07/09/2022 16:03 GMT+7

TP.HCM hướng ra biển: Những thí điểm từ Nhà Bè

PHAN CHÁNH DƯỠNG
PHAN CHÁNH DƯỠNG

TTO - Mới đây mà đã 14 năm, ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) đã không còn họp với anh em nhóm Thứ Sáu. Từ ngày ông về cõi vĩnh hằng (11-6-2008), nhóm Thứ Sáu cũng phải chia tay nhiều người.

TP.HCM hướng ra biển: Những thí điểm từ Nhà Bè - Ảnh 1.

Khu Nam Sài Gòn thuộc quận 7, huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh (TP.HCM) đang hình thành, phát triển mạnh mẽ với nhiều công trình hiện đại - Ảnh: TỰ TRUNG

 Mở đầu là anh Trần Bá Tước, rồi Lâm Võ Hoàng, Đỗ Hải Minh. Mới tháng 6-2022 tia nắng “tà dương” Huỳnh Bửu Sơn vừa vụt tắt, sang tháng 7 anh Trần Quý Hỉ cũng từ giã cõi đời... Quy luật sinh tử của trời đất là thế.

Ngày đưa anh Hỉ, anh em còn lại trong nhóm Thứ Sáu chẳng ai buồn nữa, mà chỉ kể chuyện vui thời trước, thời còn họp với ông Sáu Dân. Đó là thời đáng nhớ nhất của anh

Vùng đất này đầy tiềm năng mà người dân vẫn thiếu việc làm, thu nhập thấp, chăm sóc sức khỏe kém, giáo dục hạn chế, là thành phố mà tiêu chuẩn sống của nông thôn... Đó là thách thức nhưng cũng là mảnh đất rộng cho những người làm quản lý, quy hoạch, khoa học. TP.HCM phải phát triển hết tiềm năng...”.

Võ Văn Kiệt

“Nào, bay đi khảo sát ngay”

Năm nay vừa tròn 100 năm ngày sinh của ông Sáu Dân (sinh ngày 23-11-1922), ắt sẽ có nhiều người nhớ đến và tổ chức ngày kỷ niệm. 

Đối với tôi, hằng ngày còn đến làm việc tại quỹ từ thiện Đinh Thiện Lý (tên Việt của ông Lawrence S. Ting) và Trường đại học Fulbright, xe qua cầu Tân Thuận nhìn về tay trái là Khu chế xuất Tân Thuận, quẹo qua tay mặt là đại lộ Nguyễn Văn Linh thênh thang dẫn vào khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, quận 7. Tôi thấy hình bóng của ông Sáu Dân.

Hồi ấy nghe chúng tôi trình bày về ý tưởng phát triển xây dựng Khu công nghiệp Hiệp Phước và nạo vét sông Soài Rạp để có thể đưa tàu 50.000 tấn vào ngã sông Soài Rạp, đến Hiệp Phước xây dựng cảng biển theo ý tưởng phát triển TP.HCM hướng ra Biển Đông, ông đã cho tổ chức ngay một cuộc khảo sát bằng máy bay trực thăng toàn vùng Nhà Bè dọc sông Soài Rạp ra Biển Đông, khi trở về đáp xuống Khu chế xuất Tân Thuận xem sự chuẩn bị xây dựng đường Bắc Nhà Bè Nam Bình Chánh (nay là đại lộ Nguyễn Văn Linh). 

Qua chuyến khảo sát thực địa đó, quy hoạch của TP.HCM trước đây là vượt sông Sài Gòn phát triển qua Thủ Thiêm theo hướng đông bắc, nay mở thêm ý tưởng xuôi dòng sông Sài Gòn, sông Nhà Bè, sông Soài Rạp ra Biển Đông (theo hướng đông nam). 

Từ đó một loạt đề án mới được triển khai như Khu công nghiệp Hiệp Phước, Nhà máy điện Hiệp Phước, nạo vét sông Soài Rạp, xây dựng cảng nước sâu Hiệp Phước, tiếp theo đó là khu đô thị Hiệp Phước, Khu công nghiệp Long Hậu như chúng ta đã biết.

Ngày nay nhìn lại những ngày đầu khó khăn của thời bao cấp, với tư cách là bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Võ Văn Kiệt đã mạnh dạn sáng tạo, dám nghĩ dám làm, tìm mọi khả năng để người dân thành phố có gạo ăn, công nghiệp thành phố có vật tư nguyên liệu để sản xuất, thiết lập lại mối quan hệ sản xuất và tiêu dùng giữa nông nghiệp nông thôn và công nghiệp thành thị, tạo tiền đề cơ sở vật chất và kinh nghiệm thực tiễn cho chủ trương đổi mới tư duy quản lý kinh tế của lãnh đạo Đảng và Nhà nước năm 1986.

Khi đảm nhiệm phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và sau đó là thủ tướng, ông đã cho TP.HCM làm thí điểm xây dựng Khu chế xuất Tân Thuận, từ đó mở ra hàng loạt đề án mới tại vùng Nhà Bè. Đối với người dân vùng Nhà Bè, cán bộ thành phố thời đó, nhất là những người có cơ hội tham gia các đề án phát triển thành phố ra Biển Đông như tôi, hằng ngày đến đây như thấy hình bóng của ông còn đâu đây.

TP.HCM hướng ra biển: Những thí điểm từ Nhà Bè - Ảnh 3.

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt - Ảnh: NGUYỄN CÔNG THÀNH

Không quên một ai

Đến năm 2001, nghỉ hưu ở tuổi 78, nhưng ông Sáu Dân nào có nghỉ ngơi. Ông mời anh em nhóm Thứ Sáu lên văn phòng để bàn về phát triển Đồng bằng sông Cửu Long, rồi tổ chức một chuyến tham quan khảo sát dọc tuyến đường phía tây Trường Sơn với tên gọi “đoàn cán bộ hưu trí tham quan các tỉnh Tây Nguyên”. 

Những năm sau, ông lại quan tâm đến anh em Việt kiều ở các nước, nhất là đối với thế hệ sau đó.

Ấn tượng nhất đối với tôi là sau năm 2004, tôi được lãnh đạo thành phố cho phép đi Mỹ nghiên cứu kinh tế - xã hội một năm với tư cách là học giả Việt Nam. Với thời gian dài như vậy nên mọi công việc ở Khu chế xuất Tân Thuận, cũng như của Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) đều có người thay tôi điều hành. 

Lúc bấy giờ tôi đã kiêm nhiệm thêm việc giảng viên kinh tế thực tiễn (về quy hoạch phát triển và tiếp thị địa phương, thu hút đầu tư) của chương trình đào tạo Fulbright Việt Nam được 3 năm, nên nội dung nghiên cứu thiên về giáo dục hơn. Khi về thành phố gặp lại anh em trong nhóm Thứ Sáu, tôi được biết ông Sáu thường bàn về giáo dục, nhất là “vùng trũng giáo dục” Đồng bằng sông Cửu Long.

Ngoài cuộc gặp thường lệ với cả nhóm, ông còn gọi tôi đến nhà riêng hỏi thăm những thu hoạch từ chuyến nghiên cứu, rồi tình hình đồng bào Việt kiều, việc học hành của con em người Việt, nhất là việc học tiếng Việt của các con cháu người Việt thế hệ sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Ông không quên một cộng đồng nào có tên gọi gắn với chữ Việt Nam.

Hôm đó khoảng 11h30, đến bữa cơm trưa, chúng tôi cùng ăn và tiếp tục trò chuyện. Ông chợt hỏi tôi có về đảo Hải Nam (Trung Quốc) lần nào chưa, tôi thành thật kể đã về ba lần, lần cuối vào năm 1998 có đưa mẹ ruột về. 

Bà theo chồng sang Việt Nam sinh sống đã 60 năm. Khi ba tôi mất sớm, bà không bao giờ rời khỏi xóm Rạch Ruộng (Cà Mau) quê hương thứ hai của bà. Tôi có dịp đi đường bộ quanh đảo Hải Nam một lần, ghé vào thành phố Tam Á, vịnh Nha Long có 2 cục đá to khắc 4 chữ “Góc bể, Chân trời”. 

Đi qua phía tây của đảo thấy các thiếu nữ mặc thường phục sang trọng theo thời hiện đại nhưng đầu đội nón lá. Ông Sáu bảo năm 1951, ông đi công tác đến đảo Hải Nam chỉ có mấy ngày nên chưa kịp tìm hiểu sâu. 

Rồi ông kể thêm: có lần cùng đoàn công tác vượt Trường Sơn đoạn Quảng Nam - Đà Nẵng, đến chân núi gặp tiệm tạp hóa của một người Hoa. Họ bán những thứ bộ đội cần dùng như đá lửa, vải mưa, đường, muối, nước mắm và mua lại những gì bộ đội có thừa như lương khô, đồ hộp. 

Sau đó đoàn mất nửa ngày theo đường tắt leo lên lưng chừng núi để vượt sang một trái núi khác thì gặp một tiệm tạp hóa khác, lại một ông người Hoa và một bà vợ người dân tộc thiểu số, cũng lại bán và mua hàng tiêu dùng. Có anh bộ đội mua lại một số vật dụng nặng đã bán dưới chân núi. 

Người Hoa thật dễ thích nghi với hoàn cảnh ở mọi nơi. Tôi nghe đến đây thầm nghĩ trong gia phả nhà mình cứ năm ba đời lại có một ông mất tích khi đi đánh bắt xa bờ, có thể lưu lạc lên núi đó không?

Cuộc trò chuyện đời thường với ông và những câu chuyện cũng rất đời thường về người Hoa mưu sinh ở Việt Nam thật sự làm tôi rất xúc động, như người trôi sông bám được một cành cây từ cây cổ thụ to trên bờ nghiêng xuống dòng chảy rồi nhờ đó mà lên bờ. 

Vận mệnh của một con người thật kỳ diệu, đối với người khác có lẽ chỉ là chuyện vụn vặt, nhưng đối với tôi là ký ức thật trân quý, giữ kỹ trong lòng hiếm khi kể ra.

VVK khao sat-1

Đoàn khảo sát Nhà Bè - Cần Giờ bằng trực thăng khảo sát năm 1998. Từ trái sang: Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh, Tổng giám đốc Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận Phan Chánh Dưỡng - Ảnh tư liệu

Nghe chúng tôi trình bày về ý tưởng phát triển xây dựng Khu công nghiệp Hiệp Phước và nạo vét sông Soài Rạp để có thể đưa tàu 50.000 tấn vào ngã sông Soài Rạp, đến Hiệp Phước xây dựng cảng biển theo ý tưởng phát triển TP.HCM hướng ra Biển Đông, ông Sáu Dân đã cho tổ chức ngay một cuộc khảo sát bằng máy bay trực thăng toàn vùng Nhà Bè dọc sông Soài Rạp ra Biển Đông, khi trở về đáp xuống Khu chế xuất Tân Thuận xem sự chuẩn bị xây dựng đường Bắc Nhà Bè Nam Bình Chánh (nay là đại lộ Nguyễn Văn Linh).

298017299_728697748225317_2241546006736299938_n

Ông Võ Viết Thanh (cựu chủ tịch TP.HCM):

Lắng nghe

Ai cũng biết ông Sáu Dân (Võ Văn Kiệt) luôn hồ hởi với những cái mới, nhưng ông cũng rất biết lắng nghe. Khi khu đô thị Nam Sài Gòn (sau này đặt tên chính thức là Phú Mỹ Hưng) đang hình thành, ông đã rất hào hứng với ý tưởng từ cơ sở của đô thị này, Khu chế xuất Tân Thuận mà TP.HCM sẽ phát triển về phía Biển Đông. Ông lập tức bảo tôi: “Cậu xuống Kiên Giang xem người ta lấn biển”.

Tôi tổ chức một cuộc khảo sát bằng trực thăng từ Sài Gòn ra Cần Giờ, lượn trên khu rừng đước mà chúng tôi đã huy động Lực lượng Thanh niên xung phong trồng suốt mấy năm đang lên xanh tốt. Ông mê mẩn ngay với khu rừng sau đó được công nhận là rừng sinh quyển thế giới.

Bay trên Nhà Bè, Cần Giờ, chúng tôi đều thấy rõ quỹ đất chưa được khai thác của hai vùng này còn rất lớn. Tôi nói: “Anh Sáu xem, có khi mấy chục năm nữa chúng ta vẫn chưa khai thác hiệu quả được hết vùng đất này.

Còn việc lấn biển, trước hết phải khảo sát địa chất, thử ảnh hưởng đến dòng chảy sông Soài Rạp, các dòng hải lưu, sức chống chịu của nền đất nữa.

Khi nào trong bờ đã trở thành đô thị sông biển được quy hoạch thật hiệu quả, khi ấy chúng ta mới có đủ khả năng kỹ thuật để xử lý các vấn đề địa lý địa chất để có thể lấn biển mà vẫn giữ gìn được khu rừng sinh quyển, môi trường ven bờ”.

Ông đồng ý và rất mong khu Nam Sài Gòn sẽ sớm trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, thức 24/24, đóng góp tích cực vào sự phát triển TP.HCM, thay đổi đời sống người dân vùng đầm lầy chua mặn.

TP.HCM hướng ra biển: Từ đô thị ven sông đến kinh tế hướng biển TP.HCM hướng ra biển: Từ đô thị ven sông đến kinh tế hướng biển

TTO - Là một quốc gia có cội nguồn đậm chất bán đảo, một bên là biển khơi, một bên là núi dựng, công cuộc mở cõi vừa men theo đường bộ vừa trôi cùng dòng chảy để khai phá vùng đất phương Nam sông nước, hướng biển dường như là một lựa chọn tất yếu.

PHAN CHÁNH DƯỠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên