Mỹ đã áp các biện pháp trừng phạt khắt khe với Iran sau khi rút khỏi JCPOA năm 2018. Trong ảnh: người dân Iran đi lại ở Tehran (Iran) vào ngày 16-8 - Ảnh: REUTERS
Hôm 23-8, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho biết hầu hết các nước đang tham gia tiến trình đàm phán với Iran về việc khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 đều nói họ nhất trí với đề xuất mới nhất của EU.
Iran cũng đã phản hồi về dự thảo này, nhưng Mỹ chưa lên tiếng.
Đích đến trong tầm mắt
"Hầu hết các nước này đã đồng ý, nhưng tôi vẫn chưa có câu trả lời từ Mỹ. Tôi hiểu rằng Washington phải thảo luận về đề xuất này và chúng tôi mong sẽ nhận được câu trả lời trong tuần này" - ông Borrell nói trong cuộc phỏng vấn ngày 23-8 với Đài truyền hình quốc gia TVE của Tây Ban Nha.
Sau khi EU gửi bản đề xuất cho cả Tehran và Washington vào cuối tháng 7, tuần trước Iran đã phản hồi. Ông Borrell cho biết Iran đã yêu cầu một số điều chỉnh với đề xuất của EU (đề xuất này hiện chưa công khai). Trước đó một ngày, ông đánh giá phản hồi của Tehran là "hợp lý" và một vòng đàm phán mới có thể được tổ chức sớm nhất là trong tuần này.
Thỏa thuận hạt nhân Iran được biết với tên chính thức là Kế hoạch Hành động toàn diện chung (JCPOA), được ký giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) vào năm 2015 nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc nước này được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đa phương. Năm 2018, tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump đơn phương rút Washington khỏi thỏa thuận và áp các biện pháp trừng phạt khắt khe lên Iran kéo dài tới tận bây giờ.
Tuy nhiên, giờ đây các bên đã tiến gần hơn đến thỏa thuận giúp khôi phục JCPOA sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng. Ông Diako Hosseini, nhà phân tích chính sách đối ngoại tại Iran, tin rằng "vạch đích" đã trong tầm mắt.
"Quả bóng trong sân ông Biden"
Cuối ngày 22-8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Washington sẽ đưa ra phản hồi ngay sau khi các tham vấn nội bộ hoàn tất. Trước đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Nasser Kanani cáo buộc Mỹ trì hoãn tiến độ.
Thời gian qua, một số thượng nghị sĩ Mỹ đã phản đối nội dung các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran. Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ từng lên tiếng phủ nhận thông tin Mỹ đang trao cho Iran "các nhượng bộ" lớn.
Ngoài ra, Israel đang là tiếng nói phản đối mạnh nhất đối với thỏa thuận hạt nhân và nguyên nhân đáng kể khiến Mỹ chưa có câu trả lời rõ ràng về thỏa thuận được cho là vì các cuộc tham vấn với giới chức Israel. Thủ tướng Israel Yair Lapid đã cảnh báo Mỹ và Pháp rằng việc níu kéo thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ là dấu hiệu cho thấy "sự yếu đuối".
Tuy nhiên, bà Kelsey Davenport, giám đốc chính sách không phổ biến hạt nhân tại Hiệp hội Kiểm soát vũ khí, nhận định JCPOA vẫn là lựa chọn tốt nhất cho cả Tehran và Washington, nhưng các cuộc đàm phán không thể cứ kéo dài mãi mãi.
Iran nhượng bộ
Theo các chi tiết trong dự thảo của bản thỏa thuận bị rò rỉ gần đây, Tehran đã kêu gọi bảo đảm việc nước này được giảm nhẹ các lệnh trừng phạt của Mỹ trong 2 năm rưỡi cũng như nhận được sự hỗ trợ từ các bên khác nếu Washington đơn phương từ bỏ thỏa thuận một lần nữa.
Hãng tin Reuters cho biết trước đây Iran yêu cầu để tái tham gia JCPOA, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) phải kết thúc cuộc điều tra về vật liệu hạt nhân không khai báo được tìm thấy tại các địa điểm của Iran vào năm 2019. Nhưng Iran hiện đã bỏ yêu cầu này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận