AFP dẫn lời các chuyên gia kinh tế lo ngại chính sách nới lỏng tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ đẩy giá hàng hóa lên cao và tình trạng lạm phát tại các nước sẽ xấu hơn.
Cho đến nay, ngân hàng trung ương các nước đã thực hiện một số chính sách nới lỏng tiền tệ đặc biệt, bao gồm cho vay lãi suất cực thấp và mua trái phiếu quy mô lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế từ năm 2008. Điển hình như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và Ngân hàng Anh với chương trình mua trái phiếu quy mô lớn hoặc nới lỏng định lượng (QE), hay Ngân hàng Trung ương châu Âu với việc cho vay, Ngân hàng Trung ương Nhật (BoJ) với chương trình nới lỏng tiền tệ tích cực trị giá 1.400 tỉ USD vào tuần trước nhằm ngăn chặn giảm phát và chấm dứt nhiều thập niên tăng trưởng ảm đạm.
Trong báo cáo ổn định tài chính toàn cầu (GFSR), IMF cảnh báo nếu các ngân hàng trung ương tiếp tục kéo dài chính sách siêu nới lỏng tiền tệ thì các rủi ro tài chính tiềm tàng sẽ gia tăng, “bao gồm rủi ro tín dụng của các ngân hàng, khó khăn trong việc khởi động lại thị trường vốn trong các ngân hàng tư nhân và những thách thức đang tồn tại trong thị trường do sự can thiệp của các ngân hàng trung ương gây ra”. Đặc biệt, báo cáo nhấn mạnh việc áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ tại các nền kinh tế phát triển có thể gây ảnh hưởng đến sự ổn định tại các nền kinh tế mới nổi.
GFSR được đưa ra trước hội nghị thường niên của IMF - Ngân hàng Thế giới diễn ra ngày 19-4 tại Washington D.C. Tại hội nghị này, phương hướng hành động và các vấn đề của nền kinh tế toàn cầu sẽ được thảo luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận