12/08/2016 09:33 GMT+7

Báo động về sử dụng 
lao động nô lệ

ANH THƯ
ANH THƯ

TTO - Hơn một nửa số nước và vùng lãnh thổ được khảo sát có nguy cơ cao trong việc sử dụng lao động nô lệ, trong đó CHDCND Triều Tiên đứng đầu danh sách chỉ số Nô lệ hiện đại toàn cầu (MSI) do Công ty Verisk Maplecroft công bố hôm 11-8.

Trẻ em bị buộc phải làm việc tại New Delhi, Ấn Độ - Ảnh: AFP
Trẻ em bị buộc phải làm việc tại New Delhi, Ấn Độ - Ảnh: AFP

Công ty phân tích nguy cơ Verisk Maplecroft có trụ sở tại Anh đã thu thập dữ liệu về các vụ buôn người, luật pháp và việc thực thi pháp luật liên quan tới lao động nô lệ tại 198 quốc gia trên thế giới trong vòng một năm. Kết quả, công ty này nhận thấy 115 quốc gia có nguy cơ cao hoặc cực kỳ cao trong việc sử dụng lao động nô lệ.

Nô lệ hiện đại là thuật ngữ chung để chỉ nạn buôn người, bị cưỡng bức lao động, buôn bán tình dục, cưỡng ép kết hôn hoặc các hình thức bóc lột khác.

Nhà phân tích trưởng của bộ phận nghiên cứu quyền con người tại Verisk Maplecroft là Alex Channer cho biết MSI nhằm giúp các doanh nghiệp xác định các nước có nguy cơ lao động nô lệ.

Vấn đề này đã thu hút sự chú ý trong những năm gần đây và được phơi bày trong nhiều lĩnh vực như đánh cá, khai khoáng và dệt may.

ttĐứng đầu trong bảng xếp hạng của Verisk Maplecroft là Triều Tiên, theo sau là Nam Sudan, Sudan và Cộng hòa dân chủ Congo. Liên minh châu Âu nằm ở nhóm có “nguy cơ trung bình” của việc sử dụng nô lệ lao động. Anh, Đức, Đan Mạch và Phần Lan là bốn nước lớn tại EU có nguy cơ thấp. Pháp, Thụy Điển và Ireland nằm ở rìa của nhóm “nguy cơ thấp”.

Đặc biệt báo cáo cho biết các nhà xuất khẩu lớn tại Ấn Độ và Trung Quốc thuộc nhóm “rất có nguy cơ” sử dụng lao động trong chuỗi cung ứng của họ bên cạnh Congo, Iran và Bờ Biển Ngà.

Theo biểu đồ của MSI, nhóm “rất có nguy cơ” chiếm 13% trong tổng số các quốc gia được khảo sát, nhóm “nguy cơ cao” chiếm 45%, nhóm “nguy cơ trung bình” chiếm 34% và nhóm “nguy cơ thấp” là 8%.

Theo kết quả nghiên cứu, gần như toàn bộ EU đều được xếp hạng “nguy cơ trung bình”. Thực tế khu vực không được xếp hạng tốt hơn phần lớn là vì cuộc khủng hoảng di cư và sự bóc lột người di cư và người tị nạn nước ngoài tại EU.

“Nhìn chung hầu hết các quốc gia đều có khung pháp lý từ trung bình đến tốt. Tuy nhiên cái khác nhau là ở chỗ họ thực thi luật hiệu quả như thế nào” - ông Channer kết luận.

Trong khi đó chỉ số Nô lệ toàn cầu (GSI) 2016 của nhóm nhân quyền Walk Free Foundation chỉ ra rằng gần 46 triệu người trên thế giới đang sống trong cảnh nô lệ, bị buộc phải làm việc trong các nhà máy, các hầm mỏ và nông trại; bị bán làm nô lệ tình dục, bị lệ thuộc vì nợ hoặc sinh ra trong cảnh nô lệ. Theo bảng xếp hạng này, những quốc gia có GSI cao nhất là Triều Tiên, Uzbekistan, Campuchia, Ấn Độ và Qatar.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên