Người Mỹ tưởng niệm các nạn nhân vụ thảm sát ở Las Vegas ngày 4-10 - Ảnh: Reuters
Buổi họp báo của cảnh sát Mỹ tối 4-10, giờ địa phương, không đưa ra nhiều câu trả lời cho vụ xả súng chấn động nước Mỹ. Thay vào đó, nhiều câu hỏi hơn được đặt ra.
Lên kế hoạch kỹ càng
Theo cảnh sát trưởng Joseph Lombardo của hạt Clark, Las Vegas, Paddock đã dành nhiều năm thu thập vũ khí và sống lầm lũi mà có lẽ người ta sẽ không bao giờ hiểu được.
Ông Lombardo cho biết trong 72 giờ qua, hàng trăm nhà điều tra đã xâu chuỗi cuộc đời của Paddock.
"Điều chúng tôi biết là gã Stephen Paddock đã dành nhiều thập kỷ thu thập vũ khí", ông Lombardo nói, trong đó lưu ý cột mốc năm 2016 khi hắn mua thêm 33 khẩu súng mới.
Tuy nhiên, hồ sơ của Paddock khiến các cơ quan điều tra Mỹ lúng túng, bởi nó vẫn không giống chân dung một kẻ giết người hàng loạt thường thấy.
Truyền thông Mỹ cho biết Paddock đã lên kế hoạch kỹ càng, từ việc thuê phòng khách sạn với góc nhìn và góc bắn "không thể tốt hơn" nhắm vào đám đông đang say sưa với lễ hội âm nhạc đến việc tích trữ, rồi mang trót lọt vào khách sạn cả kho vũ khí.
Trong ngày định mệnh 1-10, Paddock có chơi vài ván bài vài tiếng trước khi thực hiện vụ xả súng từ tầng 32 của khách sạn Mandalay Bay.
Tuy nhiên, ban đầu hắn đã dự tính sống sót, trốn thoát thay vì tự sát, cảnh sát Mỹ cho biết nhưng không nói rõ. "Hắn ta đã làm mọi thứ để tìm cách thoát ra", ông Lombardo nói.
Theo các mốc thời gian được ghi lại, Paddock bắt đầu nã đạn xuống đám đông khoảng 22h05 tối 1-10 (giờ địa phương) và nổ súng liên tục trong 10 phút sau đó.
Các cảnh sát đầu tiên lên đến được tầng 32 của khách sạn lúc 22h17 và bắt đầu kiểm tra từng phòng.
Paddock đã nã đến 200 viên đạn vào cửa phòng khách sạn, làm bị thương một bảo vệ. Đến 23h20, lực lượng phản ứng nhanh ập vào phòng của Paddock và tuyên bố hắn đã gục.
Có thể có đồng phạm
Bạn gái của Paddock, bà Marilou Danley, cho biết không hay biết gì về kế hoạch của người yêu "tử tế, biết quan tâm và trầm tính" của mình. Bà Danley nói mình bị sốc khi nghe về hành động kinh khủng của Paddock, khi từ Philippines bay về Mỹ gặp FBI.
"Tôi đã yêu anh ta và muốn có một tương lai yên bình cùng nhau" - bà nói. Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết bà Danley đã nhận được 100.000 USD từ Paddock.
FBI cho biết đến nay vẫn chưa có ai bị bắt giữ liên quan đến vụ thảm sát bằng súng đẫm máu nhất lịch sử Mỹ.
Tuy nhiên, cảnh sát không còn cho rằng Paddock hành động đơn độc sau khi phát hiện số lượng lớn vũ khí, đạn dược và thuốc nổ hắn trữ trong nhà, xe và đem vào phòng khách sạn.
"Tôi thấy khó mà tin được chuyện đó. Chúng tôi cho rằng hắn được giúp đỡ ở một số chỗ nào đó" - ông Lombardo nói.
Dù vậy, FBI cho rằng đến nay vẫn chưa tìm thấy mối liên hệ giữa vụ xả súng ở Las Vegas với khủng bố, nhưng sẽ vẫn tiếp tục xem xét mọi giả thuyết. "Cuộc điều tra vẫn đang tiếp diễn" - BBC dẫn lời ông Aaron Rouse của FBI.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có mặt tại Las Vegas để chia sẻ "ngày buồn" với nước Mỹ do "gã bệnh hoạn" Paddock gây ra.
Trên mạng xã hội Twitter, ông cũng ca ngợi những anh hùng cứu hộ đã giúp đỡ các nạn nhân sau vụ thảm sát.
Tuy nhiên, nhiều người không lấy làm cảm động trước thông điệp của ông Trump. "Ông Trump ở Las Vegas đọc những lời chia sẻ được soạn sẵn trên máy nhắc giống như đọc ngoại ngữ vậy" - một người viết trên mạng xã hội.
Người Mỹ sở hữu gần một nửa súng dân sự thế giới
Dự án nghiên cứu độc lập Small Arms Survey (SAS) cho thấy người Mỹ sở hữu 42% của 650 triệu khẩu súng dân sự trên thế giới.
Theo khảo sát của SAS đặt tại Geneva (Thụy Sĩ), ước tính khoảng 270 triệu người Mỹ sở hữu súng, tương đương tỉ lệ 89/100 người.
Đến nỗi nếu sống ở Mỹ mà không sở hữu súng mới là điều lạ. Dĩ nhiên Mỹ đứng đầu trong danh sách của SAS, bỏ xa các nước như Yemen với 11,5 triệu khẩu súng dân sự và Thụy Sĩ với 3,5 triệu khẩu.
Thế giới ước tính có khoảng 650 triệu khẩu súng dân sự và con số này đang tiếp tục tăng. "Các nhà máy của thế giới sản xuất hàng triệu khẩu súng mới hằng năm, trong khi số lượng súng bị hủy thấp hơn rất nhiều. Việc sở hữu súng dân sự đang tăng" - SAS giải thích.
Hầu hết người Mỹ đều từng nổ súng một lần trong đời và có hơn 30.000 người chết vì súng đạn mỗi năm tại nước này.
Tỉ lệ tử vong vì súng đạn ở Mỹ cao hơn 25 lần so với các nước có thu nhập cao khác như Úc, Pháp, Phần Lan.
Nước này cũng là quốc gia có nhiều vụ xả súng nhất thế giới, trong đó chỉ tính từ đầu năm đến nay đã có 273 vụ.
Trong khi Mỹ còn tranh cãi và chia rẽ về vấn đề sở hữu súng, một số nước đã mạnh tay với vấn đề này.
Cách đây một thập kỷ, sau vụ thảm sát bằng súng bán tự động ở Tasmania (Úc) làm 35 người thiệt mạng, chính quyền Úc đã cải tổ luật sở hữu súng đạn gồm cấm người dân sở hữu súng bắn liên thanh, siết chặt quy định sở hữu súng.
Đến nay, hầu như không có vụ xả súng nghiêm trọng nào được ghi nhận tại Úc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận