Theo Hãng tin Reuters, thống đốc vùng Vologda Georgy Filimonov cho biết 71% số ca tử vong ở nam giới trong độ tuổi lao động tại vùng này liên quan đến các bệnh như xơ gan, tim mạch - những căn bệnh hình thành từ tác động tiêu cực của rượu bia.
“Trong một năm, tỉ lệ nghiện rượu ở vùng tăng thêm 30%. Đây là một bức tranh kinh hoàng”, ông Filimonov nói trong bài phát biểu dài 8 phút được đăng trên kênh Telegram hôm 30-10.
Để giải quyết tình trạng này, cơ quan lập pháp vùng Vologda đang xem xét dự luật chỉ cho phép các cửa hàng bán rượu từ 12 - 14h mỗi ngày. Nếu được thông qua, các hạn chế về bán rượu bia sẽ có hiệu lực từ ngày 1-3-2025.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Nga nổi tiếng là quốc gia có tỉ lệ tiêu thụ rượu bia cao nhất châu Âu.
Các nhà lãnh đạo Nga và Liên Xô trước đây đã rất cố gắng để thay đổi thói quen uống đồ uống có cồn của người dân nhưng chưa thành công.
Hoàng đế cuối cùng của Nga Sa hoàng Nicholas II đã ban hành lệnh cấm bán rượu mạnh vào năm 1914 khi Thế chiến I bùng nổ.
Thế nhưng vào năm 1925, nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin đã bãi bỏ lệnh cấm bán rượu mạnh, đồng thời ban hành lệnh tái thiết lập chế độ độc quyền sản xuất và bán rượu Vodka của nhà nước để tăng ngân khố Chính phủ Liên Xô lúc đó.
Năm 2010, Tổng thống Nga Vladimir Putin, khi đó đang là thủ tướng đã phê duyệt các biện pháp hạn chế việc bán và sản xuất rượu bao gồm tăng thuế và hạn chế quảng cáo thức uống có cồn.
“Những tác hại của rượu bia là không thể khắc phục được và những tác hại này đang ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của các thế hệ tương lai, ảnh hưởng đến nền kinh tế cũng như đời sống, xã hội và văn hóa của chúng ta”, ông Filimonov nói.
Một đại biểu tại Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga nói với một hãng truyền thông nước này rằng ông ủng hộ việc hạn chế dần việc bán rượu trên khắp nước Nga.
Tuy nhiên, hôm 30-10, Điện Kremlin cho biết những hạn chế tương tự không được xem xét ở cấp liên bang.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận