12/10/2022 10:21 GMT+7

Phát triển thủy sản bền vững - nền tảng của thịnh vượng

CHÍ TUỆ ghi
CHÍ TUỆ ghi

TTO - Ông TẠ QUANG NGỌC, nguyên bộ trưởng Bộ Thủy sản, đã có trao đổi với Tuổi Trẻ về phát triển ngành công nghiệp thủy hải sản vươn lên tốp đầu thế giới.

Phát triển thủy sản bền vững - nền tảng của thịnh vượng - Ảnh 1.

Đóng gói cá tra phi lê xuất khẩu tại An Giang - Ảnh: MINH KHANG

Theo ông Ngọc, tăng trưởng liên tục gần bốn thập niên qua, thủy sản nước ta đã đạt đến những con số ấn tượng. Năm 2021, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản ước đạt gần 9 tỉ USD. Với con số như vậy, Việt Nam đã là một nước tầm cỡ thế giới về thủy sản rồi.

* Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đặt mục tiêu xuất khẩu đạt 14 - 16 tỉ USD... Cần phải chú trọng điều gì để đạt được mục tiêu này, thưa ông?

- Ông Tạ Quang Ngọc: Theo tôi, điều quan trọng hơn là đằng sau những con số phải là chất lượng tăng trưởng. Chất lượng tăng trưởng bản thân nó tạo ra sự phát triển bền vững về kinh tế, tạo ra sự tác động tích cực nhất về xã hội ven biển và hải đảo, và tạo ra quan hệ tích cực giữa tăng trưởng kinh tế với giảm thiểu diễn biến và tác động của biến đổi khí hậu, sự suy giảm nguồn lợi và tác động xấu đến sinh thái biển.

Sau một thời gian dài tăng trưởng khá mạnh, chúng ta chưa có lúc nào ngồi lại để nghĩ kỹ cái gì được, cái gì chưa được, cái gì là vướng mắc lớn nhất.

Tôi thấy gần đây các văn bản chiến lược về thủy sản đưa ra vẫn dựa trên cơ cấu ngành cách đây vài chục năm, trong khi đó nghề cá thế giới chuyển đổi rất nhanh. Trên quan điểm ngư dân là chủ thể trong phát triển nghề cá, bức tranh về lao động và tổ chức khai thác trên biển cần tính trước, hơn là tính trước chỉ về các con số tăng trưởng.

Phát triển thủy sản bền vững - nền tảng của thịnh vượng - Ảnh 2.

Ông Tạ Quang Ngọc

* Khai thác biển của Việt Nam đang thiếu bền vững. Đâu là giải pháp cốt yếu để giải quyết tình trạng này, thưa ông?

- Trước tiên, chính những người đi đánh cá phải rõ về nghề cá trách nhiệm. Phải làm cho mỗi cá nhân và tổ chức khai thác trên biển cũng là người chủ động thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển nguồn lợi.

Trong nội dung quản lý nghề cá của chúng ta hiện mới thấy nói nhiều đến sản phẩm, chưa thấy bóng dáng và trách nhiệm của người dân. Điều này rất khó để gắn khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi được.

Cơ cấu ngành thủy sản từ 30 - 40 năm trước cơ bản là khai thác - nuôi trồng và chế biến, tiêu thụ (cả trong nước và xuất khẩu). Cơ cấu này hiện nay vẫn chỉ có vậy.

Chúng ta có nghị quyết 36/2018 về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với các ngành khác như dầu khí, hàng hải và vận tải biển, du lịch và đô thị biển. Như vậy, chúng ta phải làm thế nào để nuôi trồng và khai thác hải sản có được sự thịnh vượng từ lợi thế của nó, đồng thời kết hợp được với thế mạnh của tổ hợp các ngành về biển, hạn chế những tác hại trong tương tác của nghề khác cho sự phát triển nhanh và bền vững của mình.

Chúng ta phải có những điều tra để đánh giá lại và tổ chức sản xuất trên các ngư trường trong nước để ngư dân bám biển không bị thua lỗ, hoặc trước mắt phải có chính sách hỗ trợ để chuyển đổi nghề nghiệp.

Khai thác dễ thở hơn nếu ngư dân ra biển có cá đánh, phát triển ngành nghề khác để đánh cá lành mạnh. Việc này cũng liên quan tới IUU đang thời sự hiện nay.

* Nuôi trồng thủy sản đang được đẩy mạnh, tuy nhiên diện tích nuôi trồng có giới hạn. Để phát triển ngành này, cần phải lưu ý điều gì, thưa ông?

- Thủy sản nuôi trồng xuất khẩu vẫn chủ yếu là tôm và cá tra ở các tỉnh ĐBSCL. Đây là một lợi thế lớn, nhưng những khu vực nuôi quy mô công nghiệp cũng dễ phát sinh các vấn đề sinh thái nếu không có quy hoạch và quản lý đúng đắn.

Chúng ta còn dư địa để tăng mạnh giá trị kinh tế trong cả nuôi và khai thác. Cần làm giảm thất thoát và hư hỏng sau thu hoạch, chọn lọc các đối tượng nuôi cũng là một hướng tăng giá trị. Cuối cùng, việc chọn phương thức và công cụ nuôi đúng đắn cũng có thể làm giảm giá thành và tăng thời cơ thị trường. Đồng thời phải làm sao chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến, xuất khẩu phải đưa lại lợi ích hài hòa, khuyến khích người sản xuất.

* Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

Kiến nghị sửa Luật đất đai để hỗ trợ nuôi trồng thủy sản

Ong Phung Duc Tien_TT BNN 1(Read-Only)

Thủy sản là một lĩnh vực quan trọng để đạt mục tiêu tăng trưởng của ngành nông nghiệp. Thủy sản phải giữ vững sự phát triển trên cả ba trụ cột là khai thác, bảo tồn và nuôi trồng.

Về khai thác thủy sản, ngành đã có một thời gian dài sản xuất theo phong trào. Việc tái cơ cấu đội tàu và giảm đội tàu khai thác (nhất là tàu gần bờ) đã có những kết quả ban đầu, nhưng việc giảm sản lượng khai thác cần có kế hoạch cụ thể. Để giảm việc này, cần tăng cường bảo tồn. Việc bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản cần tập trung vào nâng cao chất lượng.

Khai thác là một trong những trụ cột quan trọng nên cần kiểm soát chặt chẽ để hướng đến nghề cá có trách nhiệm. Đơn vị phải kiểm soát được sản lượng khai thác gắn với sự truy xuất nguồn gốc.

Về nuôi trồng, với hai đối tượng chủ lực là tôm và cá tra, trong đó cá tra đã có sự kiểm soát, cấp mã số vùng nuôi tốt, nhưng ngành vẫn phải kết nối các hệ thống nuôi xuyên suốt thành chuỗi ngành hàng hoàn chỉnh để nâng cao sự cạnh tranh.

Với tôm, dư địa để tăng diện tích không còn, chỉ còn tăng năng suất. Tuy nhiên, khâu kiểm soát giống còn nhiều bất cập cần có sự kiểm soát, thanh kiểm tra chặt chẽ bởi chất lượng con giống đặc biệt quan trọng.

Việc cấp mã số vùng nuôi tôm, giúp truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đang gặp nhiều khó khăn bởi Luật đất đai. Bộ NN&PTNT sẽ kiến nghị Chính phủ thời gian tới cho phép sửa đổi luật này đồng thời sẽ chủ động cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường tháo gỡ khó khăn để sản phẩm sớm có thể truy xuất nguồn gốc, đảm bảo yêu cầu cho xuất khẩu.

CHÍ TUỆ

Hội thảo "Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới"

DonaoTom 1(Read-Only)

Người nuôi tôm ở Sóc Trăng làm vệ sinh ao, chuẩn bị thả nuôi vụ hai - Ảnh: K.TÂM

Sáng nay (12-10), tại Trung tâm Văn hóa hội nghị tỉnh Sóc Trăng, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức hội thảo "Gỡ khó để thủy sản Việt Nam vươn lên tốp đầu thế giới".

Hội thảo này là một sự kiện trong khuôn khổ diễn đàn "Phát triển ngành công nghiệp thủy sản: Khai thác bền vững - Tăng tốc nuôi trồng cho ngành thủy hải sản Việt Nam" - do báo Tuổi Trẻ khởi xướng, với sự đồng hành của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank).

Các đại biểu từ cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia, người dân sẽ thảo luận nhiều vấn đề liên quan đến khai thác bền vững, bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Hội thảo chú trọng các nội dung tăng tốc nuôi trồng như quy hoạch vùng nuôi, con giống, các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân...

Những nội dung trao đổi tại hội thảo sẽ góp phần hiện thực hóa chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ. Đến năm 2030, tổng sản lượng thủy trong nước đạt 9,8 triệu tấn gồm nuôi trồng 7 triệu tấn và khai thác 2,8 triệu tấn; giá trị xuất khẩu đạt 14 - 16 tỉ USD.

KIM ÁNH

Xuất khẩu thủy sản lập kỳ tích nhờ nuôi trồng Xuất khẩu thủy sản lập kỳ tích nhờ nuôi trồng

TTO - Năm 2022, dự kiến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam lần đầu tiên vượt mốc 10 tỉ USD, trong đó đóng góp lớn nhất là hai mặt hàng thủy sản nuôi là tôm và cá tra với hơn 6 tỉ USD.

CHÍ TUỆ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên