29/10/2016 11:03 GMT+7

Hong Kong bị hối thúc giải quyết vấn đề nô lệ hiện đại

D. KIM THOA
D. KIM THOA

TTO - Các nhà hoạt động nhân quyền ở Hong Kong kêu gọi chính quyền đặc khu cần có những biện pháp minh bạch, cụ thể để giải quyết nạn bóc lột lao động tại đây.

Hai lao động trẻ em gái được giải cứu khỏi một nhà máy ở Dongguan, Trung Quốc - Ảnh: Reuters
Hai lao động trẻ em gái được giải cứu khỏi một nhà máy ở Dongguan, Trung Quốc - Ảnh: Reuters

Theo báo South China Morning Post, chiến dịch vận động được khởi động sau khi báo cáo “Nô lệ toàn cầu 2016” (Global Slavery Index) của tổ chức Walk Free Foundation (Úc) xếp Hong Kong vào vị trí thứ 9 trong số 10 quốc gia và khu vực có tình trạng lao động bị ép buộc tương tự những nô lệ hiện đại với tỉ lệ đáng lo ngại tại châu Á.

Theo báo cáo, có ít nhất 29.500 người trong tổng dân số hơn 7 triệu người ở Hong Kong đang rơi vào cảnh nô lệ hiện đại.

Báo cáo này cũng lên án chính quyền đặc khu đã giải quyết vấn đề này không tốt, thậm chí còn tệ hơn cả Trung Quốc đại lục.

Nhóm hoạt động nhân quyền Justice Centre Hong Kong cho rằng chính quyền Hong Kong cần đặt ra những luật lệ nghiêm ngặt hơn và có một "kế hoạch hành động minh bạch" để giải quyết tình trạng trên.

Theo bà Jade Anderson, một điều phối viên chống buôn người của tổ chức Justice Centre Hong Kong, báo cáo của tổ chức nhân đạo Walk Free Foundation là "cú sốc" với một số người Hong Kong.

Tuy nhiên nghiên cứu của tổ chức của cũng nhận thấy đã có những vụ việc ngược đãi nhân quyền nhưng không bị xử lý tại Hong Kong, và số nô lệ hiện đại tại đây trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều so với số liệu các nhà nghiên cứu cung cấp.

Tỉ lệ những người bị xếp vào nhóm nô lệ ở Hong Kong là 0,404%, cao thứ 9 tại châu Á và thứ 32 trên thế giới, tương đương tỉ lệ của 19 quốc gia khác, trong đó có Hàn Quốc.

Hong Kong cũng là khu vực có tỉ lệ nô lệ cao hơn Mông Cổ, Philippines và Indonesia.

Trong báo cáo năm 2016, tổ chức Walk Free Foundation xác định những nạn nhân bị "nô lệ hóa" ở Hong Kong là người dân đến từ các nước Philippines, Thái Lan, Trung Quốc đại lục, Nepal, Colombia, Cộng hòa Chad, Uganda và các quốc gia Đông Nam Á".

Các tác giả của báo cáo nô lệ toàn cầu định nghĩa tình trạng nô lệ là "những tình huống bị bóc lột lao động mà một người không thể từ chối hay bỏ đi vì những sự đe dọa, bạo lực, cưỡng ép, lạm dụng quyền lực hay lừa đảo, cùng với cách đối xử tương tự như với loài vật".

Tại Hong Kong, nhóm người giúp việc nhà, hầu hết là người Philippines và Indonesia, là nhóm đối tượng hàng đầu bị bóc lột lao động kiểu nô lệ.

 

D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên