới cùng nhiều thiết chế quốc tế khác đã ra đời sau Thế chiến thứ 2, dưới sự thúc đẩy của Mỹ, vốn lúc đó cho rằng là cần thiết để phục hồi các nền kinh tế châu Âu bị tàn phá nặng nề sau chiến tranh, nhất là cần thiết để ngăn chặn Liên Xô bằng những nền kinh tế tự do. Do vậy, theo báo này, “không nói rằng các tổ chức này là sản phẩm của thời kỳ chiến tranh lạnh, nhưng vẫn phải thừa nhận rằng từ lâu đó là một trong những công cụ, và nay các thiết chế này vẫn ít nhiều nằm dưới sự thống trị của Mỹ”. Và tờ báo kết luận: “Nếu như dám nhìn thẳng sự thật thì rõ ràng là các thiết chế ra đời từ 70 năm trước để điều hành thế giới đã trở nên khá lỗi thời”.

T.N.

Người tù mang số 1225782 Tổng giám đốc IMF bị bắt vì cáo buộc tình dụcTổng giám đốc IMF bị bắt vì “cưỡng bức tình dục”IMF chỉ định quyền tổng giám đốcTổng giám đốc IMF bị gài bẫy?Giới chính khách muốn tổng giám đốc IMF từ chức

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên