21/08/2022 05:45 GMT+7

Hơn 325.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học: có bất thường?

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - 17h ngày 20-8 là hạn cuối đăng ký xét tuyển nguyện vọng đại học trên cổng của Bộ GD-ĐT. Số liệu của Bộ GD-ĐT cho thấy tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển là 941.760; số thí sinh đã nhập nguyện vọng là 616.044. 325.716 thí sinh bỏ xét tuyển.

Hơn 325.000 thí sinh bỏ xét tuyển đại học: có bất thường? - Ảnh 1.

Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại TP.HCM - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

616.044 thí sinh đã nhập nguyện vọng với số lượng nguyện vọng là 3.094.572. Như vậy, số lượng nguyện vọng trung bình theo thí sinh là 5,02.

"Có thể thí sinh tưởng chắc chắn đậu nên không cần đăng ký"

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng (quyền hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM) nhận định với con số hơn 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển lên hệ thống thật sự là điều bất thường.

"Thời gian qua cá nhân tôi rất nhiều lần giải thích với thí sinh về quy trình đăng ký xét tuyển trực tuyến của Bộ GD-ĐT năm nay hoàn toàn khác với mọi năm. Theo đó, tất cả thí sinh đăng ký xét tuyển (kể cả thí sinh đã đăng ký xét tuyển sớm và đủ điều kiện trúng tuyển tại các trường) đều phải đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống (trừ thí sinh trúng tuyển thẳng theo điều 8 của quy chế nếu đã xác nhận nhập học trên hệ thống)" - ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng cho rằng trên thực tế tuyển sinh năm nay với quá nhiều phương thức xét tuyển, các thí sinh đã nhận giấy báo trúng tuyển sớm có điều kiện từ các trường nên có thể các em nghĩ rằng đã chắc chắn đậu đại học như mọi năm nên không cần đăng ký gì nữa. Đây là sai lầm của thí sinh.

Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Văn Dũng (nguyên hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM) phân tích có nhiều lý do dẫn đến việc có đến 1/3 thí sinh bỏ đăng ký nguyện vọng xét tuyển lên hệ thống.

"Tôi nhiều lần tiếp xúc với thí sinh, nhiều em cho biết sẽ chọn học nghề thay vì đại học vì học phí đại học năm nay tăng quá cao. Thu nhập của người dân ở vùng nông thôn cả nhà chưa đủ sức nuôi con học đại học ở các thành phố lớn. Yếu tố thứ hai là sau mùa đại dịch COVID-19, nay hầu hết các trường đại học ở các nước đều đã mở cửa trở lại, do đó những học sinh giỏi, gia đình có điều kiện kinh tế tốt đã chọn đi du học. Sau hai năm không ra nước ngoài được, năm nay số lượng học sinh VN ra nước ngoài du học sẽ rất đông, khả năng lên đến gần cả 100.000. Năm nay, Bộ GD-ĐT quy định thời gian xét tuyển quá trễ nên hiện những em chọn con đường du học đã ra nước ngoài nhập học" - ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, yếu tố thứ ba là quy trình đăng ký xét tuyển, lọc "ảo" chung của Bộ GD-ĐT năm qua quá phức tạp khiến nhiều thí sinh, đặc biệt là các em ở vùng khó khăn không nắm bắt hết được. Khi học sinh tốt nghiệp THPT thì sở GD-ĐT và ngay cả các trường THPT thường rất khó để liên lạc với các em được để thông tin, hướng dẫn kịp thời. Trong khi không phải thí sinh nào cũng có thói quen đọc báo nên có thể các em không nắm rõ được các quy định về tuyển sinh vô cùng mới mẻ năm nay.

"Bên cạnh đó, có thể một số trường đại học cạnh tranh không lành mạnh trong tuyển sinh và cố tình làm trái quy chế của các trường đại học. Theo đó, với xét tuyển sớm (học bạ, đánh giá năng lực...), nếu các trường không đúng theo quy định hướng dẫn của bộ và cho phép thí sinh đóng tiền học phí và nhập học sớm thì số thí sinh này hiện cũng không cần đăng ký nguyện vọng lại trên hệ thống chung nữa" - ông Dũng nói thêm.

Bắt đầu nộp lệ phí xét tuyển trực tuyến

Năm 2022 cũng là năm đầu tiên ngành giáo dục tổ chức thu lệ phí xét tuyển đại học bằng hình thức trực tuyến. Theo đó, từ ngày 21-8 đến 17h ngày 28-8, thí sinh nộp lệ phí đăng ký nguyện vọng xét tuyển theo hình thức trực tuyến.

"Trong khoảng thời gian này, thí sinh thực hiện xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống của Bộ GD-ĐT, đồng thời nộp lệ phí xét tuyển bằng hình thức trực tuyến theo số lượng nguyện vọng đã đăng ký. Lệ phí đăng ký xét tuyển năm nay là 20.000 đồng/nguyện vọng và chỉ áp dụng với phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển. Các nguyện vọng đăng ký theo phương thức xét tuyển khác, thí sinh thực hiện theo quy định của trường đại học", TS Nguyễn Mạnh Hùng - Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT) - cho biết.

Đến thời điểm mở chức năng nộp lệ phí, hệ thống đăng ký xét tuyển tại địa chỉ thisinh.thithptquocgia.edu.vn sẽ cho phép thí sinh được chọn 1 trong 15 kênh thanh toán khác nhau để đóng lệ phí xét tuyển, gồm: các kênh ngân hàng Vietcombank, VietinBank, Agribank, BIDV, SHB, VPBank; các tổ chức trung gian thanh toán như VNPT Money, Ngân lượng, KeyPay, Payoo, Napas; các ví điện tử VNPT Money, Momo, Viettel Money; kênh thanh toán di động VNPT Mobile Money.

Thí sinh chỉ thực hiện việc nộp lệ phí trên hệ thống xét tuyển, không thực hiện trên bất kỳ kênh thanh toán nào khác (trường hợp phát sinh kênh thanh toán khác Bộ GD-ĐT sẽ có thông báo trên hệ thống xét tuyển và các phương tiện thông tin đại chúng). Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, thí sinh có thể tự thanh toán bằng tài khoản ngân hàng/tài khoản ví điện tử của bản thân (nếu có) hoặc nhờ người thân, thầy, cô giáo thanh toán hộ trên giao diện thanh toán của thí sinh...

Không yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học trước 16-9

Bộ GD-ĐT lưu ý các trường phải triệt để tuân thủ và thống nhất thực hiện quy định: danh sách thí sinh trúng tuyển chính thức vào trường là danh sách thí sinh được hệ thống xử lý nguyện vọng xét tuyển gửi lại trường (trên cơ sở danh sách thí sinh dự kiến trúng tuyển do trường tải lên hệ thống) sau khi lọc ảo lần cuối cùng vào ngày 15-9, các trường tuyệt đối không được điều chỉnh danh sách trúng tuyển chính thức này.

Đồng thời, bộ cũng yêu cầu các trường không được yêu cầu thí sinh xác nhận nhập học hoặc nhập học trước ngày 16-9 và không được kết thúc xác nhận nhập học hoặc kết thúc nhập học trước 17h ngày 30-9.

Chủ động hỗ trợ thí sinh

Bộ GD-ĐT đã đề nghị các sở GD-ĐT chỉ đạo các trường THPT chuẩn bị sẵn sàng và chủ động triển khai công tác hỗ trợ thí sinh trong các việc phổ biến, hướng dẫn thí sinh về cách thức nộp lệ phí xét tuyển trên hệ thống; nhắc nhở thí sinh chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện để tham gia thanh toán trực tuyến theo tài liệu hướng dẫn thanh toán trực tuyến lệ phí xét tuyển.

Đồng thời chuẩn bị phương án sẵn sàng hỗ trợ thanh toán giúp thí sinh (trên giao diện phần mềm thanh toán của thí sinh) trong trường hợp thí sinh không thể tự thực hiện, đặc biệt là các thí sinh có hoàn cảnh khó khăn, thí sinh ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa.

Hết hạn đăng ký xét tuyển đại học, hơn 325.000 thí sinh mất quyền đăng ký Hết hạn đăng ký xét tuyển đại học, hơn 325.000 thí sinh mất quyền đăng ký

TTO - Kết thúc thời hạn đăng ký xét tuyển đại học năm nay, có đến hơn 325.000 thí sinh không nhập nguyện vọng lên hệ thống. Điều này có nghĩa các thí sinh này đã mất quyền đăng ký xét tuyển đại học đợt 1 năm 2022.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên