Hội nghị khoa học "Các cửa sổ nhìn ra vũ trụ" do Trung tâm ICISE, Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức. Hội nghị có sự tham gia của GS Gerard t'Hooft (Nobel Vật lý 1999), Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt, PGS.TS Phan Thanh Bình - nguyên giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội và hơn 200 nhà khoa học quốc tế.
Theo ban tổ chức, hội nghị sẽ cung cấp một diễn đàn học thuật để các nhà khoa học trong nước và quốc tế hợp tác khoa học, tham gia trao đổi thảo luận về các khám phá mới nhất trong lĩnh vực vật lý hạt cơ bản, vật lý năng lượng cao và thiên văn học.
Phát biểu khai mạc, GS Trần Thanh Vân - chủ tịch Hội Gặp gỡ Việt Nam - cho biết đây là hội nghị đặc biệt vì nó đánh dấu chặng đường 30 năm thành lập Hội Gặp gỡ Việt Nam, 10 năm hoạt động của Trung tâm ICISE.
Hội nghị lần này là nơi tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu trẻ tham gia, cung cấp cho họ cơ hội trình bày các ý tưởng với các nhà khoa học trên thế giới.
"Tôi rất mong trong thời gian tới, Trung tâm ICISE và Việt Nam sẽ tiếp đón thêm rất nhiều nhà khoa học trên thế giới nữa. Và tôi mong các thế hệ trẻ sẽ thêm yêu và đam mê nghiên cứu khoa học để cống hiến cho đất nước phát triển", GS Vân nói.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đánh giá sự có mặt của các nhà khoa học quốc tế, đặc biệt là các giáo sư đoạt giải Nobel, cho thấy sự tâm huyết và nhiệt tình của các nhà khoa học quốc tế đối với Việt Nam.
"Tôi hy vọng tại hội nghị này, các nhà khoa học sẽ thảo luận về các vấn đề chuyên môn nhưng đồng thời cũng thảo luận về vấn đề làm sao để khoa học đóng góp nhiều nhất cho phát triển kinh tế - xã hội. Tôi mong các nhà khoa học quốc tế có thể đưa ra nhiều gợi ý cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý về cách thức, lộ trình và những kinh nghiệm quý báu của các nước phát triển cho Việt Nam về phát triển và phát triển bền vững", Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt chia sẻ.
Tại hội nghị, ông Hồ Quốc Dũng - bí thư Tỉnh ủy Bình Định - nói: "15 năm trước, không ai nghĩ TP Quy Nhơn sẽ đón hàng ngàn nhà khoa học danh tiếng và các giáo sư đoạt giải Nobel; không ai nghĩ Bình Định sẽ hình thành được trung tâm khám phá khoa học đầu tiên của cả nước.
Tôi rất mong thời gian tới, Bình Định sẽ được tiếp đón thêm nhiều nhà khoa học trên thế giới. Và các thế hệ trẻ của Bình Định nói riêng, Việt Nam nói chung sẽ được trau dồi, học hỏi thêm nhiều kiến thức về khoa học từ những nhà khoa học của thế giới mang lại".
Dự kiến, hội nghị diễn ra đến ngày 12-8, bao gồm 31 phiên họp với các phiên toàn thể và các phiên chuyên đề chuyên sâu.
30 năm Hội Gặp gỡ Việt Nam
Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam là một tổ chức phi chính phủ (NGO), hoạt động phi lợi nhuận, được thành lập theo Luật Hội đoàn 1901 tại Pháp từ năm 1993, trên cơ sở kinh nghiệm và từ những thành công được cộng đồng khoa học quốc tế ghi nhận và đánh giá cao về các Tổ chức Gặp gỡ Moriond (57 năm, từ năm 1966) và Gặp gỡ Blois (34 năm, từ năm 1989). Mục đích chính của Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam là kết nối hợp tác, hỗ trợ và giúp đỡ để đóng góp cho sự phát triển khoa học và giáo dục bậc cao của Việt Nam.
Năm 2012, Hội khoa học Gặp gỡ Việt Nam trở thành đối tác chính thức của tổ chức UNESCO.
Người sáng lập và đồng thời là chủ tịch Hội từ khi thành lập đến nay là GS Trần Thanh Vân (Việt kiều Pháp), giáo sư ưu tú của Đại học Paris XI (Orsay, Pháp), giám đốc nghiên cứu Viện Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS).
Trong 30 năm vừa qua, Hội Gặp gỡ Việt Nam đã thành lập Viện Nghiên cứu IFIRSE là viện nghiên cứu cơ bản tư nhân trực thuộc Trung tâm ICISE, hoạt động theo tinh thần và mô hình của các viện nghiên cứu trên thế giới.
10 năm Trung tâm ICISE
ICISE được khởi công xây dựng ngày 11-12-2011 và khánh thành đưa vào hoạt động ngày 12-8-2013. Với các hoạt động tích cực đóng góp cho khoa học Việt Nam và khoa học thế giới, Trung tâm ICISE đã nhận được sự hỗ trợ của Hội đồng quốc tế bảo trợ cấp cao về khoa học gồm 8 nhà khoa học đoạt giải Nobel.
ICISE ra đời với mục đích là nơi phát triển khoa học và giáo dục, giúp đỡ các sinh viên và nhà khoa học trẻ Việt Nam hội nhập vào cộng đồng khoa học quốc tế, mang lại cơ hội cho các thế hệ trẻ Việt Nam nâng cao trình độ hiểu biết của mình thông qua việc tham dự các cuộc gặp gỡ và chia sẻ ý tưởng với các đồng nghiệp quốc tế có trình độ cao.
Tính đến năm 2023, Trung tâm ICISE đã tổ chức gần 150 hội nghị khoa học quốc tế chất lượng cao và hơn 45 trường học khoa học chuyên đề, với gần 10.000 nhà khoa học đến từ 35 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận