15/06/2022 10:17 GMT+7

Hói Mít hết 'cười ra nước mắt'

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Hói Mít - cái tên làng kỳ lạ đã khiến chúng tôi tìm ngôi làng heo hút trong góc núi Hải Vân một ngày hè 21 năm trước và chứng kiến nhiều chuyện 'cười ra nước mắt'.

Hói Mít hết cười ra nước mắt - Ảnh 1.

Hói Mít khá giả lên nhưng cảnh quan - môi trường vẫn được bảo vệ - Ảnh: MINH TỰ

Phóng sự "Ốc đảo Hói Mít" đăng Tuổi Trẻ ngày 24-4-2001 đã khiến bạn đọc xuýt xoa: "Sao lại có ngôi làng kỳ lạ vậy!".

21 năm sau, khi chúng tôi trở lại, "ốc đảo" Hói Mít đã trở thành tổ dân phố An Cư Tây của thị trấn Lăng Cô tấp nập du khách.

Chuyện "cười ra nước mắt" ở Hói Mít

21 năm trước, nằm cách đường quốc lộ 1 chỉ khoảng hai cây số, đường sắt Bắc Nam chạy qua giữa làng, nhưng muốn vào Hói Mít thì chỉ có một chuyến đò qua đầm An Cư. Nhưng đò chỉ chạy ban ngày, ban đêm không thể chạy vì lưới đánh cá giăng tứ phía. Nửa đêm có người đau ốm thì phải gánh võng rồi cuốc bộ 5 cây số theo từng thanh tà vẹt ra phía ga Lăng Cô.

Không có đường mà vẫn xảy ra tai nạn giao thông... đường sắt. Không có đường nên 870 con người ở đó chỉ biết đi bộ theo những bờ ruộng, lối mòn.

Vì chỉ đi bộ nên hầu như cả làng không biết đi xe đạp, trừ những thanh niên đã đi xa trở về làng. Đã qua thế kỷ 21 nhưng cả làng vẫn thắp đèn dầu ngắm hai hệ thống đường điện 500kV quốc gia và 220kV Đà Nẵng - Huế đi qua trên đầu. 

Suốt mấy mùa tuyển quân, không một con em nào của Hói Mít trúng tuyển nghĩa vụ quân sự dù tiêu chuẩn nhập ngũ lúc đó chỉ lớp 8...

Hói Mít hết cười ra nước mắt - Ảnh 2.

Cuộc đổi đời của Hói Mít bắt đầu từ con đường - Ảnh: PHAN THÀNH

Bắt đầu từ một con đường

Chúng tôi trở lại Hói Mít vào một ngày cuối tháng 5-2022. 

21 năm trước, để vào Hói Mít, chúng tôi phải gửi xe ở ủy ban xã, rồi thuê một chiếc đò máy chạy xuyên qua đầm An Cư, chui qua cầu đường sắt rồi theo con sông nhỏ gọi là Hói Mít để vào làng. Nhưng bây giờ, chúng tôi có thể chạy ôtô từ thị trấn, theo con đường lát nhựa phẳng lì ven đầm rồi thong thả vào làng. 

Người đầu tiên tôi phải tìm gặp lại là ông cựu trưởng thôn Nguyễn Nguyện, người có thâm niên làm trưởng thôn lâu nhất tỉnh Thừa Thiên Huế với 27 năm "thổi tù và hàng tổng", giờ là giám đốc hợp tác xã nông nghiệp. 21 năm trước, ông Nguyện cứ nói đi nói lại: "Chỉ cần mở một con đường!".

Gặp lại chúng tôi, ông Nguyện vẫn nhớ và mừng vui, nói ngay: "Anh thấy Hói Mít chừ ngon lành lắm phải không, mọi thứ bắt đầu từ con đường đó!". Và không chỉ có đường mà điện còn được đưa đến sớm trước đó một năm. 

Chuyện này lại gắn liền với một tai nạn đường sắt thảm khốc khiến đoàn tàu E1 bị đứt đôi ngay vị trí nằm giữa hai làng Hói Mít và Hói Dừa vào tháng 3-2005. Khi tai nạn xảy ra, dân Hói Mít, Hói Dừa không ngại nguy hiểm, lao vào cứu hành khách. Những chiếc áo của người dân quê nghèo nơi góc núi này ướt đẫm máu của hành khách.

Bộ trưởng Bộ GTVT lúc bấy giờ là ông Đào Đình Bình vì quá cảm động nghĩa cử đó nên mới tìm cách trả ơn dân làng. Khi biết dân ở đây chưa có đường và điện, ông liền trao đổi với địa phương rồi cho tàu chở cột điện thả xuống dọc theo đường tàu để đơn vị xây lắp điện thi công. Tháng 9-2005, dân làng Hói Mít đã biết "điện là gì".

Qua năm 2006, Bộ GTVT kết toán dự án hầm đường bộ Hải Vân, vẫn còn dư một số vốn. Từ đề xuất của Bộ GTVT và tỉnh Thừa Thiên Huế, chính phủ đã đồng ý cho làm tuyến đường phía tây đầm An Cư với chiều dài 10,8km, tổng đầu tư 108 tỉ đồng, hoàn thành vào tháng 4-2008. 

Tiếp đó, ngành giao thông mở luôn con đường chui qua đường sắt nối vào đến tận xóm Núi của làng Hói Mít.

"Dân Hói Mít hết nghèo đói cũng nhờ con đường ni, khá giả lên cũng nhờ đường, mà học hành đỗ đạt cũng nhờ hắn. Anh tin không, dân làng tui chừ đã có đứa làm giảng viên đại học rồi đó!", ông Nguyện cười rất mãn nguyện.

Hói Mít hết cười ra nước mắt - Ảnh 3.

Trăm sự còn nhờ vào tài xốc vác của ông cựu trưởng thôn Nguyễn Nguyện - Ảnh: MINH TỰ

Thôn Hói Mít đã thành tổ dân phố An Cư Tây

21 năm trước, chúng tôi phải ngủ lại đêm ở Trạm kiểm lâm Hói Mít "để đảm bảo an toàn cho người lạ vô làng". Chúng tôi hỏi trạm kiểm lâm giờ nằm ở đâu để thăm lại ông trạm trưởng Cái Thanh Hùng đã từng bị "lâm tặc" Hói Mít đánh một trận đòn chí tử hồi giữa năm 2000. "Còn ai phá rừng nữa mô, nên trạm kiểm lâm cũng giải tán rồi", ông Nguyện cho hay. 

Hói Mít từng là điểm nóng phá rừng, và dân làng cũng đã đi tù vì cái tội bất đắc dĩ này. Bây giờ họ đã chuyển sang trồng rừng, vừa khấm khá vừa bền vững mà không lo lắng chi cả. Nhưng cuộc đổi đời đáng giá nhất của Hói Mít mới chính là việc học hành của con em. 

Ông tổ trưởng dân phố bây giờ là anh Nguyễn Trịnh, 40 tuổi, một trong vài người có trình độ học vấn cao nhất của Hói Mít vào 20 năm trước với "kỳ tích" tốt nghiệp lớp 12. 

Hói Mít hết cười ra nước mắt - Ảnh 4.

“Ốc đảo” Hói Mít đã thành tổ dân phố An Cư Tây - Ảnh: PHAN THÀNH

Trịnh kể những năm đó, anh phải cuốc bộ theo những thanh tà vẹt đường sắt ra trung tâm xã, tức là chỗ chợ Lăng Cô bây giờ, để ở trọ mà theo học tiếp cấp II. Mỗi tuần hai lần như thế với một balô gạo, sắn, mắm, muối và 10 cây số đường sắt. 

Lên cấp III, Trịnh lại đi bộ theo đường sắt ngược ra phía Bắc, chui qua hầm Phú Gia rồi lấy chiếc xe đạp gửi nhờ ở đó đạp ra nhà trọ để theo học Trường THPT Thừa Lưu. Gian nan như vậy nên học xong lớp 12 là như lập xong một kỳ tích.

Không ai nghĩ có ngày dân Hói Mít đậu đại học và đậu vào cả những trường danh tiếng trong vùng như Trường đại học Bách khoa, Trường đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng), Trường đại học Ngoại ngữ, Trường đại học Sư phạm (Đại học Huế)... 

Ông Trịnh cho biết mỗi năm dân Hói Mít đậu đại học chiếm 1/3 toàn thị trấn Lăng Cô. Niềm tự hào của dân Hói Mít đó là ThS Dương Quốc Nõn - giảng viên khoa tài nguyên đất và môi trường, Trường đại học Nông lâm Huế. Hói Mít bây giờ còn nổi tiếng với khu du lịch Suối Mơ tấp nập du khách.

 "Nhưng tui nghĩ, con em học hành đỗ đạt mới là thành công nhất của An Cư Tây", ông tổ trưởng Nguyễn Trịnh nói.

Năm 2002, xã Lộc Hải trở thành thị trấn Lăng Cô, thôn Hói Mít cũng "lên đời" thành tổ dân phố An Cư Tây. Ít ai biết rằng làng An Cư Tây đã ra đời từ 320 năm trước (năm 1712), dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, với tên gọi xứ Hói Mít - nơi có con hói (tức con sông nhỏ), hai bên trồng nhiều cây mít. Đây là nơi tụ cư đầu tiên của cả vùng Lăng Cô này.

Hơn 300 năm sống cách biệt, thiếu thốn như một "bộ lạc" nằm hun hút trong góc núi, Hói Mít - An Cư Tây đi trước mà về sau, nhưng với một kết cục có hậu.

Hói Mít hết cười ra nước mắt - Ảnh 5.

Khu du lịch Suối Mơ, do dân Hói Mít lập ra, tấp nập du khách - Ảnh: PHAN THÀNH

Mong thêm một con đường

"Nếu cuộc đổi đời của dân Hói Mít - An Cư Tây bắt đầu từ con đường kết nối với trung tâm thị trấn và hệ thống giao thông quốc gia, thì cuộc phát triển trong tương lai cũng cần một con đường tương tự như thế. Đó là con đường dẫn vào khu du lịch Suối Mơ, hiện vẫn còn nhỏ hẹp.

Chỉ cần đầu tư một con đường rộng rãi vào Suối Mơ và để cho người dân làm ăn bằng mô hình du lịch cộng đồng, bảo đảm dân Hói Mít sẽ khá giả lên bằng chính sức lực của mình mà cảnh quan, môi trường vẫn được bảo vệ" - ông Trần Đình Vui, bí thư thị trấn Lăng Cô, nói.

"Bộ lạc" ở góc núi

HOI MIT 1

Phóng sự “Ốc đảo Hói Mít” đăng ngày 24-4-2001 - Ảnh: MINH TỰ

Hói Mít chẳng khác chi một "bộ lạc". "Bộ lạc" đó nằm ở đâu mà kỳ lạ vậy? Nếu bây giờ bạn đi ra khỏi cửa phía bắc hầm đường bộ Hải Vân, nhìn về phía bên trái, cuối góc núi xa đó là Hói Mít. "Bộ lạc" đó thuộc xã Lộc Hải, huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế.

Và ngày ấy, khi rời Hói Mít, ông trưởng thôn Nguyễn Nguyện nói với chúng tôi: "Biết khi mô có con đường để các anh quay lại?". Nhưng chúng tôi đã quay lại để thấy sự đổi thay.

Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 1: Chơi làng Hành Lạc Giải mật những địa danh kỳ lạ - Kỳ 1: Chơi làng Hành Lạc

TTO - Đã làng Hành Lạc lại có thôn Trinh Tiết, rồi xóm Gà Luộc, Chắc Cà Đao, khu Tên Lửa, Cự Lại… là những địa danh 'độc' khiến không ít người phải phá lên cười hoặc tò mò. Tại sao lại có những cái tên kỳ lạ này?

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên