31/07/2015 09:25 GMT+7

Hòn đảo núi lửa

PHẠM XUÂN DŨNG
PHẠM XUÂN DŨNG

TT - Đi trên đảo Phú Quý hôm nay, đến đâu cũng bắt gặp màu đất đỏ badan, dấu tích của núi lửa một thời. Chỉ mới hơn 90 năm trước, nơi đây đã chứng kiến một sự kiện địa chất long trời lở đất. Đó là sự vận động núi lửa cuối cùng ở Việt Nam.

Ông Trần Quang Đắc (phải), phó ban quản lý di tích huyện Phú Quý và ông Nguyễn Lãn, thủ từ đền thờ công chúa Bàn Tranh - Ảnh: P.X.D.
Ông Trần Quang Đắc (phải), phó ban quản lý di tích huyện Phú Quý và ông Nguyễn Lãn, thủ từ đền thờ công chúa Bàn Tranh - Ảnh: P.X.D.

Nổi lên rồi biến mất

Khi được hỏi về chuyện núi lửa ở quần đảo Phú Qúy, ông Trần Quang Đắc, phó ban quản lý di tích huyện Phú Quý, cũng như ông Nguyễn Lãn, thủ từ đền thờ công chúa Bàn Tranh, đều xác nhận: “Ông bà đời trước cũng đã kể nhiều về chuyện núi lửa. Bây giờ mỗi khi đào giếng đều nhìn thấy vỏ sò, vỏ ốc lẫn trong đất đỏ. Bà con vẫn cho rằng đó là dấu tích của núi lửa hoạt động thời xưa”.

Đó là khoảng thời gian từ tháng 2 đến tháng 3-1923, núi lửa trở mình giữa biển trời Phú Quý. Theo dân gian lưu truyền, cuối năm âm lịch đang trời yên biển lặng, đột ngột hòn đảo lắc lư làm người người say sóng, mọi vật rung chuyển và nhà cửa, cây cối ngả nghiêng.

Người dân Hòn (cách gọi tắt đảo Phú Quý) khiếp đảm chạy tìm nơi ẩn nấp ngỡ như trời đang sập tới nơi. Người ta thấy một cột khói lửa phun lên kèm theo những tiếng nổ vang trời ngoài khơi quần đảo Phú Quý. Thật là một cảnh tượng có một không hai ở vùng biển này, nghe nói dư chấn lan tỏa vào tận Phan Thiết. Đó là sự kiện địa chất tạo nên một hòn đảo mà dân Phú Quý gọi là hòn Tro.

Tài liệu của khoa địa lý Trường đại học Sư phạm TP.HCM mô tả về sự kiện này: “Ngày 15-2-1923, nhiều vùng thuộc cù lao Hòn (Phan Thiết) bị chấn động mạnh và kéo dài suốt một tuần. Thủy thủ trên tàu Vocasamar (Nhật Bản) đi ngang qua đây thấy một đám khói đen và cột hơi dày đặc cùng với những tiếng nổ mạnh. Ngày 8-3-1923 cù lao Hòn phun ra chất màu xám đen, xám nhạt gồm hơi nước, bùn đất. Trước những đợt phun, nhiều tiếng nổ phát ra như bom và hỗn hợp bùn đá bật lên sáng lóa.

"Ngày 15-3-1923, núi lửa ngừng phun nhưng hòn đảo vẫn nóng âm ỉ. Đến ngày 20-3-1923 động đất xảy ra, núi lửa phun trở lại. Trước khi núi lửa hoạt động, ngày 8-2-1923 tàu quân sự Hoàng gia Anh lúc đi qua vùng này còn phát hiện một hòn đảo khác cách hòn Tro 3,7km cũng phun núi lửa cao 12m, xung quanh xoáy nước rất mạnh”.

Sự xuất hiện của những hòn đảo hình thành từ núi lửa lập tức thu hút sự quan tâm đặc biệt của các nhà khoa học đương thời. Theo nhà nghiên cứu Trần Tân Mỹ, ngày 13-3-1923 đoàn khảo sát thủy văn của Pháp ở Đông Dương nhận được chỉ thị tìm hiểu hòn đảo mới ra đời tại quần đảo Phú Quý. Ngày 17-3-1923 họ đã tiến hành khảo sát thực địa và vẽ bản đồ khu vực hòn Tro trình lên Viện hàn lâm Khoa học Pháp thời bấy giờ.

“Đảo được hình thành từ các đống mảnh vụn của một chất màu đen có lỗ rất nhẹ - hiển nhiên là tro núi lửa và do đó đảo được gọi là hòn Tro. Những khối đặc sít hơn được tìm thấy ở nhiều nơi, đặc biệt là trên đỉnh khối lớn nhất cao 0,75m và có bề ngang 0,5m. Đảo có hình móng ngựa hay trăng lưỡi liềm mà hai sừng bị cắt gọt thành vách đứng cho thấy một sự sụp đổ đã xảy ra. Tổng thể này vả lại ít rắn chắc và không chịu được sóng biển. Miệng hố thoát ra từ đó tro và hơi nước. Các thăm dò độ sâu cho thấy đảo nhỏ này rất dốc. Cách xa bờ 150m độ sâu đã ngoài 30m. Cách xa bờ 1km độ sâu là 100m” (theo tác giả Trần Tân Mỹ).

Đoàn khảo sát thực địa hồi ấy cũng đã nghe cư dân đảo Phú Quý thuật lại về các chấn động địa chất khá mạnh xảy ra vào các ngày 12, 16 tháng 2-1923 sau đó giảm cho đến ngày 22-2-1923. Ba tháng sau thì hòn đảo chìm sâu xuống nước nên có người đã gọi hòn Tro là “hòn đảo phù du”.

Liệu rằng núi lửa hòn Tro đã chấm dứt hoạt động hay chưa? Bản luận văn “Tìm hiểu địa chất đại cương: tìm hiểu về núi lửa” của sinh viên khoa địa lý Trường ĐH Sư phạm TP.HCM năm 2008 cho rằng: “Núi lửa hòn Tro có thể hoạt động trở lại, việc thiết lập trạm quan sát địa chấn ở đảo Phú Quý, gần cụm núi lửa hòn Tro nhằm theo dõi và dự báo sự xuất hiện của núi lửa qua những chấn động trước khi phun là rất cần thiết”.

Từ trên núi Cấm của đảo Phú Quý, tôi phóng tầm mắt ra khơi xa. Từ lâu hòn Tro đã chìm sâu dưới biển, chỉ còn lãng đãng trong ký ức dân gian và trong những tài liệu khoa học mà thôi. Biết đâu một ngày nào đó núi lửa quay lại. Thiên nhiên luôn ẩn chứa nhiều bí ẩn và những bất ngờ.

Đứng trên đỉnh núi Cấm nhìn ra khơi, hòn Tro đã chìm sâu dưới biển, chỉ còn trong ký ức dân gian và trong những tài liệu khoa học - Ảnh: P.X.D.
Đứng trên đỉnh núi Cấm nhìn ra khơi, hòn Tro đã chìm sâu dưới biển, chỉ còn trong ký ức dân gian và trong những tài liệu khoa học - Ảnh: P.X.D.

Thảm họa dịch hạch

Bên ngôi đền công chúa Bàn Tranh, ông Trần Quang Đắc và cụ thủ từ Nguyễn Lãn kể cho tôi nghe chuyện về nạn chuột trên đảo Phú Quý. Cách đây đúng 90 năm, vào năm 1925, đảo Phú Quý chuột xuất hiện nhiều vô kể.

Chuột đầy đảo kéo vào đầy trong nhà. Chuột bé bằng ngón tay, chuột lớn bằng chân người. Chúng táo tợn hoành hành giữa ban ngày khiến người dân khiếp đảm. Dịch hạch lan nhanh khắp đảo, người chết la liệt, không ngày nào không có đám tang. Người chết nhiều đến nỗi không kịp chôn cất.

Thảm họa đẩy người dân đảo vào nguy cơ diệt vong. Dân đảo chống chọi trong tuyệt vọng bởi nạn chuột hoành hành như vô phương cứu chữa. Một ban làm phước được bà con tự nguyện lập ra do ông Nguyễn Quen (trú ở Tây Long Hải) làm trưởng ban, nhằm giúp đỡ các nạn nhân. Họ phát nguyện nếu bệnh dịch bị đẩy lùi thì xin cúng tạ thần linh một con trâu, một con vật quý trong sản xuất nông nghiệp ở Phú Quý thời ấy. Nhưng nạn dịch vẫn không giảm bớt.

Ông Trần Quang Đắc kể tiếp: “Nạn chuột khủng khiếp được báo đến quan phủ. Khi ấy cả đảo đang loay hoay tìm cách đối phó với dịch hạch thì có người đưa ra sáng kiến phát động dân đảo diệt chuột, chặt đuôi nộp quan trên lĩnh thưởng. Mọi người đồng lòng tham gia, ai cũng hăng hái tìm chuột để diệt. Chuột không còn đất sống để gieo rắc dịch bệnh. Sau một thời gian, nạn chuột đã bị đẩy lùi, cuộc sống trở lại bình yên”.

Người có sáng kiến diệt chuột này đã được quan phủ trọng thưởng, theo nhà nghiên cứu Lê Hữu Lễ, chính là y tá Ung Văn Vy. Ông Lễ được xem là nhà “Phú Quý học”, cho hay vị thầy thuốc này đã cử một đoàn y tế ra đảo tìm cách dập dịch. Họ tuyên truyền cho người dân biết về cơ chế dịch bệnh cũng như cách phòng trừ, kêu gọi người dân đưa bệnh nhân đến bệnh xá.

Nhưng dân đảo thấy người chết ở bệnh xá quá nhiều nên hoảng sợ không dám nghe theo khiến dịch bệnh càng có nguy cơ lây lan mạnh. Đoàn y tế bèn dùng biện pháp mạnh, nếu nhà nào không chịu đưa người bệnh đi điều trị phải nộp phạt bằng tiền. Khi ấy mọi người mới nghe theo. Ông Ung Văn Vy lại cử người đi thu mua chuột và đuôi chuột. Mỗi đuôi chuột giá nửa xu, mỗi con chuột chết phơi khô nhúng vôi giá một xu. Nhờ vậy sau bốn tháng, dịch bệnh tác yêu tác quái, nạn chuột đã bị đẩy lùi. Từ đó Phú Quý hầu như vắng bóng chuột.

Một trang sử đầy ắp tai ương của hòn đảo truyền kỳ đã lùi vào quá khứ.

Quần đảo Phú Quý gồm 10 hòn đảo lớn nhỏ. Hòn đảo lớn nhất dân gian gọi là hòn Thu vì có hình dáng giống con cá thu, chính là đảo Phú Quý. Chỉ hòn lớn nhất này là có người ở. Đảo Phú Quý cách cảng Phan Thiết 56 hải lý (khoảng 120 km), nằm gần hải phận quốc tế, là hòn đảo gần với Trường Sa nhất (cách đảo Song Tử Tây 540 km về phía tây bắc). Huyện đảo có diện tích 17,8 km2, dân số 27.000 người, gồm có ba xã với chín làng.

(Theo cổng thông tin điện tử huyện Phú Quý)

Kỳ tới: Nơi tình người nguyên sơ

PHẠM XUÂN DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên