10/12/2020 12:32 GMT+7

Hơn 60 năm sau, người em trai mới òa khóc với chị: 'Chị nhớ em không?'

TRẦN MAI - TẤN LỰC
TRẦN MAI - TẤN LỰC

TTO - 'Chị ơi, chị nhớ em không? Thằng Điền nè!' - ông Vũ Công Điền (66 tuổi) ôm chị mình khóc như đứa trẻ ở sân bay Đà Nẵng. Giọt nước mắt đoàn tụ kết thúc hành trình hơn 60 năm cách biệt gia đình của bà Vũ Thị Năm nay đã ở tuổi 82..

Hơn 60 năm sau, người em trai mới òa khóc với chị: Chị nhớ em không? - Ảnh 1.

Ông Vũ Tấn Đạt (72 tuổi) ôm chị mình mà khóc sau gần một đời thất lạc - Ảnh: TẤN LỰC

Ngày bà Năm rời khỏi quê nhà huyện Đại Lộc (Quảng Nam) khi mới đôi mươi, ngày bà trở về tóc đã bạc phơ. Dẫu sao, ngày trở về cố xứ muộn màng ấy cũng là niềm hạnh phúc vô bờ của tình máu mủ.

Lúc tôi điện thoại báo cho nội đã tìm ra gia đình ruột rà, nội đã khóc rất nhiều khi biết cha mẹ, anh chị em đã mất. Điều an ủi lớn nhất là còn hai người em trai của nội vẫn mải miết kiếm tìm.

LÊN QUỐC BẢO

Cuộc chia ly ở bến đò năm ấy

"Mình về nhà thôi chị" - ông Điền nói rồi cùng những người cháu dìu chị ra ôtô. Để chị khỏi bỡ ngỡ trước đổi thay, ông Điền ân cần nói với chị mình rằng làng Phú An vẫn còn giữ tên nhưng xã Lộc Quý ngày bà đi giờ đã đổi thành xã Đại Thắng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam).

"Bến đò còn không Điền?" - bà Năm hỏi. "Dạ còn chị" - ông Điền nhỏ giọng nói với chị rồi nước mắt chảy dài thêm lần nữa. Cả một trời thương nhớ ùa về, cuộc tiễn đưa ở bến đò năm ấy phải mất hơn 60 năm để gặp lại.

Ông Điền nhớ lại năm 1961 ông mới 6 tuổi, chị ông ẵm con từ Hội An về. Lúc đó, gia đình mới hay bà Năm đã hôn ước với người lính bên kia chiến tuyến, trong khi cả dòng họ đều theo cách mạng. Có lẽ vì điều ấy mà bà giấu biệt cuộc hôn nhân của mình cho đến tận ngày sinh con.

Về nhà ở với mẹ một thời gian, bà Năm lại ẵm con theo chồng.

Chiến cuộc những năm tháng ấy khốc liệt. Buổi sáng của năm 1961, cả nhà ra bến đò tiễn đưa bà Năm.

"Tôi nhớ là phải chờ đò rất lâu, rồi chờ gió. Lúc ấy người ta đi thuyền buồm, dựa vào gió để xuôi dòng Thu Bồn về thị xã Vĩnh Điện. Ở đó là quốc lộ 1A, chị Năm lên xe đi vào thị trấn Châu Ổ, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi. Anh Lê Văn Lâm, chồng chị, đang ở đó" - ông Điền kể.

Đứa trẻ tên Sơn, 1 tuổi, khóc oe oe ở bến đò năm ấy giờ đã 62 tuổi. Nhìn cháu, ông Điền bảo rằng thời gian quá tàn nhẫn, lúc này ông nhìn cháu với thân hình già nua mà xót xa.

Rồi ông Điền nói sau cuộc tiễn đưa ở bến đò, ông và mẹ có vào trại gia binh ở thị trấn Châu Ổ chăm cháu ngoại. Mấy tháng sau thì hai mẹ con về lại quê nhà, đó cũng là lần cuối cùng ông Điền gặp bà Năm.

Vẫn hoài tìm kiếm

Chiếc xe đưa bà Năm về đến làng Phú An, người nhà ùa ra, ai cũng chảy dài nước mắt.

Ông Vũ Tấn Đạt (72 tuổi), em trai bà Năm, lao về phía chị rồi trách móc đầy yêu thương: "Chị đi chi mà chị đi kinh ri chị Năm. Đi chi mà bỏ cha bỏ mẹ, bỏ anh bỏ em mấy chục năm mà chẳng về. Giờ chị về cha mẹ mất hết rồi. Tám anh em giờ cũng chỉ còn em với thằng ni" - ông Đạt nói rồi chỉ tay về phía ông Điền.

Bà Năm khóc, ông Lâm cũng khóc. Ba người con của bà cũng nước mắt chảy dài. Thắp nén hương lên bàn thờ cha mẹ, bà Năm gần như quỵ ngã. Sâu thẳm trong lòng bà, những cảm xúc thật khó giãi bày.

Bà Năm bảo sau khi từ biệt gia đình, bà cùng chồng bị cuốn theo chiến cuộc. Vốn ông Lâm bị bắt lính nên rất chán ghét chiến tranh. Để tìm kiếm bình yên cho vợ con, ông quyết định trốn lính cùng vợ lưu lạc vào tận TP Nha Trang (Khánh Hòa). Năm 1968, ông Lâm bị bắt vì tội đào ngũ, ra tòa án binh và bị bỏ tù.

Ra tù, ông Lâm lại tiếp tục phải cầm súng, thế là ông tự bắn vào ngón tay dùng để siết cò súng và bắn vào chân.

"Từ khi rời khỏi quân ngũ, hai vợ chồng ôm theo con rồi lưu lạc khắp các tỉnh phía Nam. Sau cùng, vợ chồng về quê chồng ở Bạc Liêu. Sinh thêm chín đứa con nữa rồi lội sình nuôi con, quá vất vả nên chẳng nghĩ nổi gì đến chuyện về quê" - bà Năm tỏ bày.

Những năm tháng vợ chồng bà Năm chạy trốn khỏi chiến cuộc, người mẹ ở quê vẫn hoài ngóng con. Thời niên thiếu, ông Điền từng vào Sài Gòn, đi khắp nơi tìm chị, rồi nhờ cả đài phát thanh để tìm kiếm nhưng rồi nhận về hụt hẫng.

Người mẹ đau xót đã tìm đến thầy cúng xem con mình còn sống không. Thầy phán bà Năm mất rồi, thế là bà về lập bàn thờ cúng con.

"Bàn thờ không có di ảnh, cũng không biết chị Năm mất ngày nào, nên có giỗ chạp là bái lạy chị Năm luôn" - ông Điền nói. Nhưng người mẹ ấy dù lập bàn thờ cho con mà lòng mẹ cả đời vẫn chẳng tin con mất. Trước khi qua đời, tâm nguyện lớn nhất của mẹ vẫn là tìm con mình.

Sau này, khi chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" ra đời, thêm một lần nữa nối lại hi vọng tìm chị của ông Điền và ông Đạt. Lần đầu gửi thông tin, đội ngũ tìm kiếm thông báo tìm không ra.

Ông Điền vốn là phóng viên nên nhờ những mối quan hệ tìm kiếm thêm thông tin đơn vị ông Lâm đóng quân, thời gian ở gia binh... Và họ thêm một lần gửi cho chương trình "Như chưa hề có cuộc chia ly" để rồi thêm một lần thất vọng!

"Lúc đó anh em tôi nghĩ chị Năm mất rồi, nhưng máu mủ cứ thôi thúc mình đi tìm" - ông Điền tâm sự.

Hơn 60 năm sau, người em trai mới òa khóc với chị: Chị nhớ em không? - Ảnh 3.

Bà Năm khóc nghẹn, thắp nén hương lên bàn thờ cha mẹ và anh em đã mất sau 60 năm cách biệt

Khát khao cội nguồn

Ngày bà Năm từ biệt gia đình, cây chùm kết vừa nảy mầm trên đất. Ngày bà trở về, cây đã chết một năm trời. Cây chùm kết ấy là mốc thời gian bà rời đi. Bến đò là nơi mỗi lần nhớ chị, ông Điền lại ra đứng ứa nước mắt. Trong đầu ông như có thước phim quay chậm hình ảnh bóng chị ôm con mờ đi dưới cánh buồm.

Bà Năm cũng vậy, khi lam lũ qua đi, con cái, cháu chắt yên bề, thì khao khát cội nguồn trỗi dậy. Bà muốn tìm về quê hương nhưng mấy chục năm chưa ra khỏi ấp Ngan Kè, xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu. Đường về quê trong bà thăm thẳm. Thêm tuổi già cứ chặn đứng khát khao tìm về cội nguồn.

Nỗi lòng ấy, con cháu bà Năm thấu hiểu. Các cháu đã thay bà Năm tìm kiếm cội nguồn.

Anh Lê Quốc Bảo (27 tuổi, cháu nội bà Năm) kể lại hành trình tìm kiếm đầy may mắn của mình: "Tôi trong ngành công an nên khi lấy chút thông tin ít ỏi từ bà, tôi nghĩ phải tìm đến Công an huyện Đại Lộc, từ đây sẽ dễ dàng tìm kiếm hơn. Tôi lo nhất là gia đình bà nội đã chuyển đi nơi khác.

Rất may mắn bà cố tôi là mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình nhiều liệt sĩ nên mọi người biết khá nhiều. Lúc tìm về Công an xã Đại Thắng thì có một người thân đang làm công an ở đây nên việc tìm kiếm rất nhanh" - anh Bảo nói.

Cội nguồn, ruột rà, những sợi dây vô hình ấy cuối cùng cũng tìm về nhau sau 60 năm biền biệt. Ông Điền, ông Đạt sắp xếp cho vợ chồng chị mình những chuyến đi chơi. Hai người em muốn bù đắp cho chị mình những thiệt thòi của xa cách. Hơi ấm gia đình yêu thương của những người quá xế cuộc đời vẫn vẹn nguyên...

Tô mì Quảng sau 60 năm

Bữa tiệc mừng đoàn tụ đơn sơ với hai món đặc sản của người Quảng Nam là mì Quảng và vịt hon. Ông Đạt tự tay làm cho chị mình một tô mì Quảng thật ngon. Nhìn chị ăn trên miệng chỉ còn một chiếc răng, ông Đạt cười mà đôi mắt đỏ hoe.

"60 năm mới ăn lại tô mì Quảng quê hương. Chi mà lâu kinh ri trời" - ông Đạt nhìn chị xúc động nói. Con cháu bà Năm cũng nở nụ cười hạnh phúc. Còn với anh Bảo, tìm được cội nguồn cho bà nội đã cởi bỏ sợi xích vô hình trói đời bà mấy chục năm.

Cuộc đoàn tụ nghẹn ngào sau 47 năm thất lạc của 3 chị em trên dưới 100 tuổi Cuộc đoàn tụ nghẹn ngào sau 47 năm thất lạc của 3 chị em trên dưới 100 tuổi

TTO - Lần cuối cùng họ nhìn thấy nhau là năm 1973 rồi thất lạc nhau gần nửa thế kỷ do loạn lạc dưới thời Khmer Đỏ ở Campuchia, người này cứ tưởng người kia đã chết.

TRẦN MAI - TẤN LỰC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên