Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị COP26 tại Glasgow ngày 1-11 - Ảnh: Reuters
Phát biểu tại Hội nghị cấp cao COP26 khuya 1-11 theo giờ Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết biến đổi khí hậu đã thực sự trở thành thách thức lớn nhất đối với nhân loại.
3 thông điệp của Việt Nam
Theo Thủ tướng, các hiện tượng thời tiết cực đoan và tình trạng nước biển dâng đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đến sự phát triển bền vững, thậm chí đe dọa sự tồn vong của nhiều quốc gia và cộng đồng dân cư.
"Lời cảnh báo này của tự nhiên buộc chúng ta phải hành động mạnh mẽ và không chậm trễ trên phạm vi toàn cầu" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng cho biết Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất do biến đổi khí hậu và đang hết sức nỗ lực "để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu vừa phát triển kinh tế để vươn lên, bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho người dân".
Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ba thông điệp quan trọng. Thứ nhất, ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân.
Khoa học phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn. Mọi hành động phải dựa vào tự nhiên và lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Thứ hai, tất cả các quốc gia cần cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, dựa vào hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia. Đây là đòi hỏi tất yếu để kiềm chế mức tăng nhiệt độ của Trái đất.
"Mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050" - Thủ tướng nêu cam kết của Việt Nam.
Cuối cùng, tài chính khí hậu, chuyển giao công nghệ và nâng cao năng lực đóng vai trò rất quan trọng để thực hiện thành công Thỏa thuận Paris.
Thủ tướng đề nghị các quốc gia phát triển đã phát thải nhiều trong quá khứ cần thực hiện đầy đủ các cam kết tài chính đã có và khẩn trương đề ra mục tiêu tài chính tham vọng hơn nữa cho giai đoạn sau 2025.
"Chúng tôi mong muốn tăng cường hợp tác với các đối tác quốc tế trong các chương trình, dự án đầu tư và phát triển bền vững" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Để chiến thắng trong cuộc chiến toàn cầu với biến đổi khí hậu, đoàn kết toàn cầu là cách thức duy nhất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị COP26 ngày 1-11
Tìm kiếm các dự án hợp tác
Trước khi dự phiên họp cấp cao COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc đối thoại nhanh với các nhà đầu tư nước ngoài tại hội thảo "Kiến tạo tương lai bền vững và thịnh vượng thông qua đầu tư tư nhân" do Bộ Kế hoạch - đầu tư và Ngân hàng Standard Chartered tổ chức ngày 1-11.
Tại hội thảo, Thủ tướng Phạm Minh Chính và các bộ trưởng đã chứng kiến lễ trao đổi văn kiện thỏa thuận hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài, trong đó Tập đoàn T&T và Standard Chartered ký thỏa thuận hợp tác lên đến 6 tỉ USD cho các lĩnh vực năng lượng tái tạo và truyền tải điện tại Việt Nam.
Cũng tại sự kiện này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết trước thách thức của biến đổi khí hậu, Việt Nam đang chịu áp lực về chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp.
"Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để thích hợp với sự khan hiếm nguồn nước, tình trạng xâm nhập mặn...
Chúng tôi lựa chọn mô hình canh tác thuận thiên để thích ứng với biến đổi khí hậu chứ không chống lại biến đổi khí hậu" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan trao đổi với các nhà đầu tư Vương quốc Anh tại sự kiện.
Ông Hoan cho biết ông trông đợi tại COP26 các nhà lãnh đạo sẽ cam kết mạnh mẽ để bảo vệ Trái đất, đặc biệt là các dự án, chương trình để bảo vệ các đồng bằng dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu. "Nguồn lực Việt Nam có hạn nên chúng tôi cần nhiều sự hợp tác, các khoản hỗ trợ, các dự án hợp tác để Việt Nam thực hiện mục tiêu bảo vệ ĐBSCL" - ông nói.
Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên bày tỏ mong muốn thu hút được nhiều nguồn lực hợp tác trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, truyền tải điện để Việt Nam hiện thực hóa kế hoạch tăng tỉ lệ năng lượng tái tạo cho phát triển kinh tế - xã hội.
Cam kết phát thải của các nước
Trong phát biểu hôm 1-11 tại COP26, Thủ tướng Anh Boris Johnson cam kết bổ sung thêm 1 tỉ bảng (hơn 1,3 tỉ USD) cho tài chính khí hậu, nâng tổng số tiền cam kết lên 12,6 tỉ bảng vào năm 2025 nếu nền kinh tế nước này phát triển như dự kiến.
Theo Hãng tin Reuters, Anh cũng công bố 3 cam kết chính trong chiến lược "net zero" để đến năm 2050 Anh trở thành nền kinh tế không khí thải.
Trong đó có loại bỏ dần việc bán ôtô và xe tải chạy bằng xăng và dầu diesel trước năm 2030, ngừng đốt than để phát điện từ tháng 10-2024 và đảm bảo hệ thống sưởi trong các tòa nhà ở Anh thải ra lượng carbon thấp từ năm 2035.
Trong khi đó, Trung Quốc cam kết lượng phát thải CO2 sẽ đạt mức cao nhất trước năm 2030, sau đó giảm dần và đạt mục tiêu trung hòa carbon trước năm 2060.
ANH THƯ
* Bà Vũ Thị Quỳnh Hoa (giám đốc quốc gia, Tổ chức Oxfam tại Việt Nam):
Có cam kết sẽ có đầu tư xanh
Oxfam chúc mừng Chính phủ và đoàn đàm phán của Việt Nam tại COP26. Đây là một cam kết quan trọng và có lợi cho Việt Nam trong tiến trình đồng hành cùng các quốc gia khác đạt mục tiêu đưa phát thải khí nhà kính về 0 vào năm 2050.
Việc nâng cao cam kết giảm phát thải khí nhà kính sẽ có lợi cho Việt Nam về nhiều mặt. Trước hết, chúng ta có thể thu hút được nguồn tài chính xanh từ gói tài chính được cam kết từ các quốc gia với 100 tỉ USD mỗi năm cho phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và năng lượng tái tạo.
Cam kết này cũng phù hợp với xu hướng phục hồi xanh hậu COVID-19 và nền kinh tế nhân văn lấy con người làm trung tâm như nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã thông qua. Thách thức đối với Việt Nam trong bối cảnh chúng ta có mục tiêu tăng GDP lên 6,5-7% mỗi năm, đồng nghĩa với phát thải khí nhà kính gia tăng nếu chúng ta tiếp tục dựa vào nguồn nguyên liệu hóa thạch.
Việt Nam cần chuyển đổi tầm nhìn về phát triển kinh tế. Thay vì xem GDP là mục tiêu đạt được thì nên lấy giá trị về con người mạnh khỏe, môi trường trong sạch, đảm bảo an sinh xã hội làm mục tiêu phát triển. Không đánh đổi môi trường vì mục tiêu phát triển kinh tế.
* Ông Gareth Ward (đại sứ Anh tại Việt Nam):
Anh sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện cam kết
Chúng tôi rất ấn tượng trước những cam kết mạnh mẽ trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã công bố tại COP26 hôm 1-11.
Mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam cho thấy đây là một bước tiến thực sự trong tham vọng của Việt Nam và là một đóng góp lớn trong việc đảm bảo mục tiêu nhiệt độ Trái đất không tăng thêm quá 1,5oC vào cuối thế kỷ để ngăn chặn tình trạng Trái đất nóng lên.
Việt Nam cũng đã nhất trí ủng hộ một số tuyên bố và sáng kiến quan trọng về bảo vệ rừng, chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, hỗ trợ thích ứng cho cộng đồng địa phương và giảm thiểu khí metan.
Tất cả các tuyên bố này củng cố hơn nữa cam kết của Việt Nam trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Chúng tôi mong muốn tiếp tục hợp tác với Việt Nam để đạt được kết quả thành công cho COP26, và hỗ trợ việc thực hiện các cam kết mới về khí hậu và chuyển đổi năng lượng của Việt Nam, dựa trên nguồn tài chính khí hậu quốc tế.
HỒNG VÂN ghi
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận