Người dân tưởng niệm các nạn nhân ở Las Vegas - Ảnh: REUTERS
Tại sao Stephen Paddock - công dân Mỹ, da trắng, 64 tuổi - lại có thể là tay súng duy nhất trong vụ bắn giết này?
Giới điều tra vẫn chưa có câu trả lời nhưng câu trả lời, khi có, cũng không thể khiến chúng tôi bớt đau xót, bàng hoàng cho thực tế đẫm máu đã xảy ra, cho những người đã ngã xuống và cho gia đình họ.
Từ lúc nào cuộc sống đã trở nên thật mong manh và con người ta có quá nhiều lý do vô lý để chết khi người ta ít nghĩ về nó nhất?
Sự việc một người Mỹ chĩa súng vào đồng loại và dân tộc mình một lần nữa làm dấy lên những tranh luận triền miên về quyền mua súng, có súng.
Nếu trước đây nhóm ủng hộ súng không tin các vụ xả súng là hành động của người dân địa phương sở hữu súng hợp pháp, mà là của kẻ phạm tội hay bạo lực có súng bằng cách phi pháp, thì nay họ chỉ có thể phải suy nghĩ lại.
Paddock là một tay "sành" súng, đã sử dụng triệt để quyền sở hữu súng ghi trong Tu chính án số 2 trong Hiến pháp Hoa Kỳ và mua súng theo cách hợp pháp.
Sự "thiện nghệ" của ông ta, ngoài việc sở hữu cả kho vũ khí, còn thể hiện ở việc biết dùng "bump-stock" - thiết bị gắn vào hai khẩu súng bán tự động để chúng có khả năng bắn nhanh như súng tự động (kiểu "độ" súng bị một số nhà lập pháp Mỹ tìm cách ra luật cấm).
Vụ tàn sát xảy ra ở bang Nevada, một trong những bang được mệnh danh là "thiên đường súng ống". Mong rằng những người đang tranh đấu cho việc kiểm soát mua bán súng, mang súng ở Mỹ nói chung và ở Nevada nói riêng sẽ nghĩ lại sau lần đổ máu ghê rợn này.
Khẩu súng trong tay kẻ sát nhân sẽ nổ trước khi nạn nhân - dù có quyền mua súng, có súng - có đủ thời gian để phản ứng. Lập luận có súng để tự vệ thật sự không đủ thuyết phục.
Sự mất an toàn trong cuộc sống chỉ ra rằng cuối cùng chỉ kẻ phạm pháp là thật sự có lợi trong việc dùng súng - một thực tế mà ngành công nghiệp súng luôn tìm cách bài bác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận