03/09/2022 12:31 GMT+7

Hội họa Việt dăm năm trở lại đây và những tín hiệu bùng nổ lần thứ 2

HỌA SĨ LÊ THIẾT CƯƠNG
HỌA SĨ LÊ THIẾT CƯƠNG

TTO - Việt Nam năm 1986 với quyết định lịch sử: Đổi mới. Mới đến mức người nước ngoài không dịch mà dùng luôn Doimoi. Và hội họa đã tiên phong đổi mới. Họa sĩ Lê Thiết Cương nói về thị trường hội họa Việt hiện tại mà anh gọi là Gam màu sáng.

Hội họa Việt dăm năm trở lại đây và những tín hiệu bùng nổ lần thứ 2 - Ảnh 1.

Họa sĩ Lê Thiết Cương

Bằng chứng là một thế hệ "họa sĩ mở cửa" xuất hiện, chủ yếu là 6X, với nhiều triển lãm trong và ngoài nước đã góp phần cho bạn bè quốc tế hiểu thêm rằng Việt Nam không chỉ có chiến tranh. 

Nếu coi quyết định Đổi mới là cuộc bùng nổ lần thứ nhất của hội họa Việt Nam thì dăm năm trở lại đây xuất hiện nhiều tín hiệu về một lần bùng nổ thứ hai.

Bệnh chảy máu cổ vật tự khỏi

Không phải ngẫu nhiên mà tháng 7-2022 nhà đấu giá danh tiếng Sotheby’s lần đầu tiên tổ chức một triển lãm tranh mang tên "Hồn xưa bến lạ" với những tác phẩm của bộ tứ Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm.

Sotheby’s nhận định rằng Việt Nam là một thị trường mỹ thuật đầy tiềm năng. Điều này quá đúng, nhất là qua triển lãm, người xem thấy 50 tác phẩm trưng bày đều là của những nhà sưu tập người Việt. 

Quá bán số đó là những tác phẩm đã đấu giá thành công từ các cuộc đấu giá của chính Sotheby’s ở Singapore, Hong Kong hoặc các nước khác. Có một "tác dụng phụ" là với triển lãm đình đám này đâu chỉ Sotheby’s mà có thể những hãng đấu giá khác cũng sẽ quan tâm đến thị trường nghệ thuật Việt Nam.

Điều mà các nhà quản lý văn hóa lo lắng về căn bệnh chảy máu cổ vật cũng như các tác phẩm nghệ thuật suốt mấy chục năm (tạm tính từ 1975) thì nay đã không còn nữa, căn bệnh ấy đã tự khỏi. Đó cũng chính là một "màu mới" của mỹ thuật Việt Nam hiện nay: sự hồi hương của các tác phẩm hội họa của các bậc thầy thế hệ họa sĩ Đông Dương.

Trong những phiên đấu giá ở nước ngoài có tranh của họa sĩ Việt Nam, phần lớn các tác phẩm đấu giá thành công đều thuộc những nhà sưu tầm Việt.

Người sưu tập biết làm, biết chơi

Cái "ngưỡng triệu đô" đã có nhiều tác phẩm vượt qua như: Chân dung cô Phương của Mai Trung Thứ, Phong cảnh chùa Thầy của Phạm Hậu, Đời sống gia đình của Lê Phổ... 

Đáng chú ý là những tác phẩm đinh của các họa sĩ Đông Dương đều đã "trở về": Thiếu nữ bên hoa huệ của Tô Ngọc Vân, Hào của Dương Bích Liên, Phụ nữ đội nón bên sông của Mai Trung Thứ, Phong cảnh Nông Pênh của Lê Quốc Lộc... 

Với những tác phẩm nhiều tiền như vậy thì không khó để nhận ra chủ sở hữu đều là những doanh nhân cho dù họ đều không công khai danh tính. Trong số này cũng có người không hẳn chỉ là sưu tầm mà kiêm cả đầu tư, một công đôi việc. Họ biết làm, biết chơi. 

Bằng việc mua những tác phẩm hội họa của các họa sĩ bậc thầy, họ đã đánh thức cho cộng đồng về giá trị của nghệ thuật Việt, hồi hương những tác phẩm hội họa quý giá, góp phần tạo ra một làn sóng sưu tầm nghệ thuật.

Tạm gọi những doanh nhân giàu có chuyên sưu tầm tranh của các họa sĩ thời kỳ Đông Dương là những nhà sưu tầm cấp 1, dễ thấy ở họ có một điểm chung là năng lực cảm thụ thẩm mỹ của họ rất "vừa vặn" với tranh của các họa sĩ thế hệ mỹ thuật Đông Dương. 

Tranh đẹp, hiếm, dễ xem, dễ hiểu, dễ treo, dễ khoe để khẳng định đẳng cấp. Vì họ là doanh nhân nên cách chọn mua tranh Đông Dương là rất an toàn, khả năng giá tranh sẽ còn tăng cao. Nếu không chơi nữa mà bán lại thì vẫn có lãi.

Làn sóng chơi tranh là một màu mới nữa của mỹ thuật Việt Nam hôm nay. Mang ôtô tải đi nước ngoài dự những phiên đấu giá đình đám để mang về những tác phẩm hội họa triệu đô là cách chơi của những "tay to". Nhưng đó cũng chỉ là một lớp sóng. 

Những người ít tiền hơn, không đủ tài chính để đi "sang" Sotheby’s hoặc Christie’s thì đã có những nhà đấu giá trong nước, những phiên đấu giá nhỏ nhắn với những tác phẩm hội họa của các họa sĩ thế hệ khóa kháng chiến của thầy Tô Ngọc Vân và các họa sĩ sau này với giá cả khoảng 100 triệu đồng đổ lại. Có thể kể tên: nhà đấu giá Chọn, nhà đấu giá Lý Thị, các phiên đấu giá của V.Cao Gallery (Hải Phòng), nhà đấu giá Pi...

Còn nhiều khúc mắc, sai sót vì đấu giá nghệ thuật quá mới, nhưng hy vọng mọi sự sẽ tốt hơn khi Luật đấu giá sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp cuối năm nay. Những người sưu tập ở phân khúc này mới là chủ lưu của làn sóng chơi tranh. 

Thị trường sôi động không chỉ ở các phiên đấu giá mà còn ở các triển lãm. Người Việt trẻ chơi tranh Việt là một "màu mới" nữa của bức tranh mỹ thuật Việt Nam hiện nay. Phần lớn tác phẩm họ chọn đều là của những nghệ sĩ trẻ chưa có tên tuổi, phong cách hiện đại, không dễ xem. Điều đó thật đáng trân trọng.

Khoảng 30 cuộc triển lãm từ đầu năm đến nay ở TP.HCM và Hà Nội, không có cuộc triển lãm nào không có tranh được bán và có đến 90% số tranh bán được là do người Việt mua. Có nhiều nhà sưu tầm trẻ, không hẳn là doanh nhân. Trong đó có cả các nghệ sĩ tên tuổi: Tùng Dương, Thanh Lam, Trịnh Vĩnh Trinh, Đức Trí, Huy Tuấn, Phạm Hoàng Nam...

Khách hàng tiềm năng của hội họa Việt?

Sự sôi động của thị trường mỹ thuật Việt Nam biểu hiện qua các buổi đấu giá, các triển lãm tranh liên tục diễn ra, các phòng trưng bày kín lịch. Đặc biệt là sự quan tâm của các doanh nghiệp tư nhân với mỹ thuật Việt. 

Trung tâm nghệ thuật đương đại VCCA thuộc Vingroup thường xuyên tổ chức những triển lãm phi lợi nhuận. Công ty đấu giá bất động sản Lạc Việt mở thêm một công ty con chuyên về đấu giá nghệ thuật. Ana Mandara Đalat mở những triển lãm định kỳ 3 tháng một lần...

Cách thức tổ chức triển lãm hiện nay cũng không giống thời kỳ trước. Mỗi triển lãm thường kèm theo một workshop hoặc kết hợp là một buổi trò chuyện với người xem tranh về một vấn đề gì đó. 

Ví dụ như về tranh in khắc, về điêu khắc động, về kỹ thuật sơn mài truyền thống... Những người mới quan tâm đến mỹ thuật rất cần những kiến thức đó. Họ là khách hàng tiềm năng của mỹ thuật Việt. Omega Book cùng Nhà xuất bản Dân Trí đang thực hiện một dự án dài hơi, đưa ra thị trường những ấn phẩm đẹp của các họa sĩ lừng danh trên thế giới: Van Gogh, Leonardo Da Vinci, Michelangelo... 

Các nhà xuất bản khác cũng có nhiều đầu sách về các dòng tranh dân gian, tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng, tranh thờ... Đó là những kiến thức nền, cần cho những người sưu tầm trẻ.

Sau 40, 50 năm nữa thì ai sẽ là khách hàng của hội họa Việt Nam? Gần đây không chỉ là những trường quốc tế mà những trường tiểu học tư đều đã không còn coi học vẽ, thủ công là những môn phụ. Để có một tâm hồn đẹp, có đạo thì phải giáo dục từ nhỏ. 

Chỉ vậy mới hy vọng sau này người Việt không bị "mù họa". Đó cũng là xu hướng của thế giới ngày nay. Bức tranh chân dung đời sống mỹ thuật Việt Nam hôm nay được vẽ bằng một tông màu sáng, tươi mới. 

Từ sự hồi hương của những tác phẩm các họa sĩ thế hệ Trường Mỹ thuật Đông Dương, trong đó có nhiều tác phẩm đã vượt mốc giá triệu đôla Mỹ, cho đến làn sóng những người Việt trẻ sưu tầm tranh và câu chuyện giáo dục kiến thức hội họa qua các buổi tọa đàm, qua các xuất bản phẩm, qua các workshop... 

Những điều đó rất mới và khác với giai đoạn cách đây 20 năm. Cộng đồng yêu nghệ thuật có quyền hy vọng.

Theo Lê Thiết Cương ‘về Bến lạ’ Đặng Đình Hưng Theo Lê Thiết Cương ‘về Bến lạ’ Đặng Đình Hưng

TTO - Những bức tranh tối giản đầy chất thơ và tính biểu tượng của Lê Thiết Cương sẽ đưa người xem ‘về Bến lạ’ của Đặng Đình Hưng để một lần được gặp những alfa, mêga, một nắm hột khuya rắc vào bến lạ, cùi zìa ký ức, ngọn đèn quên chào đón.

HỌA SĨ LÊ THIẾT CƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên