12/10/2022 13:23 GMT+7

Hội thảo 'Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới'

C.QUỐC - K.TÂM - C.CÔNG
C.QUỐC - K.TÂM - C.CÔNG

TTO - Đoàn khảo sát do UBND tỉnh Sóc Trăng và báo Tuổi Trẻ tổ chức tham quan thực tế tại một trong những trang trại nuôi tôm công nghệ cao lớn nhất miền Tây.

Hội thảo Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới - Ảnh 1.

Ông Vương Quốc Nam (phải) dẫn đầu đoàn khảo sát tại trang trại nuôi tôm của Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta tại thị xã Vĩnh Châu sáng 12-10 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Trong khuôn khổ hội thảo "Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới", sáng 12-10, UBND tỉnh Sóc Trăng phối hợp báo Tuổi Trẻ tổ chức chuyến khảo sát thực tế tại trang trại nuôi tôm của Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta, ở xã Vĩnh Tân (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng). Đây là một trong những trang trại nuôi tôm công nghệ cao lớn nhất miền Tây hiện nay, với tổng diện tích hơn 500ha, năng suất đạt từ 6.000 - 8.000 tấn/năm.   

Tham gia đoàn khảo sát gồm đại diện các doanh nghiệp trong ngành thủy sản, đại diện ngành nông nghiệp một số tỉnh trong vùng ĐBSCL, các chuyên gia và phóng viên các báo, đài.

Tại buổi khảo sát, đoàn đã nghe lãnh đạo Công ty Sao Ta giới thiệu về việc nuôi tôm áp dụng công nghệ cao tại trang trại, sản lượng và hoạt động chế biến, xuất khẩu tôm thẻ chân trắng của công ty cũng như dẫn đoàn khảo sát tham quan trực tiếp thu hoạch tôm tại đây.

Phát biểu sau buổi khảo sát, ông Vương Quốc Nam - phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho biết việc khai thác thủy sản hiện nay đặt ra yêu cầu phải đảm bảo nguồn lợi thủy sản cho mai sau, khai thác không vi phạm vùng biển nước ngoài, không hủy diệt... Do đó việc đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản là rất cần và đúng chủ trương chung của ngành thủy sản cũng như của Đảng, Nhà nước.

"Hiện nay diện tích quy hoạch đất nuôi tôm không còn nhiều nữa. Chính vì vậy chúng ta phải đầu tư công nghệ cao, đảm bảo tăng năng suất và đảm bảo theo tiêu chuẩn có thể xuất khẩu.

Hội thảo Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới - Ảnh 2.

Thu hoạch tôm tại Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta sáng 12-10 - Ảnh: CHÍ QUỐC

Sóc Trăng quy hoạch diện tích nuôi tôm khoảng 52.000ha và sắp tới muốn mở rộng cũng không được. Chủ trương của tỉnh là chuyển ao nuôi đất thành ao nuôi lót bạt công nghiệp và tăng năng suất lên. Hằng năm Sóc Trăng thu hoạch nuôi tôm nước lợ khoảng 190.000 tấn, đảm bảo nguyên liệu cho các nhà máy chế biến xuất khẩu.

Điều quan trọng hiện nay đảm bảo cho ngành nuôi tôm phát triển là phải đầu tư thêm hệ thống nhà máy chế biến giá trị gia tăng cao và xuất khẩu, kết nối nhiều thị trường", ông Nam nói.

Theo ông Nam, Sóc Trăng rất quan tâm thúc đẩy nuôi tôm công nghiệp của tỉnh trong thời gian tới. Còn về vấn đề vốn cho người dân nuôi tôm công nghiệp, ngay từ đầu năm tỉnh đã tổ chức hội nghị kết nối hệ thống ngân hàng để chuyển dần hộ nuôi tôm từ ao đất sang ao lót bạt và các ngân hàng tham gia rất nhiều vào việc này.

Lúc 13h30 hôm nay (12-10), tại tỉnh Sóc Trăng sẽ diễn ra hội thảo "Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới" do báo Tuổi Trẻ phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức, với sự đồng hành của Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Hội thảo sẽ lắng nghe các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp và những người trực tiếp tham gia hoạt động khai thác, nuôi trồng thủy sản nêu thực trạng cũng như những thuận lợi, khó khăn và đề xuất các giải pháp để ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững, vươn lên tốp đầu thế giới...

Diễn đàn Diễn đàn 'Phát triển ngành công nghiệp thủy sản': Khai thác mãi, biển cạn cá

TTO - Nghề khai thác biển của Việt Nam ngày càng bấp bênh do nguồn lợi thủy sản giảm sút, giá dầu tăng quá cao. Hàng loạt tàu cá nằm bờ, số còn lại ra khơi đầy may rủi và cầm cự được nhờ tiền dầu Nhà nước hỗ trợ.

C.QUỐC - K.TÂM - C.CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên