03/09/2022 10:07 GMT+7

TP.HCM hướng ra biển: Từ đô thị ven sông đến kinh tế hướng biển

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (ĐH Quốc gia TP.HCM)
TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (ĐH Quốc gia TP.HCM)

TTO - Là một quốc gia có cội nguồn đậm chất bán đảo, một bên là biển khơi, một bên là núi dựng, công cuộc mở cõi vừa men theo đường bộ vừa trôi cùng dòng chảy để khai phá vùng đất phương Nam sông nước, hướng biển dường như là một lựa chọn tất yếu.

TP.HCM hướng ra biển: Từ đô thị ven sông đến kinh tế hướng biển - Ảnh 1.

Mũi Đèn Đỏ không chỉ là ngã ba sông rẽ về Sài Gòn - Gia Định, mà còn là ngã ba Sài Gòn ra Biển Đông - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vì vậy, trong vùng ký ức văn hóa khởi nguồn ấy, cộng với những giao thoa, tiếp nhận, kể cả thuần hóa các tầng thức văn minh - văn hóa trên hành trình Nam tiến, Sài Gòn - Gia Định đã tích tụ trong nó một cảm thức sông nước để rốt cùng, hội tụ thành một đô thị ven sông - hướng biển Sài Gòn - TP.HCM trong suốt hơn 300 năm qua.

Đô thị ven sông

44 năm, kể từ ngày 29-12-1978, khi huyện Duyên Hải của tỉnh Đồng Nai được sáp nhập và trở thành huyện Cần Giờ của TP.HCM ngày nay, tính biển hay nói rõ hơn là thành tố của một đô thị biển đã được xác lập rõ hơn, với tiềm năng, dự phóng xa hơn, mạnh mẽ hơn trong chiến lược phát triển của TP.HCM.

Một mặt nó phá vỡ những giới hạn của sự phát triển trong đất liền - nội đô thành phố khi hầu hết cơ sở sản xuất công nghiệp, xuất khẩu và đô thị của TP.HCM đều nằm sâu trong đất liền, thiếu không gian kết nối, đường dẫn với hệ thống vận tải hàng hải và xuất khẩu quốc tế. 

Mặt khác nó khai phóng ưu thế sông nước vốn đã được tích lũy nhiều mặt trong nhiều giai đoạn phát triển, tạo thành động lực cho một trong hai hướng phát triển chính của quy hoạch xây dựng TP.HCM là trở thành đô thị biển - kinh tế biển.

Trong xu hướng chuyển dịch trọng tâm của một đô thị ven sông - hướng biển thì vùng mở rộng khu Nam bao gồm quận 7 - Nhà Bè - Cần Giờ sẽ là một lựa chọn hài hòa, vừa có tính kế thừa vừa mang tầm viễn kiến; vừa đảm bảo tính bảo tồn - tự nhiên vừa có động lực phát triển - hội nhập các kết cấu, giá trị văn hóa - kinh tế - xã hội đã tích tụ.

Dưới góc nhìn về "cụm ngành kinh tế" (economic cluster) hoặc cụm ngành khu vực (regional cluster), vùng mở rộng khu Nam có đầy đủ các động lực và dư địa phát triển của cả huyện Nhà Bè và quận 7. 

Đến hôm nay kinh tế quận 7 đã chuyển hóa gần như hoàn toàn theo hướng phi nông nghiệp, với tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 16,5% trong giai đoạn 2015-2020. 

TP.HCM hướng ra biển: Từ đô thị ven sông đến kinh tế hướng biển - Ảnh 2.

Tốc độ đô thị hóa ở Nhà Bè đang rất cao - Ảnh: TỰ TRUNG

Quận 7 có hệ thống cơ sở công nghiệp, thương mại - dịch vụ và khu đô thị mới hàng đầu cả nước, cùng cộng đồng doanh nghiệp năng động với hơn 10.000 doanh nghiệp đạt doanh thu 416.000 tỉ đồng (chiếm 7% của TP.HCM).

Hệ thống khu chế xuất, bến cảng, vận tải, kho bãi… hoạt động hiệu quả và mạng lưới sản xuất được hỗ trợ rất lớn từ vị trí nằm ở cửa ngõ khu vực nội đô của TP.HCM và hạ tầng giao thông hoàn chỉnh cùng 2 trục đường chính là đường Nguyễn Văn Linh và Huỳnh Tấn Phát, kết nối thuận lợi với các khu trọng điểm phát triển của thành phố. 

Từ quận 7, các công trình hạ tầng như cầu Phú Mỹ, Kênh Tẻ, Tân Thuận và các dự án hệ thống trục đường giao thông ngoại vi đang được triển khai nhằm đảm bảo kết nối với nhiều quận, huyện và tỉnh thành lân cận.

Trục dẫn đường thủy - bộ

Dưới góc nhìn địa - kinh tế, trục "dẫn đường" Cần Giờ - Nhà Bè - quận 7 sẽ là trọng tâm của khu vực kinh tế biển và đô thị du lịch sinh thái phía Nam TP.HCM, kết nối với Long An và Đồng bằng sông Cửu Long thông qua các trục đường bộ, kết nối với Đồng Nai và các tỉnh Đông Nam Bộ qua hành lang sông Soài Rạp - rạch Bến Nghé - sông Đồng Nai.

Từ đường bộ, đường Nguyễn Hữu Thọ (quận 7 - Nhà Bè) đang được thành phố đầu tư mở rộng kết nối thông suốt từ trung tâm thành phố đến cụm cảng biển - khu công nghiệp lớn nhất TP.HCM với các cụm cảng nằm dọc sông Soài Rạp gồm cảng container quốc tế SPCT; Tân Cảng - Hiệp Phước; cảng quốc tế Long An và Khu công nghiệp Hiệp Phước. 

Từ Nhà Bè - quận 7 có thể kết nối với tỉnh Long An để đi khắp vùng Nam Bộ với dự án đường Long Hậu (Nhà Bè) - ĐT826E (huyện Cần Giuộc - Long An), đường Lê Văn Lương (Nhà Bè) - ĐT826C (Cần Giuộc) và cảng Hiệp Phước sẽ là cửa ra biển cho Long An. 

Từ đường sông, Nhà Bè chính là cửa ngõ giao thông đường thủy của quận 7 và TP.HCM qua hệ thống sông Soài Rạp - rạch Bến Nghé ra tới biển Cần Giờ. Sắp tới, Nhà Bè tiếp tục triển khai những công trình trọng điểm kết nối liên vùng như: cao tốc Bến Lức - Long Thành; cầu Cần Giờ kết nối Nhà Bè, Cần Giờ với các tỉnh miền Đông, Tây Nam Bộ…

Trên nền tảng của các khu công nghiệp - cảng và đô thị thương mại - dịch vụ của vùng mở rộng khu Nam, Cần Giờ có thể phát triển theo định hướng trung tâm kinh tế hàng hải và đô thị dịch vụ du lịch. 

Trong đó trung tâm kinh tế hàng hải Cần Giờ sẽ phát triển theo mô hình khu mậu dịch tự do với trung tâm cảng biển nước sâu, trung tâm logistics và trung tâm dịch vụ hỗ trợ để bù đắp điểm yếu và nâng tầm cho mạng lưới sản xuất công nghiệp - xuất khẩu của TP.HCM. 

TP.HCM hướng ra biển: Từ đô thị ven sông đến kinh tế hướng biển - Ảnh 3.

Cảng Hiệp Phước tương lai sẽ là cảng nước sâu của thành phố - Ảnh: TỰ TRUNG

Song song đó đô thị dịch vụ du lịch Cần Giờ sẽ dựa trên nền tảng của khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và phát triển dịch vụ - thương mại - du lịch từ lõi đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) dọc theo hệ thống sông Sài Gòn - Soài Rạp - Lòng Tàu ra tới biển.

Để hiện thực hóa những khởi động và hướng phát triển nói trên, cần chú trọng ưu tiên đặt trục "dẫn đường" Cần Giờ - Nhà Bè - quận 7 vào bức tranh phát triển và liên kết vùng. Cần tập trung triển khai các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, mang tính liên kết vùng, cả về đường bộ lẫn đường thủy.

Về đường bộ thì đảm bảo hoàn thiện đúng tiến độ các dự án trọng điểm như: cầu Cần Giờ, tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành chạy qua Cần Giờ, đường cao tốc liên vùng phía Nam và các tuyến đường nối đường Lương Văn Nho với đường Duyên Hải…

Hệ thống giao thông và du lịch đường sông cần được ưu tiên phát triển theo trục đường sông Soài Rạp - rạch Bến Nghé, bắt đầu từ khu công viên Bến Bạch Đằng - Nhà Bè - quận 7 để xây dựng hành lang hàng hải cho mạng lưới sản xuất - xuất khẩu kết nối Khu chế xuất Tân Thuận - Khu công nghiệp Hiệp Phước - cảng Hiệp Phước tiếp cận các tuyến hàng hải quốc tế; tạo động lực phát triển giao thông đường thủy với vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, thúc đẩy quá trình phát triển du lịch và đô thị sinh thái ven sông từ lõi đô thị Phú Mỹ Hưng của quận 7 kéo dài tới Cần Giờ.

Cuối cùng, cảng trung chuyển Cần Giờ sẽ phát triển trở thành cửa ngõ cho hàng hóa của vùng mở rộng khu Nam và TP.HCM để tiếp cận các tuyến hàng hải quốc tế.

TP.HCM hướng ra biển: Từ đô thị ven sông đến kinh tế hướng biển - Ảnh 4.

Cuộc sống ở thị trấn Cần Thạnh - Cần Giờ ngày một sôi động - Ảnh: TỰ TRUNG

Là đô thị ven sông, không gì thuận lợi hơn khi được thiên nhiên ban tặng cho dải sông Sài Gòn với hệ bờ kết nối từ giao thông thủy - bộ lẫn các điều kiện quần tụ, phát triển tất yếu đi cùng trong vùng tứ giác TP.HCM - Tây Ninh - Bình Dương - Đồng Nai.

Tính từ Mũi Đèn Đỏ (quận 7 - Nhà Bè), "Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về", đã hình thành một chuỗi khu công nghiệp - cảng và khu đô thị dọc sông từ 30 năm qua tại khu Nam như đô thị Phú Mỹ Hưng, Khu chế xuất Tân Thuận, Khu công nghiệp - cảng Hiệp Phước…

Đó chính là tầm nhìn từ rất sớm, là bước chuẩn bị nội lực cho TP.HCM tiếp cận kinh tế biển, phát triển đô thị biển.

Đô thị thông minh sinh thái khu Nam

Tích hợp các lợi thế về quỹ đất ven sông và hành lang đường thủy, quận 7 - Nhà Bè - Cần Giờ còn có khả năng phát triển mô hình đô thị thông minh sinh thái dựa trên vành đai sông hướng biển.

Điều này sẽ tạo ra nhu cầu và lợi thế khai thác quỹ đất dọc theo các tuyến sông, rạch, kết hợp với du lịch thủy, phát triển các tuyến giao thông thủy kết nối từ bến Bạch Đằng đến Cần Giờ và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ.

Nhà Bè, Cần Giờ đã sẵn lợi thế "bản sắc xanh" với những mảng xanh lớn ven sông. Phát triển đô thị thông minh sinh thái cũng sẽ giúp TP.HCM và khu Nam đảm bảo khả năng thích ứng bền vững với biến đổi khí hậu.

Phú Mỹ Hưng sẽ vẫn phải tiếp tục giữ vai trò làm "lõi" của khu Nam Sài Gòn. Ba lĩnh vực chủ chốt của đô thị thông minh sinh thái quận 7 - Nhà Bè và mở rộng ra Cần Giờ sẽ bao gồm: đô thị y tế - giáo dục sinh thái ven sông; đô thị thương mại - dịch vụ thông minh; đô thị sản xuất - cảng biển thông minh.

Tất cả sẽ được phát triển dựa trên hệ thống sông - kênh - rạch khu Nam cùng những quỹ đất sạch, mảng xanh ven sông, mạng lưới khu công nghiệp và cảng biển.

TP.HCM cần bỏ định hướng phát triển dựa vào đất, tương lai hướng ra biển TP.HCM cần bỏ định hướng phát triển dựa vào đất, tương lai hướng ra biển

TTO - Nhiều chuyên gia, nhà quản ý, nhà khoa học cho rằng tương lai của TP.HCM là nền kinh tế hướng ra biển tại hội thảo 'TP.HCM - Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế' do Ban Kinh tế trung ương và UBND TP.HCM đồng tổ chức ngày 30-3.

TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ (ĐH Quốc gia TP.HCM)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên