Nguyễn Ngọc Hưng (ngồi) trao đổi công việc cùng các đồng nghiệp - Ảnh: C.Nhật |
Nhưng để có được điều này, ít ai biết “chủ xị” Nguyễn Ngọc Hưng (sinh năm 1986) đã trải qua hàng loạt chuyện mà Hưng không gọi là thất bại bởi “tất cả chỉ là thử thách”.
Từ chông gai nối tiếp chông gai
Từ Bắc một mình khăn gói vào miền Nam học ĐH Luật TP.HCM năm 2006, Hưng cho biết môi trường mới mẻ, đầy thử thách này đã tạo cơ duyên để bạn bước vào con đường khởi nghiệp.
“Tôi được các anh chị đi trước giới thiệu tham gia quản lý website Sinhviendaily.com, nơi các bạn sinh viên trên toàn quốc có không gian riêng để học tập, thảo luận” - Hưng nhớ lại. Người bỏ tiền, kẻ bỏ sức... cả nhóm cùng ăn, ngủ với “đứa con tinh thần” cả ngày lẫn đêm.
Thừa sức trẻ nhưng thiếu trải nghiệm thực tế và tầm nhìn dài hạn, Sinhviendaily lẫn các website khác như VN8X, Thehe8X... lần lượt bị đóng cửa. Sau đó, Hưng được bạn bè giới thiệu vào làm tại một kênh truyền hình dành cho giới trẻ.
Thời điểm này Hưng vừa đi học vừa đi làm, sau đó cho ra đời 2! Idol - chương trình giải trí mới mẻ dựa trên sự tương tác đa dạng giữa MC, khán giả và các ngôi sao giải trí thay vì chỉ hỏi đáp bình thường - và nhanh chóng trở thành một trong những chương trình gây tiếng vang lớn trong giới trẻ lúc bấy giờ.
Dẫu vậy, Hưng vẫn quyết định quay về đất Bắc khởi nghiệp sau ngày ra trường. “Có thể nói đây là một quyết định liều lĩnh bởi lúc đó các mối quan hệ công việc đều gầy dựng trong Nam, còn bạn bè trung học lưu lạc khắp nơi... Chính vì vậy mà tôi đã thất bại trong việc tập hợp nhân lực tham gia dự án khởi nghiệp công nghệ ấp ủ từ lâu”, Hưng kể.
Năm 2012, Hưng quyết định thực hiện chuyến đạp xe xuyên Việt một mình chỉ để gây sự chú ý. “Không mạnh về tài chính thì phải mạnh về tinh thần” - Hưng nói. Hưng xem đây là “bảo bối” lận lưng trong những buổi đi gặp gỡ, thuyết phục nhân sự tham gia khởi nghiệp cùng.
“Tapmee - ứng dụng giúp giới trẻ kết nối dễ dàng với mọi người xung quanh thông qua điện thoại - ra đời không lâu sau đó. Và tôi lại tiếp tục hành trình ăn dầm nằm dề, khí thế hừng hực với êkip của Tapmee. Dự án cũng kêu gọi được một khoản đầu tư nho nhỏ nhưng sau một năm tôi đành giải thể vì càng làm càng lỗ do cách áp dụng của chúng tôi còn khá máy móc và bị ảnh hưởng nhiều bởi nước ngoài. Lúc đó tôi “ôm” món nợ hàng trăm triệu đồng” - Hưng nhớ lại.
Đến “Thích ăn phở”
Rời Tapmee, Hưng quay lại làm việc tại kênh truyền hình cũ và tiếp tục phát triển TAP - dự án từng được thiết kế để làm “bàn đạp” truyền thông cho Tapmee.
“Chúng tôi tìm hiểu và biết rằng tiềm năng kinh doanh thông qua quảng cáo trên YouTube ở VN là rất lớn, các báo cáo uy tín gần đây đều cho biết tổng số giờ xem của người Việt trên kênh này xếp thứ ba ở châu Á, tốp đầu thế giới... trong khi các dự án này không tốn quá nhiều vốn, chủ yếu là cần ý tưởng.
Có những clip như “Charlie bit my fingers” (tạm dịch: Charlie cắn ngón tay con kìa!) tuy là clip tự quay cho vui và không tốn một xu nhưng thu hút gần 820 triệu lượt xem, nằm trong top 10 clip được xem nhiều nhất trên YouTube”, Hưng giải thích về nguồn gốc ra đời TAP.
Quan sát kỹ, Hưng rút ra “công thức” thành công chung của những clip “hot” được lan truyền trên mạng: hài hước, ít thoại, gần gũi... Và đó cũng chính là “công thức” Hưng dùng cho TAP. Đánh trúng tâm lý số đông, tập đầu tiên của TAP ra tháng 5-2013 hút 100.000 lượt xem chỉ trong ngày đầu tiên.
Đến tập 6, TAP đạt được con số 1 triệu lượt xem chỉ trong... ba ngày! Những tập sau đó đều đạt con số 1 triệu trong một ngày.
Thừa thắng xông lên, năm 2014 Hưng cùng êkip đã gầy dựng Công ty NVU - cung cấp việc sản xuất, tư vấn, hỗ trợ truyền thông cho các bạn trẻ muốn đi theo con đường gầy dựng hình ảnh, sự nghiệp thông qua Internet.
Nhớ về chuỗi thất bại dồn dập những ngày đầu khởi nghiệp, Hưng cho biết bản thân ít khi ngồi hoài niệm, day dứt. “Tôi rất tâm đắc với cuốn hồi ký của vị cựu chủ tịch Tập đoàn Hyundai với thông điệp xuyên suốt: “Không có thất bại, tất cả chỉ là thử thách”.
Nếu đỉnh Everest không có mưa gió, tuyết lở... và ai cũng leo lên được thì liệu mình có trân quý khoảnh khắc được đứng ở đỉnh cao?” - Hưng chia sẻ.
Ngay cả giai đoạn đầu quay lại xứ Bắc tưởng chừng “xôi hỏng bỏng không”, Hưng cho biết nhờ đó bản thân có thời gian lắng lại để chiêm nghiệm những ưu, khuyết điểm của mình cũng như đầu tư nhiều hơn cho việc đọc sách, tham gia các hội thảo kỹ năng... từ đó có định hướng nghề nghiệp rõ hơn.
Thậm chí, khi bị nhận vô số lời từ chối từ các nhà đầu tư, Hưng cũng chỉ nghĩ đó là dịp để mình “thử lửa” sự kiên trì, niềm tin vào bản thân, đôi khi nhờ họ mà mình thấy được những thiếu sót để khắc phục.
Làm clip truyền đi thông điệp nhân văn Bên cạnh việc kinh doanh, Hưng cho biết mình cùng các thành viên trong công ty thực hiện dự án 4TRY - đang cố gắng thực hiện các chương trình có nội dung lan tỏa thông điệp yêu thương và hoàn toàn phi lợi nhuận. “Xã hội chúng ta hiện có quá nhiều thông tin tiêu cực bủa vây, giới trẻ cần được tiếp cận những câu chuyện đẹp, nhân văn hơn” - Hưng nói về việc cho ra đời các clip Ở VN rớt ví có được trả lại?, Tặng hoa người lạ... hiện được nhiều bạn trẻ lan truyền, ủng hộ trên YouTube. “Ước mơ lớn nhất là mang các sản phẩm nội dung của VN đến thị trường thế giới và tạo ra những giá trị tích cực cho xã hội thông qua những sản phẩm đó” - Hưng giải thích về lịch làm việc khít khao từ 8g sáng đến 9-10g đêm mỗi ngày. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận