Các chuyên gia cho rằng nhiều cánh rừng không thể chịu cảnh bị tàn phá thêm nữa - Ảnh: AFP
Cam kết của các nước vào ngày 2-11 được đánh giá là một trong những kết quả nổi bật tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow, Scotland (Anh).
Báo New York Times dẫn lời các quan chức cho biết cam kết sẽ giúp bảo vệ 85% diện tích rừng thế giới. Ngoài cam kết chấm dứt tình trạng phá rừng vào cuối thập kỷ này, các chính phủ và công ty cũng hứa chi 19 tỉ USD cho kế hoạch này.
"Những hệ sinh thái đa dạng tuyệt vời này, các thánh đường của tự nhiên, chính là lá phổi của hành tinh chúng ta. Rừng hỗ trợ các cộng đồng, cuộc sống, cung cấp thức ăn và hấp thụ khí carbon mà chúng ta thải vào môi trường", Thủ tướng Boris Johnson nói.
Tuy nhiên, thời gian qua, sự gia tăng giá trị của gỗ, nhu cầu về trồng trọt, chăn nuôi đã khiến nạn phá rừng trái phép tăng cao.
Giới phân tích lo rằng cam kết mới nhất này có thể sẽ lại thất bại như những lời hứa trước nếu không có tính ràng buộc và các biện pháp mạnh để ngăn phá rừng.
Alison Hoare, nhà nghiên cứu tại tổ chức phân tích chính trị Chatham House, cho biết kể từ khi các lãnh đạo thế giới hứa chấm dứt phá rừng vào năm 2014, tình trạng này thực tế lại trở nên tồi tệ hơn ở một số nước.
Theo bà Hoare, để làm được, cần có các tiến trình mang tính toàn diện, các khuôn khổ pháp lý công bằng, và các chính phủ phải làm việc với các doanh nghiệp, người bản địa để ngăn phá rừng.
Một số ý kiến khác cho rằng thỏa thuận đồng nghĩa với việc cho phép nạn phá rừng tiếp diễn thêm 1 thập kỷ nữa, trong khi những cánh rừng như Amazon đang đứng bên bờ vực và không thể chống chọi thêm nữa.
"Chúng ta không thiếu những cam kết chính trị kiểu này. Điều chúng ta thiếu là tiền và quyết tâm chính trị để thực hiện nó" - ông Tim Christophersen, quan chức thuộc Chương trình Môi trường của LHQ, nói với Hãng tin Reuters.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận