Thí sinh trúng tuyển đợt 1 làm thủ tục nhập học vào Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng. Hiện trường này vẫn nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung - Ảnh: H.B.
Trường ĐH Tây Nguyên xét tuyển bổ sung đợt 3 cho 22 ngành với 513 chỉ tiêu. Kết quả chỉ có 58 thí sinh trúng tuyển vào 14 ngành đào tạo. Như vậy có đến 8 ngành không tuyển thêm được thí sinh nào. Trước đó, trường xét tuyển bổ sung 587 chỉ tiêu cho 22 ngành. Kết quả đợt này khả quan hơn nhưng cũng chỉ có 317 thí sinh trúng tuyển.
Xét lần 3 vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu
Tương tự, Trường ĐH Tân Trào đã xét tuyển bổ sung đến đợt thứ 3 vẫn không thể tuyển đủ chỉ tiêu. Trong đợt tuyển bổ sung đầu tiên, trường xét tuyển tất cả các ngành. Kết quả tuyển được 312 thí sinh. Tiếp tục xét tuyển bổ sung đợt 2, trường tuyển thêm được 92 thí sinh trúng tuyển vào 9/15 ngành có xét tuyển.
Trường tiếp tục xét tuyển đợt 3 (nhận hồ sơ đến 30-10) với hơn 600 chỉ tiêu cho 15 ngành đại học và hơn 200 chỉ tiêu ngành cao đẳng sư phạm mầm non. Như vậy qua nhiều đợt xét tuyển bổ sung, chưa có bất kỳ ngành nào của trường này tuyển đủ chỉ tiêu.
Nhiều trường đại học khác cũng trong cảnh mở toang cửa nhưng thí sinh xét tuyển rất thưa thớt. Trường ĐH Khánh Hòa tuyển bổ sung 217 chỉ tiêu cho 13 ngành và kết quả chỉ có 68 thí sinh trúng tuyển. Nhiều ngành chỉ lác đác vài thí sinh.
Trường ĐH Hoa Lư (Ninh Bình) xét tuyển bổ sung năm ngành bậc đại học nhưng kết quả chỉ có hai ngành giáo dục mầm non và giáo dục tiểu học tuyển được thí sinh, ba ngành còn lại không có thí sinh nào trúng tuyển dù điểm chuẩn chỉ 15.
Trường ĐH Hà Tĩnh xét tuyển bổ sung 15 ngành nhưng ba ngành không có thí sinh nào trúng tuyển, hai ngành chỉ tuyển được một thí sinh, một vài ngành chỉ cho ba, bốn thí sinh trúng tuyển đợt bổ sung.
Tương tự, Trường ĐH Phú Yên xét tuyển bổ sung hơn 160 chỉ tiêu cho năm ngành. Có tất cả 56 thí sinh trúng tuyển cho cả hai phương thức học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT. Nhiều trường đại học công lập khác tuy kết thúc thời gian nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa thấy công bố điểm chuẩn trên trang web của trường.
Không chỉ các trường tại các tỉnh mà ngay cả các trường tại thành phố lớn cũng đỏ mắt chờ thí sinh xét tuyển bổ sung. Đơn cử như Trường ĐH Văn hóa TP.HCM xét tuyển bổ sung 230 chỉ tiêu cho tám ngành. Tuy nhiên, kết quả trường này chỉ tuyển thêm được 38 thí sinh, trong đó hai ngành chỉ có một thí sinh trúng tuyển, ngành cao nhất chỉ tuyển được thêm chín thí sinh. Trường ĐH Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã xét tuyển học bạ đến đợt thứ 5, Hoa Sen đợt thứ 8, Hồng Bàng đang xét tuyển bổ sung...
Trường quyết định kết thúc tuyển sinh năm nay, không tiếp tục tuyển bổ sung. Hiện giờ đã tháng 11, sắp sửa báo cáo tuyển sinh cho bộ. Hơn nữa, sinh viên trúng tuyển đã học gần nửa học kỳ rồi, giờ tuyển bổ sung vào sẽ khó khăn trong sắp xếp đào tạo.
Ông NGUYỄN THANH TÙNG (phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Văn hóa TP.HCM)
Cạn nguồn tuyển
Lý giải về tình trạng không nhiều thí sinh xét tuyển bổ sung, đại diện nhiều trường đại học cho rằng nguồn tuyển truyền thống của các trường đã không còn. Tỉ lệ thí sinh chưa trúng tuyển còn rất ít và đôi khi các ngành và trường xét tuyển bổ sung không phù hợp với nguyện vọng của thí sinh.
Thống kê từ Bộ GD-ĐT cho thấy, kỳ tuyển sinh năm nay có hơn 620.000 thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên hệ thống chung, số trúng tuyển chính thức sau đợt 1 là 567.018. Như vậy, 91,4% số thí sinh đăng ký đã trúng tuyển đợt 1.
Đánh giá về tình hình xét tuyển bổ sung, ông Nguyễn Phương Đại Nguyên - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tây Nguyên - cho biết số lượng thí sinh xét và trúng tuyển bổ sung các đợt sau ngày càng ít đi so với các đợt trước. Tuần sau trường sẽ họp để quyết định có tiếp tục xét tuyển bổ sung hay không.
"Rất nhiều thí sinh trúng tuyển đợt bổ sung nhưng không nhập học. Không ít bạn trong số này đã đi học nghề. Hiện trường ráng chờ để tuyển thêm được thí sinh nào hay thí sinh đó chứ không mong tuyển đủ chỉ tiêu. Nguồn tuyển bổ sung dường như không còn" - ông Nguyên nói.
Cùng quan điểm này, ông Trần Hữu Duy - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Đà Lạt - cho biết nguồn tuyển bổ sung nhiều năm qua rất hạn chế, chưa năm nào trường tuyển đủ chỉ tiêu bằng xét tuyển bổ sung.
"Trường tuyển hơn 600 chỉ tiêu bổ sung nhưng chỉ có 200 thí sinh trúng tuyển. Tỉ lệ chưa tới 30%, thấp hơn rất nhiều so với đợt 1. Trường quyết định không tiếp tục xét tuyển bổ sung để ổn định đào tạo, chuẩn bị báo cáo tuyển sinh cho bộ và chuẩn bị cho tuyển sinh năm sau" - ông Duy nói thêm.
Nên tuyển sinh đợt 1 sớm hơn
Trưởng bộ phận tuyển sinh một trường đại học ngoài công lập cho rằng việc tuyển sinh năm nay kéo dài nên nhiều thí sinh đã lựa chọn phương án khác. Hơn nữa, học phí đại học cũng là một trở ngại đối với việc chọn trường của thí sinh.
"Có bạn chưa trúng tuyển nhưng không xét tuyển bổ sung do ngành và trường không phù hợp hoặc điều kiện kinh tế không đảm bảo. Trường vẫn nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung từ đầu tháng 10 đến nay nhưng chỉ lác đác vài thí sinh nộp hồ sơ.
Bộ cho phép trường tuyển sinh đến cuối năm nhưng chắc không trường nào tuyển sinh đến thời điểm đó vì như thế sẽ có nhiều xáo trộn đào tạo khi học kỳ I đã gần kết thúc. Thay vì như vậy bộ nên dời lịch tuyển sinh đợt 1 lên sớm hơn, rút ngắn quy trình xét tuyển để thuận lợi hơn cho các trường" - ông này nói thêm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận