Các chuyên gia thảo luận về đề án "Huế - thành phố bốn mùa hoa" - Ảnh: M. AN
"Huế - thành phố bốn mùa hoa" nằm trong đề án xây dựng Thừa Thiên Huế xanh - sạch - sáng. Tuy nhiên, vấn đề được các chuyên gia đặt ra tại diễn đàn có khả quan không khi thời tiết Huế gặp rất nhiều bất lợi, mùa mưa kéo dài, dầm dề.
Tiến sĩ Đặng Minh Nam - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế - dẫn chứng có rất nhiều thành phố ở các nước trên thế giới đã áp dụng thành công mô hình thành phố hoa, tạo nên những điểm đến du lịch để lại ấn tượng trong lòng du khách, một khi nổi tiếng có thể bán vé để tăng thêm nguồn thu.
Ông Nam cho rằng Huế có thể làm được mô hình này và không nhất thiết là phải trồng hoa thật mà còn có thể sử dụng một số loại hoa nhân tạo, hay hoa "ánh sáng" dùng để trang trí cho các di tích, không gian công cộng về đêm.
Vấn đề cần lưu tâm trồng hoa gì, ở đâu, cho ra màu gì… để tạo nên đặc trưng, sự sang trọng riêng biệt. Nếu làm được, Huế không chỉ có một không gian sống xanh lý tưởng mà góp phần hình thành nên đô thị du lịch ấn tượng, thú vị.
Vườn hoa mai trước trên đường Lê Duẩn, TP Huế đoạn trước mặt Đại nội Huế nở hết trước tết 2019 do nắng nóng kéo dài - Ảnh: M.AN
Tuy nhiên, chuyên gia cây xanh Đỗ Xuân Cẩm (nguyên giảng viên Trường đại học Nông lâm - Đại học Huế) bày tỏ lo ngại.
Theo ông Cẩm, mặc dù Huế có điều kiện sinh thái môi trường khá phù hợp, có khả năng dung nạp nhiều cây xanh ngoại lai nhưng đây cũng là thành phố có khí hậu khắc nghiệt với hai mùa mưa - nắng. Đó chính là thách thức khi xây dựng đề án "Huế - thành phố bốn mùa hoa".
Ông Cẩm dẫn chứng, ngay công viên trước mặt Đại Nội - Huế có một vườn hoa mai được Trung tâm Công viên cây xanh Huế trồng khá lâu, có mùa tết nở đẹp nhưng cũng có năm cây nở trước, cây nở sau.
"Cần phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng. Bên cạnh những loài hoa đặc trưng của Huế tồn tại lâu nay chúng ta cần phải trồng thử nghiệm thêm một vài giống mới trước khi nhân rộng ra các tuyến đường, bờ sông…", ông Cẩm nói.
Trước ý kiến của một số chuyên gia, ông Cung Trọng Cường - viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Thừa Thiên Huế - cho biết sẽ ghi nhận, tiếp tục lấy ý kiến của dư luận và tham mưu cho tỉnh trong quá trình triển khai.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận