​Sa Đéc - thành phố hoa 

VÂN TRƯỜNG 14/01/2015 02:01 GMT+7

Hơn 100 năm trước, Sa Đéc đã được người Pháp gọi là khu vườn của xứ Nam kỳ (Le jardin de la Cochinchine) nhờ đất đai phì nhiêu. Từ đó đến nay, Sa Đéc vẫn là nơi trồng hoa lớn nhất ở ĐBSCL. Với ưu thế đặc biệt trên, Sa Đéc được tỉnh Đồng Tháp quyết định xây dựng thành thành phố hoa đặc trưng của vùng sông nước.

Các giống hoa mới tại Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao Đồng Tháp. Đây là nơi Hà Lan đặt trại nghiên cứu, chuyển giao kỹ thuật cho làng hoa Sa Đéc - Ảnh: V.TR.

Với hơn 400ha, làng hoa Sa Đéc vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam bình chọn là một trong 10 làng hoa được yêu thích nhất Việt Nam năm 2014. Đây là một lợi thế không phải tỉnh nào cũng có, nên tỉnh Đồng Tháp muốn khai thác tối đa bằng việc biến nó thành một thành phố hoa ở vùng sông nước.

Ông Huỳnh Trí Cường, phó chủ tịch UBND TP Sa Đéc, giải thích: “Thành phố hoa không phải là dùng hoa để trang trí ở các tuyến phố mà là thành phố chuyên trồng, kinh doanh và xuất khẩu hoa kiểng. Nông dân sẽ sống và làm giàu bằng nghề trồng hoa kiểng. Sa Đéc mong ước trở thành một vệ tinh của thị trường hoa kiểng thế giới”.

Học hỏi công nghệ trồng hoa Hà Lan

Hiện nay, làng hoa Sa Đéc có hơn 2.000 hộ dân trồng hoa kiểng, bước đầu đã phân lập được hơn 2.500 giống hoa kiểng đang trồng tại đây. Theo UBND TP Sa Đéc, giá trị sản xuất ngành nông, lâm, thủy sản chỉ chiếm 6,28% cơ cấu kinh tế của thành phố, trong đó chủ yếu là hoa kiểng. Năm 2014, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp ước đạt hơn 550 tỉ đồng.

Nằm trong chiến lược xây dựng thành phố hoa, UBND TP Sa Đéc đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện với Trung tâm thương mại quốc tế Việt Nam tại Hà Lan trên lĩnh vực nông nghiệp.

Theo thỏa thuận, phía Hà Lan sẽ đầu tư xây dựng một khu nghiên cứu tại Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp, đào tạo chuyên gia trên lĩnh vực nông nghiệp, mở các lớp đào tạo cho nông dân trồng hoa ở Sa Đéc. Ngoài ra Hà Lan còn hỗ trợ Sa Đéc các giống hoa chất lượng cao, chuyển giao kỹ thuật ươm, trồng, bảo quản, vận chuyển và hệ thống logistics trong phân phối và tiêu thụ hoa kiểng.

“Chúng tôi sẽ hợp tác với Hà Lan để xây dựng vườn hoa độc đáo theo mô hình vườn hoa Keukenhof của nước bạn. Sa Đéc có công viên hoa rộng gần 30ha, đảm bảo về cơ sở hạ tầng để đầu tư xây dựng một vườn hoa như thế, bởi vì vườn hoa Keukenhof của Hà Lan chỉ rộng khoảng 37ha nhưng nổi tiếng cả thế giới. Đó là sẽ điểm nhấn quan trọng của thành phố hoa Sa Đéc trong vài năm tới” - ông Huỳnh Trí Cường cho biết thêm.

Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp đã được thành lập, đặt tại xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc. Giám đốc Phạm Hữu Phước cho biết tỉnh đã cử sáu cán bộ đi Hà Lan học cách xây dựng mô hình nhà lưới, nhà màng, nhà kính để trồng hoa, kiến thức quản lý tài chính và marketing, kỹ thuật sơ chế, đóng gói, vận chuyển hoa. Đầu năm nay, chuyên gia Hà Lan sẽ tiếp tục đến Sa Đéc mở khóa tập huấn kỹ thuật cho nông dân trồng hoa.

“Toàn bộ thiết bị, kỹ thuật của họ đưa sang. Với sự hỗ trợ của chuyên gia Hà Lan, chúng tôi hi vọng tìm ra được nhiều giống hoa mới có chất lượng và giá trị cao hơn để tiến tới xuất khẩu” - ông Phước nói.

Ông Võ Văn Sáng, phường Tân Quy Đông, hi vọng khi sản xuất hoa bằng công nghệ Hà Lan và xuất khẩu được thì nghề trồng hoa ở Sa Đéc sẽ phất lên - Ảnh: V.TR. 

Sẽ xuất khẩu hoa Sa Đéc

Theo UBND TP Sa Đéc, đã có một số doanh nghiệp Pháp đến tìm hiểu, đặt vấn đề đầu tư vùng nguyên liệu và nhà máy chiết xuất hương để làm nước hoa. Ngoài ra, người trồng hoa ở Sa Đéc còn phấn khởi hơn khi Công ty cổ phần Hoa Sa Đéc được thành lập. Ông Phạm Văn Bên, chủ tịch HĐQT công ty, đã đến Hà Lan khảo sát, học tập cách làm của nước bạn.

Ông cho biết: “Chúng tôi đang xúc tiến nhanh việc xuất khẩu hoa Sa Đéc. Các doanh nghiệp Hà Lan đã cam kết hỗ trợ chúng tôi, giờ chỉ cần lo áp dụng kỹ thuật của họ trong sản xuất, bảo quản, đóng gói… Công ty hướng tới nâng cao giá trị hoa Sa Đéc, nâng cao đời sống kinh tế của nông dân. Các cổ đông của công ty đều sản xuất, kinh doanh ở các lĩnh vực khác nên không đặt mục tiêu kiếm lời từ công ty hoa”.

Sau khi tìm hiểu tại chợ đầu mối hoa ở Hà Lan, ông Bên cho rằng cúc mâm xôi sẽ là loài hoa có thể xuất khẩu đầu tiên. “Nếu so sánh thì cúc mâm xôi của Hà Lan chỉ bằng 7, còn mình 10. Ưu thế của hoa kiểng tại Sa Đéc là giá rẻ do chi phí nhân công, vật tư thấp. Nếu chúng ta tiếp thu tốt kỹ thuật trồng, đóng gói, bảo quản, vận chuyển của họ thì xuất khẩu không khó” - ông Bên nói.

Công ty cổ phần Hoa Sa Đéc cũng sẽ áp dụng mô hình sản xuất, kinh doanh hoa kiểng tại Hà Lan, tức nông dân chỉ trồng hoa chứ không phải tự đem bán từng giỏ như bây giờ, doanh nghiệp sẽ thay họ đưa hoa ra thị trường. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Võ Văn Sáng ở khóm Sa Nhiên, phường Tân Quy Đông, cho biết ông và nông dân trồng hoa rất vui khi tỉnh xây dựng thành phố hoa. Con đường hoa cạnh nhà ông sắp hoàn thành sẽ thu hút du khách đến tham quan, mua sắm nhiều hơn. Hơn 30 năm trồng hoa kiểng, cuộc sống gia đình ông chỉ ở mức trung bình. Nhiều lúc cha con ông tính chuyện bỏ nghề, nhưng vì không biết sống thế nào với 2 công đất nên lại theo đuổi nghề này.

Ông tâm sự: “Chúng tôi mong các doanh nghiệp nghiên cứu nhiều giống hoa mới phổ biến cho nông dân trồng để tăng giá trị, thu nhập, vì hiện nay lợi nhuận từ hoa kiểng rất thấp. Nghe nói tới đây hoa Sa Đéc sẽ xuất khẩu, được vậy thì mừng lắm vì thu nhập của nông dân sẽ tốt hơn bây giờ”. Nhiều nông dân khác cũng háo hức khi bàn tới việc trồng hoa theo công nghệ Hà Lan và triển vọng xuất khẩu hoa đi châu Âu.

Nông dân chăm sóc hoa kiểng cạnh đường hoa Sa Nhiên - Cai Dao - Ảnh: V.TR.

Thành phố du lịch

Sa Đéc đang khẩn trương thi công đường hoa Sa Nhiên - Cai Dao cạnh cầu Sa Đéc để hoàn thành trước tết. Đây là đường hoa độc nhất vô nhị ở ĐBSCL vì hai bên đường toàn là ruộng hoa, vườn hoa, nhà trưng bày và mua bán hoa kiểng của nông dân chứ không phải đem hoa tới sắp đặt, trang trí cho đẹp như những nơi khác. Trong năm 2015, thành phố sẽ tiếp tục xây dựng đường hoa Sa Nhiên - Mù U, Cai Dao - Ông Thung để khép kín làng hoa Sa Đéc phục vụ du lịch.

Những năm qua, Sa Đéc thu hút số lượng lớn du khách trong nước và quốc tế đến tham quan hai di tích cấp quốc gia là nhà cổ Huỳnh Thủy Lê và chùa Kiến An Cung, Trường tiểu học Trưng Vương (được xây dựng thời Pháp) kết hợp với tham quan làng hoa.

Ông Huỳnh Trí Cường cho biết vì muốn bảo tồn và phát huy cơ sở hạ tầng đô thị có từ thời Pháp, UBND tỉnh Đồng Tháp quyết định thuê tư vấn nước ngoài lập quy hoạch TP Sa Đéc có tầm nhìn đến năm 2050. Sau thời gian tham khảo, tỉnh đã chọn Công ty Espace Architecture International (EAI) của Pháp để ký hợp đồng tư vấn, lập quy hoạch TP Sa Đéc.

Công ty này đã nhiều lần cử chuyên gia đến thu thập thông tin, khảo sát thực tế và tham vấn ý kiến của người dân. Một bản phác thảo sơ bộ hình hài TP Sa Đéc trong tương lai đã được Công ty EAI trình bày với lãnh đạo tỉnh và đang tiếp tục chỉnh sửa.

Điểm nhấn trong quy hoạch của TP Sa Đéc sẽ là những công trình có kiến trúc xưa và làng hoa. Những kiến trúc cổ khá nổi tiếng gồm: nhà ông hương chủ Dược ở làng Tân Phú Đông được xây dựng từ năm 1860 (thời vua Tự Đức), nhà của tiến sĩ Nguyễn Thành Giung được xây dựng mô phỏng theo kiểu biệt thự Pháp đầu thế kỷ 20 (nay là trụ sở UBND phường 4 trên đường Pasteur), biệt thự trên đường Nguyễn Huệ của huyện Nương (tức ông Dương Văn Nương, ông nội vợ của luật sư Nguyễn Hữu Thọ) được xây dựng cuối thế kỷ 19. Đặc biệt là nhà cổ Huỳnh Thủy Lê (nhân vật chính trong tiểu thuyết Người tình của nữ văn sĩ Pháp Marguerite Duras) thu hút du khách nước ngoài nhiều nhất ở Sa Đéc hiện nay.

Những kiến trúc hiện đại kết hợp kiến trúc cổ sẽ tạo nên Sa Đéc - thành phố hoa trong tương lai, trong đó quy hoạch xây dựng mà tỉnh Đồng Tháp “đặt hàng” cho Công ty EAI là phải đảm bảo bản sắc riêng của một đô thị gắn với nông thôn và sông nước. Ở đó sẽ không có nhà cao tầng, không xây dựng mật độ dày đặc mà ưu tiên cho cây xanh và hoa.            

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận