23/02/2015 09:33 GMT+7

​Thành phố hoa sen

VÂN TRƯỜNG
VÂN TRƯỜNG

TTXuân - Xưa nói đến sen người ta nghĩ ngay đến huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp. 

Cánh đồng sen Đồng Tháp - Ảnh: Lâm Minh Nhựt
Cánh đồng sen Đồng Tháp - Ảnh: Lâm Minh Nhựt

Chỉ ở đây mới có những cánh đồng sen bạt ngàn đẹp như tranh vẽ làm say đắm lòng người. Nay sen đã trở thành biểu tượng và niềm tự hào của người dân tỉnh này với slogan nổi tiếng: “Thuần khiết như hồn sen”.

“Tháp Mười đẹp nhất bông sen Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ”

Là “thủ phủ đất sen hồng”, Cao Lãnh đang tăng tốc để trở thành một thành phố sen độc đáo với đầy ắp màu hồng của hoa sen, màu xanh của cây  ở mọi nơi. Người dân thành phố vẫn giữ được bản sắc hào sảng, thật thà, gần gũi của người miền Tây.  

Ngày càng yêu sen

Thành phố hoa Sa Đéc 

Trong khi “thành phố sen Cao Lãnh” đang dần được định hình thì TP Sa Đéc (thủ phủ cũ của tỉnh Đồng Tháp) đang chuyển mình trở thành “thành phố hoa”.

Làng hoa Sa Đéc vốn rất nổi tiếng vì có diện tích trồng hoa rất lớn với hơn 2.000 giống hoa các loại, là nơi cung cấp hoa tươi và các loại kiểng cho TP.HCM và các tỉnh lân cận quanh năm.

Mấy năm trước các chuyên gia Hà Lan khi đến đây đã nhìn thấy hình hài một thành phố hoa trong tương lai nên đề xuất tỉnh Đồng Tháp đầu tư xây dựng Sa Đéc trở thành “thành phố hoa” giữa đồng bằng. Lập tức lãnh đạo tỉnh ủng hộ ý tưởng này.

Chỉ sau hơn một năm, con đường hoa Sa Nhiên - Cai Dao ở đây đã ra đời. Chương trình hợp tác với Hà Lan và Nhật để chuyển giao công nghệ nghiên cứu những giống hoa mới và kỹ thuật trồng hoa cho năng suất, chất lượng cao hơn với mục tiêu xuất khẩu đã được ký kết và triển khai. Mới đây đã có nhà đầu tư nước ngoài đến đặt vấn đề đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nước hoa từ hoa Sa Đéc. 

Theo chân du khách từ TP.HCM, chúng tôi về Cao Lãnh vào một ngày nắng vàng rực rỡ và tiết trời se lạnh cuối đông.

Vừa qua khỏi ranh giới tỉnh Tiền Giang trên quốc lộ 30 đã thấy một tấm biển rất lớn đặt bên trái đường với tông màu chủ đạo là hồng cánh sen có dòng chữ: “Đất sen hồng Đồng Tháp mến chào quý khách”.

Đi một hồi nữa thì tới Cao Lãnh, chúng tôi thật sự ngây ngất với hình ảnh hoa sen tràn ngập khắp nơi, từ đường phố đến công sở, trường học, nhà dân, khách sạn, quán giải khát…

Các hãng lữ hành nội địa cho biết những năm gần đây số lượng du khách quốc tế và VN đăng ký các tour du lịch đến đất sen hồng Đồng Tháp tăng đột biến. Họ đến đây để ngắm sen và hòa mình vào cuộc sống thân thiện, đầy ắp tiếng cười của người dân thành phố Cao Lãnh. 

Khách sạn Hòa Bình nằm ngay cửa ngõ trung tâm thành phố gây ấn tượng mạnh với hình một “bé sen” khổng lồ miệng cười sảng khoái, tay trái vẫy chào du khách, tay phải cầm lá sen có vẽ biểu tượng cách điệu sếu đầu đỏ và sen, bên dưới là slogan “Đồng Tháp - thuần khiết như hồn sen”. Rất nhiều du khách đã đứng lại ngắm nhìn “bé sen” thật lâu.

Tại khu vực lễ tân, khách sạn còn tỏ ra tinh tế khi đặt một chậu sen thật đang nở hoa thơm ngát. Trước cửa khách sạn Sông Trà gần đó cũng có một hồ sen nho nhỏ luôn nở hoa, đủ sức níu chân các cô gái đến bên tạo dáng chụp hình lưu niệm.

Các công sở và trường học trong thành phố cũng trồng nhiều hoa sen trong chậu cùng các loại cây cảnh khác. Trong khuôn viên Thành ủy và UBND TP Cao Lãnh từ lâu đã có khoảng chục chậu sen hầu như lúc nào cũng có hoa nở. Từ cuối năm 2014, nơi đây đã có thêm ao để trồng sen. Mọi người dân khi đến đây không chỉ được hàng cây cổ thụ che mát mà còn được thư giãn với hoa và hương sen thuần khiết. Đó cũng là một trong những cách mà lãnh đạo Cao Lãnh đang làm trong kế hoạch xây dựng chính quyền thân thiện với dân. 

Để Cao Lãnh trở thành “thành phố hoa sen”, chính quyền đang vận động người dân mang sen về trồng trang trí sân, vườn nhà như các loại cây cảnh khác. Cuộc vận động này được người dân đồng tình ủng hộ vì sen rất dễ trồng và hơn hết sen đã gắn liền với cuộc sống của con người Đồng Tháp. 

Ông Lê Hà Luân, phó chủ tịch UBND TP Cao Lãnh, nói sen xuất hiện ở thành phố này ngày càng nhiều do người dân ngày càng yêu sen. Các công sở trồng sen không chỉ để trang trí cho thủ phủ đất sen hồng, mà còn để người dân thêm yêu nơi mình đang sống.

Cao Lãnh đã quy hoạch xây dựng thêm một số ao sen lớn quy mô hàng ngàn mét vuông, đặc biệt con đường chính dẫn vào trụ sở Tỉnh ủy Đồng Tháp (đường Lý Thường Kiệt) và đường ra phà Cao Lãnh  (đường Phạm Hữu Lầu, đoạn từ cầu Cả Sâu đến khu di tích cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc) sẽ trở thành “Đường sen” với tổng chiều dài 1,7km ngay trước Tết âm lịch để tạo điểm nhấn cảnh quan đô thị.

Theo thiết kế, tại hai con đường này sẽ được trồng sen trên dải phân cách và bố trí rất nhiều chậu sen lớn và hình ảnh “bé sen” hai bên vỉa hè. “Khi đi trên hai con đường này, mọi người sẽ có cảm giác như lạc vào vườn sen hay ao sen”, ông Luân nói. Hai con đường sen độc đáo này đang được khẩn trương thi công để hoàn thành ra mắt du khách vào dịp Tết Ất Mùi 2015. 

Vừa qua khỏi địa phận tinh Tiền Giang trên QL30, du khách sẽ nhìn thấy tấm biển rất dễ thương này- Ảnh: V.Tr.
Vừa qua khỏi địa phận tinh Tiền Giang trên QL30, du khách sẽ nhìn thấy tấm biển rất dễ thương này- Ảnh: V.Tr.

Sản phẩm giá trị từ sen

Ngoài việc tạo ra những cánh đồng sen, ao sen, chậu sen, đường sen, công sở sen… để trang điểm cho thành phố trẻ ở rốn lũ Đồng Tháp Mười càng đẹp hơn, chính quyền Cao Lãnh còn chuẩn bị một chiến lược dài hơi: biến sen thành những sản phẩm cao cấp chỉ có ở Đồng Tháp.

Ông Lê Hà Luân cho biết lãnh đạo thành phố đã đi nhiều nước để tìm hiểu xem trên thế giới người ta làm được những sản phẩm gì từ sen để về mời gọi đầu tư. “Nếu chỉ trồng sen để làm đẹp thành phố thì rất uổng phí vì tiềm năng của thành phố Cao Lãnh và của tỉnh Đồng Tháp hoàn toàn có thể phát triển một ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ sen. Và chính ngành này mới làm tăng giá trị của sen. Khi đó chắc chắn Cao Lãnh sẽ là một địa chỉ của hoa sen, giống như nhắc đến hoa anh đào thì người ta nói đến Nhật Bản, hoa tulip là Hà Lan” - ông Luân nói.

Từ sen có thể chế biến, sản xuất hàng chục sản phẩm giá trị. Về thực phẩm có đậu hũ sen, bánh hạt sen giống bánh đậu xanh đặc sản Hải Dương, trà tim sen, trà ướp hương hoa sen, hạt sen dùng để ăn tươi như luộc, nấu chè, hầm thịt… Sen cũng có thể được chiết xuất để sản xuất mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược phẩm và đặc biệt còn làm được cả vải và lụa sen có giá trị rất cao.

Tuy nhiên những sản phẩm đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao và máy móc, thiết bị hiện đại thì vẫn chưa có. Tiềm năng của ngành công nghiệp chế biến các sản phẩm từ sen vì vậy vẫn còn rất lớn.

Để Cao Lãnh sớm trở thành một “thành phố sen” đúng nghĩa, UBND thành phố đã quyết định sẽ giảm 50% tiền thuê đất và hàng loạt ưu đãi khác cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Những nhà khoa học, doanh nghiệp nào đến Đồng Tháp để nghiên cứu ra các sản phẩm mới từ sen sẽ được tỉnh đầu tư kinh phí. 

Khách hàng chọn mua hạt sen tươi đóng gói ở siêu thị tại Cao Lãnh - Ảnh: V.Tr.
Khách hàng chọn mua hạt sen tươi đóng gói ở siêu thị tại Cao Lãnh - Ảnh: V.Tr.

Cuối năm 2014, UBND TP Cao Lãnh đã phác thảo một kế hoạch ngắn hạn rất hấp dẫn là liên kết với tỉnh bạn để phát triển du lịch và thương mại. Cụ thể, sẽ liên kết với tỉnh Nghệ An hình thành tour du lịch “Từ làng sen đến đồng sen”.

Nếu như làng sen là nơi Bác Hồ sinh ra và lớn lên thì đồng sen Đồng Tháp là nơi cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Bác Hồ) sinh sống, dạy học, bốc thuốc chữa bệnh cho dân và yên giấc nghìn thu. Khu di tích lăng mộ cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc được đầu tư xây dựng rất trang trọng tại Cao Lãnh, nhiều năm qua nơi đây đã trở thành một địa chỉ không thể bỏ qua của du khách khi đến Đồng Tháp. 

Ngoài ra, Cao Lãnh sẽ hợp tác với tỉnh Thái Nguyên tạo ra một sản phẩm trà độc đáo “Trà xanh Thái Nguyên ướp hoa sen Đồng Tháp”. Trước giờ người ta thường ướp hương hoa lài với trà, nhưng trà ướp hương sen thì rất hiếm. Hương hoa sen hòa quyện với trà xanh sẽ làm cho tất cả những người sành trà khó tính nhất cũng phải mềm lòng.

Gần đây người dân ở đồng sen Đồng Tháp còn làm cho du khách ngất ngây với hương vị độc đáo của lá sen non kết hợp trong một món ăn đồng quê nổi tiếng ở miền Tây Nam bộ: cá lóc nướng trui. Những lá sen non còn cuộn tròn chưa bung ra được cuốn với thịt cá lóc nướng trui sẽ biến món ăn dân dã này thành một đặc sản độc đáo.  

“Bé sen” - biểu tượng vui của Đồng Tháp

Cùng với hoa sen, hình ảnh “bé sen” trở nên quen thuộc với du khách trong nước và quốc tế. Ông Lê Minh Hoan, bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, cho biết tỉnh đã mua bản quyền và có quyết định công nhận “bé sen” là biểu tượng vui chính thức của tỉnh.

Biểu tượng vui “bé sen” được sử dụng bắt buộc trong tất cả các sự kiện kinh tế, văn hóa, thể thao, du lịch… trong nước và quốc tế tại tỉnh Đồng Tháp. Nhắc đến “bé sen”, du khách sẽ nghĩ ngay đó là hình ảnh con người và vùng đất tràn ngập hoa sen ở Đồng Tháp.

“Cha đẻ” của “bé sen” là ông Lương Văn Hà - giám đốc Công ty sự kiện và truyền thông Say Cheese Đồng Tháp.

Ông Hà kể: “Tôi rất ấn tượng với cách Thành Đô của Trung Quốc chọn gấu trúc làm biểu tượng. Cho nên khi định vị hình ảnh Đồng Tháp thân thiện gắn với sen tôi đã nghĩ đến bé sen”.

Hiện ông Hà đã phát triển “bé sen” trở thành quà tặng du lịch nho nhỏ. Các vận động viên quốc tế tham dự giải đá cầu quốc tế tại Đồng Tháp vừa qua rất thích thú với biểu tượng vui “bé sen” đá cầu được tặng kèm với huy chương.

Du khách quốc tế đến Đồng Tháp cũng mua nhiều sản phẩm “bé sen” nông dân, “bé sen” bác sĩ, “bé sen” vận động viên, “bé sen” mặc áo in hình quốc kỳ cờ đỏ sao vàng, “bé sen” mặc áo dài… rất dễ thương.

VÂN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên