15/01/2016 07:55 GMT+7

Huế không xóa bỏ Hội Quảng Tri

MINH TỰ
MINH TỰ

TT - Đó là câu trả lời của Chủ tịch UBND TP Huế sau khi báo Tuổi Trẻ đăng bài “Huế sẽ xóa bỏ dấu tích cuối cùng của Hội Quảng Tri?” (ngày 26-11-2015).

Ngôi nhà chính của Hội Quảng Tri vẫn còn có thể nâng cấp để sử dụng tiếp cho các hoạt động phù hợp với công năng của nó - Ảnh: An Bang
Ngôi nhà chính của Hội Quảng Tri vẫn còn có thể nâng cấp để sử dụng tiếp cho các hoạt động phù hợp với công năng của nó - Ảnh: An Bang

Bài báo phản ánh việc UBND P.Phú Hòa đề xuất với UBND TP Huế cho phá dỡ toàn bộ khu nhà vốn là trụ sở Hội Quảng Tri để xây mới trụ sở của phường này.

Sau khi báo đăng, nhiều bạn đọc từng sống ở Huế những năm tháng sôi động của Hội Quảng Tri (từ đầu đến giữa thế kỷ 20) đã cung cấp cho báo Tuổi Trẻ thêm nhiều thông tin quan trọng, giúp người đời nay hiểu rõ hơn về trung tâm trí thức lừng lẫy một thời của Huế nằm trên con đường từng có tên là Hàng Bè này.

Chiếc cổng tam quan với hai cặp câu đối bằng chữ Hán vẫn còn nguyên vẹn - Ảnh: An Bang

Tạp chí Sông Hương số đặc biệt tháng 12-2015 mới đây còn cho biết Hội Quảng Tri được thành lập vào năm 1905 dưới triều vua Thành Thái, do ông Thái Văn Toản sáng lập và kiêm hội trưởng đầu tiên.

Theo nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh, tại đây đã diễn ra các cuộc tranh luận về nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh, cũng tại đây lần đầu tiên chủ nghĩa duy vật được trình bày công khai.

Ngôi nhà này không chỉ lưu dấu ấn các chí sĩ yêu nước như Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng mà còn là nơi hoạt động của các nhà văn hóa như Đào Duy Anh, Phạm Quỳnh, Đạm Phương Nữ Sử, Đào Đăng Vỹ, Hoài Thanh, Hải Triều, Lưu Trọng Lư và các nhà cách mạng Nguyễn Chí Thanh, Tố Hữu, Hoàng Anh, Lưu Quý Kỳ...

Nhà nghiên cứu Dương Phước Thu cho biết thêm sau Cách mạng Tháng 8-1945, Hội quán Quảng Tri tiếp tục được trưng dụng, đổi tên thành Nhà Đại chúng và vẫn là nơi diễn ra các hoạt động sôi nổi như trước đó.

Hội Quảng Tri lừng lẫy một thời như thế nhưng không nhiều người Huế bây giờ biết đến. Ngay cả các vị lãnh đạo UBND P.Phú Hòa - đơn vị đang làm việc ngay tại ngôi nhà ấy - cũng không biết gì nhiều về Hội Quảng Tri.

Vì vậy ông Phan Tiến Dũng, giám đốc Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế, cho biết sẽ tổ chức nghiên cứu và hội thảo để làm rõ những giá trị của Hội Quảng Tri - Nhà Đại chúng.

Ông Dũng cũng cho hay sau khi báo Tuổi Trẻ đưa tin về đề xuất phá dỡ khu nhà Hội Quảng Tri, sở đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh về hiện trạng của công trình cũng như giá trị lịch sử - văn hóa của Hội Quảng Tri.

“Đây là một địa chỉ văn hóa - lịch sử của Huế đã ghi thành văn trong các sách lịch sử Đảng bộ tỉnh và TP Huế. Mà đã là giá trị văn hóa - lịch sử thì cần phải bảo tồn, lưu giữ theo như quy định của pháp luật!” - ông Dũng nói.

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Thành - chủ tịch UBND TP Huế - cho biết hiện tại mới chỉ là đề xuất của phường, chưa có một dự án nào về việc xây dựng ở đây cả. UBND TP Huế đã giao Phòng văn hóa, Phòng quản lý đô thị nghiên cứu và tham mưu cách xử lý sự việc này.

“Phải đợi các cơ quan tìm hiểu kỹ sự việc, chính quyền mới quyết định. Chưa thể trả lời gì, nhưng điều chắc chắn sẽ không có việc xóa bỏ!” - ông Thành khẳng định.

Đề xuất tôn tạo khu nhà thành Trung tâm văn hóa Phan Bội Châu

Nhiều ý kiến của bạn đọc báo Tuổi Trẻ cho rằng nên chuyển trụ sở UBND P.Phú Hòa đến một nơi khác phù hợp công năng của một đơn vị hành chính. Hiện khu nhà này vẫn còn có thể tiếp tục sử dụng bằng cách nâng cấp, không nên phá dỡ lãng phí.

Đồng thời nên giao cơ sở này cho những cơ quan có chức năng tương đồng với Hội Quảng Tri năm xưa để phục hồi các hoạt động như nó từng có một thời.

Bạn đọc Quyền Phạm đề xuất nên tôn tạo khu nhà này thành Trung tâm văn hóa Phan Bội Châu, trùng hợp với việc tỉnh Thừa Thiên - Huế đang xúc tiến thành lập trung tâm này.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên