Các nhận xét trên được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu ra tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 khai mạc tại Hà Nội ngày 19-12. Một lần nữa, "ngoại giao cây tre Việt Nam" được người đứng đầu Đảng nhắc lại với yêu cầu tiếp tục đổi mới, xây dựng và phát triển trường phái đặc sắc này.
Các chuyến thăm liên tục, sôi động
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định ngoại giao và đối ngoại Việt Nam trong ba năm qua đã "đạt được nhiều kết quả, thành tựu quan trọng, có ý nghĩa lịch sử, trở thành một điểm sáng đầy ấn tượng trong toàn bộ những kết quả, thành tựu chung của đất nước".
Trong đó các kết quả nổi bật là đã quán triệt và triển khai đồng bộ, hiệu quả đường lối đối ngoại Đại hội XIII. Đối ngoại và ngoại giao cũng đã phát huy thế mới và lực mới, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, củng cố vững chắc hơn cục diện đối ngoại rộng mở, thuận lợi cho phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Sự thành công của những chuyến thăm, điện đàm của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cùng nhiều chuyến thăm Việt Nam của lãnh đạo các nước quan trọng, đặc biệt liên tục và sôi động trong năm 2023, là những sự kiện có ý nghĩa lịch sử. Tổng bí thư cũng chỉ rõ công tác đối ngoại và ngoại giao đã đi đầu trong việc huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần quan trọng cho việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là mở rộng và nâng cao hiệu quả kinh tế đối ngoại.
Từ năm 2021 đến nay, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 và những biến động lớn của tình hình thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn là một điểm sáng. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2022 đạt 8,02% và dự báo năm 2023 có thể đạt trên 5%, là mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cũng trong giai đoạn này, lần đầu tiên GDP của nước ta vượt 400 tỉ USD, đứng thứ ba trong ASEAN và thuộc nhóm 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài.
Ngoại giao, đối ngoại cũng đã tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, không ngừng nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước thông qua việc Việt Nam đã và đang đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế quan trọng trong các cơ chế, diễn đàn đa phương như ASEAN, Liên Hiệp Quốc...
"Có thể nói, chưa bao giờ vị thế, uy tín và hình ảnh một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, phát triển năng động, là bạn bè thủy chung, chân thành, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm lại nổi bật trên trường quốc tế như hiện nay", Tổng bí thư nhấn mạnh.
Không gây thù oán với ai
Tổng bí thư khẳng định "lợi ích quốc gia - dân tộc của Việt Nam lúc này vẫn là bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển". Trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực dự báo còn tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, ông yêu cầu ngành ngoại giao thường xuyên theo dõi sát các diễn biến và dự báo đúng chiều hướng phát triển của tình hình, đánh giá kỹ các tác động đến Việt Nam cũng như tuyệt đối không chủ quan, không để bị động, bất ngờ và luôn bình tĩnh, tỉnh táo nắm bắt thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức.
Ngoại giao phải kết hợp nhuần nhuyễn sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, xử lý hài hòa mối quan hệ giữa lợi ích quốc gia - dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế. Theo Tổng bí thư, ngoại giao, đối ngoại phải luôn kiên định trong nguyên tắc và linh hoạt trong sách lược. "Nguyên tắc của chúng ta là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Sách lược của chúng ta là cơ động, linh hoạt điều chỉnh tùy theo từng vấn đề, từng thời điểm và tùy theo đối tượng hay đối tác, tuân thủ những tư tưởng lớn của Bác Hồ", ông nói.
Những tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh được Tổng bí thư nhắc đến là "dĩ bất biến ứng vạn biến", "thêm bạn bớt thù", "sẵn sàng làm bạn với tất cả các nước dân chủ và không gây thù oán với ai". "Việt Nam luôn sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế", Tổng bí thư nhấn mạnh.
Định hình bản sắc ngoại giao Việt Nam
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, trường phái đối ngoại, ngoại giao "cây tre Việt Nam" đã ngày càng được quốc tế thừa nhận rộng rãi. Trong năm 2023, cụm từ này liên tục xuất hiện trên truyền thông quốc tế sau các chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam của nhiều nước lớn quan trọng.
Không ít học giả, nhà nghiên cứu đã tìm hiểu về trường phái này của Việt Nam, để rồi họ nhận thấy mảnh đất hình chữ S đã và đang thiết lập được "trạng thái cân bằng lành mạnh" trong quan hệ với các nước vì lợi ích quốc gia - dân tộc. "Sẽ là khôn ngoan nếu các nước khác noi theo tấm gương Việt Nam", cây bút Karishma Vaswani khẳng định trong bài viết gần đây trên Hãng tin Bloomberg.
Dòng chảy ngoại giao Việt Nam trong mạch kế thừa và phát triển
Những phát biểu chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 đã nhận được nhiều đồng cảm và tán thành từ các nhà ngoại giao Việt Nam. Là những người đang trực tiếp hiện thực hóa các nguyên tắc và sách lược ngoại giao mà Đảng và Nhà nước đã xác lập, các nhà ngoại giao chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ về góc nhìn của họ được gợi mở từ bài nói chuyện của Tổng bí thư.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng:
Trước hết, cây tre có thân chắc, cành mềm uyển chuyển. Như vậy ngoại giao cây tre tức là giữ vững những nguyên tắc, linh hoạt về cách làm.
Chúng ta làm rõ với các nước, các đối tác về những lợi ích căn bản của đất nước, những giá trị mà Việt Nam theo đuổi và sẽ không thay đổi, chúng ta sẽ kiên quyết bảo vệ nhưng cũng linh hoạt với những gì phù hợp với xu thế.
Khi các nước hiểu được đâu là các nguyên tắc mà Việt Nam theo đuổi, những gì Việt Nam có thể linh hoạt thì khả năng hợp tác đến đâu cũng được làm rõ. Chính sách đối ngoại của chúng ta rõ ràng thì việc hợp tác cũng trở nên dễ dàng hơn.
Khi Mỹ muốn đẩy mạnh, nâng cấp quan hệ với Việt Nam thì trước hết phải tôn trọng những gì mà Việt Nam coi là nguyên tắc, những giá trị của Việt Nam. Sau đó hai bên đã đi đến việc hợp tác, đáp ứng lợi ích của hai bên tùy từng hoàn cảnh, tùy từng thời điểm.
Chính sự chắc chắn về chiến lược, về lợi ích và sự uyển chuyển trong cách thức ngoại giao đã tạo điều kiện cho Việt Nam thể hiện được quan điểm của mình và có những điều phù hợp với xu thế chung. Như vậy chúng ta có thêm bạn, có thêm đối tác.
Trong thời bình, ngoại giao cần đi đầu để tạo môi trường thuận lợi hơn, phát huy nguồn lực trong và ngoài nước phục vụ cho phát triển. Đồng thời ngoại giao cũng rất cần sự toàn diện, không chỉ tập trung vào một lĩnh vực. Khi tập trung cho phát triển thì chúng ta phải toàn diện, tập trung cả ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa, công tác bảo hộ công dân ở nước ngoài. Không nhiệm vụ nào quan trọng hơn nhiệm vụ nào.
Đại sứ Vũ Hồ (quyền trưởng SOM ASEAN Việt Nam):
Bài nói chuyện của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị lấy câu chuyện nền ngoại giao Việt Nam là ngoại giao cây tre, xuất phát từ khu vực, từ các nước láng giềng dần dần mở rộng ra những đối tác lớn bên ngoài.
Chúng ta có thể thấy việc đầu tiên của ngoại giao là phục vụ cho hòa bình, ổn định và phát triển phồn vinh, không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực. Định hướng rất rõ ràng của ngoại giao hiện nay là bảo đảm môi trường ổn định, tìm ra phương thức, phương cách cụ thể để đóng góp cho hòa bình, ổn định khu vực, từ đó tìm ra đường hướng phát triển.
Sự phát triển của nền đối ngoại Việt Nam dựa trên thành quả hoạt động đối ngoại của đất nước trong suốt thời kỳ đổi mới, cũng như suốt thời kỳ từ khi lập nước đến nay. Không có thành quả đối ngoại nào mà không dựa trên tư tưởng Hồ Chí Minh, chính sách của Đảng, Nhà nước, không dựa trên sự phát triển, chuyển động của khu vực, quốc tế.
Chúng tôi cho rằng đối ngoại Việt Nam phải dựa trên lợi ích quốc gia, dân tộc để từ đó có thể vươn lên, chuyển hóa, biến khẩu hiệu thành hiện thực, biến cảm xúc thành hành động. Đấy là một điểm tôi thấy phát biểu của Tổng bí thư hết sức chính xác. Những chỉ đạo của Tổng bí thư hoàn toàn dựa trên thực tế phát triển của quốc gia, dân tộc và nền đối ngoại Việt Nam trong thời đại mới.
Bất cứ quốc gia nào muốn tồn tại được đều phải dựa vào quan hệ với các nước láng giềng, để phục vụ cho mục tiêu cao cả nhất là lợi ích quốc gia, dân tộc. Quan hệ của Việt Nam với ASEAN, với các nước thành viên ASEAN nói riêng và hoạt động của Việt Nam trong ASEAN nói chung đều nhằm mục tiêu cao cả nhất là phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc. Trên cơ sở đó, quan trọng nhất là xây dựng, thiết lập lòng tin, đảm bảo đối thoại và hợp tác là công cụ chủ yếu trong hoạt động của Việt Nam trong ASEAN và trong quan hệ của Việt Nam với từng nước thành viên.
Lợi ích quốc gia, dân tộc có điểm trùng, điểm khác nhưng đều dựa trên luật pháp quốc tế. Luật pháp quốc tế và các chuẩn mực trong hành xử quốc gia là căn bản để triển khai đối ngoại, không chỉ trong ASEAN mà còn cả trong quan hệ của Việt Nam với các nước bên ngoài khu vực.
Quan hệ của Việt Nam với các nước láng giềng và quốc tế đều dựa trên sự hòa hiếu, tinh thần đối thoại và hợp tác. Trong suốt thời từ đổi mới đến nay, chúng ta đều lấy đối thoại và hợp tác làm công cụ, cơ sở cho đối ngoại Việt Nam.
Tất cả các hoạt động đối ngoại cũng như chuyến thăm của các nước đến Việt Nam đều thể hiện vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực đang dần được nâng cao, củng cố. Từ đó có thể thấy sự đổi mới chính sách của Đảng, Nhà nước chưa bao giờ đi ra ngoài mục tiêu chính là phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc, lấy đối thoại và hợp tác, lấy hòa bình và hòa hiếu làm cơ sở căn bản cho đối ngoại Việt Nam.
Đại sứ Việt Nam tại Singapore Mai Phước Dũng:
Chia sẻ của Tổng bí thư khiến những người làm nghề phấn khởi, vì Đảng, Nhà nước đã ghi nhận được thành tựu của ngành ngoại giao trong năm qua. Đấy là nỗ lực, cố gắng hết sức của anh em trong ngành ngoại giao.
Chúng ta đã vượt qua những biến cố, khó khăn của đất nước nói chung và của ngành ngoại giao nói riêng, đồng thời có thành tựu đối ngoại hết sức tuyệt vời.
Những phát biểu, động viên của Tổng bí thư cũng như của các đồng chí lãnh đạo là nguồn động lực cho chúng tôi trong năm tới và những năm tiếp theo.
Chúng tôi sẽ có thêm động lực để phục vụ, đưa ra những chính sách đối ngoại tốt nhất cho đất nước, làm sao để bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa và tạo ra môi trường hòa bình phục vụ phát triển đất nước.
Ngoại giao công nghệ
Mới đây, trong chuyến thăm Việt Nam và tìm hiểu thị trường đầu tư, ông Jensen Huang - CEO Tập đoàn Nvidia, nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới của Mỹ - đã chia sẻ với Thủ tướng Phạm Minh Chính về ý định có thể thành lập một trung tâm, một cứ điểm công nghệ tại Việt Nam để thu hút nhân tài trên khắp thế giới.
Chuyến thăm hôm 11-12 của ông Jensen Huang chỉ là một trong nhiều chuyến thăm gần như nối tiếp nhau trong năm qua của các phái đoàn doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghệ. Có được những cuộc tiếp xúc sôi nổi đó là nhờ một phần góp sức rất lớn từ hoạt động kết nối của các phái đoàn ngoại giao Việt Nam tại nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ.
Ngày 18-12, bên lề Hội nghị Ngoại vụ toàn quốc lần thứ 21 (trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32), ông Hoàng Anh Tuấn, tổng lãnh sự Việt Nam tại San Francisco (Mỹ), chia sẻ với báo giới về vai trò kết nối của công tác ngoại giao trong việc đưa các "ông lớn" công nghệ trong những ngành mũi nhọn đến Việt Nam.
Theo ông Tuấn, đóng góp lớn nhất là của các nhà lãnh đạo Việt Nam. Trong lịch trình các chuyến thăm đến Mỹ của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Phạm Minh Chính đều có các cuộc làm việc với những công ty công nghệ lớn. Cũng từ những buổi làm việc đó, các nhà lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam đã truyền đi thông điệp rất rõ ràng về quyết tâm và cam kết cao nhất của Chính phủ, Nhà nước Việt Nam trong việc phát triển công nghệ cao và hoan nghênh những hợp tác, đầu tư trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo. Việt Nam cũng bày tỏ thiện chí sẵn sàng hỗ trợ các công ty công nghệ khi đến đầu tư, làm ăn.
Nhiệm vụ sau đó của ngành ngoại giao là kết nối: "Chúng tôi đã truyền đạt lại thông điệp của Thủ tướng đến ngài chủ tịch của Nvidia. Và khi họ sang tìm hiểu thị trường thì chúng tôi tạo các điều kiện để họ thấy thoải mái nhất, để họ thấy rằng Việt Nam là đất nước có khát vọng vươn lên, có đội ngũ kỹ sư sẵn sàng đáp ứng, tham gia làm đối tác tin cậy của Nvidia", ông Hoàng Anh Tuấn chia sẻ.
Nhìn về tương lai, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng khẳng định chắc chắn sẽ có thêm nhiều chuyến thăm nữa của các doanh nghiệp lớn tới Việt Nam.
Nói với báo chí bên lề Hội nghị Ngoại giao ngày 19-12, ông Dũng cho rằng việc Nvidia quan tâm đến Việt Nam sẽ kéo theo những doanh nghiệp khác cũng quan tâm và muốn vào Việt Nam theo "xu thế chung". Họ có thể cùng làm việc hoặc làm các công việc khác nhau nhưng hướng tới hỗ trợ lẫn nhau, tạo ra một hệ sinh thái thuận lợi cho sự phát triển. Theo đó, cùng với công nghệ, các lĩnh vực đào tạo, dịch vụ nghỉ dưỡng, khách sạn, khu vui chơi giải trí cũng sẽ được đầu tư để đáp ứng nhu cầu cho những cơ sở công nghiệp mới.
Báo chí quốc tế nói về "ngoại giao cây tre Việt Nam"
Báo Khmer Times đã đề cập đến "ngoại giao cây tre Việt Nam" trong một bài viết đăng ngày 18-12. Trong đó, họ viết cây tre được xem là biểu tượng của sức mạnh, sự kiên cường, uyển chuyển trong văn hóa Việt Nam.
Với việc áp dụng khái niệm này, Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ đối tác và thúc đẩy hợp tác. Ngoại giao cây tre giúp Việt Nam làm nổi bật di sản văn hóa của mình, từ đó tạo ra sự kết nối văn hóa. Sự kết nối này có thể tăng cường mối quan hệ giữa người với người, thu hẹp khoảng cách về sự hiểu biết, tạo điều kiện hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau như kinh tế, chính trị, an ninh.
Còn theo báo Japan Times ngày 18-12, việc Việt Nam đạt được "trạng thái cân bằng lành mạnh" với nhiều cường quốc chính là nhờ ngoại giao cây tre - chính sách được lấy tên từ đặc tính của cây tre là vững chắc và bền, đồng thời cũng linh hoạt và dễ thích ứng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận