Cảnh chen lấn, xô đẩy, giành lộc tre tại lễ hội đền Sóc - Video: NAM TRẦN
Sáng nay 30-1 (tức mùng 6), hàng ngàn người dân cùng du khách thập phương trẩy hội đền Sóc (hội Gióng) tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.
Hội Gióng chính thức khai hội, kéo dài từ nay đến hết mùng 8 âm lịch, là một trong những lễ hội lớn của Hà Nội, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ngay từ sáng sớm, người dân Phù Linh rước 8 lễ vật truyền thống của các thôn làng gồm giò hoa tre, ngựa sắt, voi chiến, trầu cau, ngà voi, cỏ voi, kiệu tướng, cầu húc về khu di tích.
Để đảm bảo an ninh lễ hội, ban tổ chức bảo vệ nghiêm ngặt lễ vật giò hoa tre tránh tình trạng cướp lộc như mọi năm. Lực lượng an ninh, đoàn viên thanh niên dàn thành hàng cầm tre tạo "hàng rào bảo vệ" các lễ vật cũng như kiệu "tướng Bà".
Tuy nhiên, ngay sau khi kết thúc phần lễ, hàng ngàn người dân đổ xô đến cửa cung đền Thượng để xin tán lộc. Những người này một tay đưa tiền lễ, một tay xin tán lộc, chen lấn, xô đẩy ngay ở khu vực linh thiêng.
Ông Nguyễn Nam Nho, giám đốc Trung tâm quản lý khu du lịch - di tích đền Sóc Sơn, cho biết ban tổ chức dự tính đến trưa mới phát hoa tre, tuy nhiên "vì linh thiêng" nên du khách không chịu đi mà cứ đứng ở cửa cung. Do đó, ban tổ chức quyết định phát ngay sau lễ, cùng với đó mang lộc về các thôn làng để phát cho người dân.
"Câu chuyện linh thiêng nên phải chia sẻ, kể cả không phát lộc hoa tre nhưng với lượng khách như thế này chen lấn, xô đẩy, rơi đổ là bình thường, cho nên nói phát hoa tre mà rơi đổ là không hẳn", ông Nho khẳng định "do đông đúc, chật chội chứ không phải chen lấn, xô đẩy".
Đại diện ban tổ chức cũng cho biết năm nay dự kiến có 10.000 lộc giò hoa tre để tán lộc cho du khách đến lễ tại đền.
Kiệu tướng Bà - Ảnh: NAM TRẦN
Kiệu tướng Bà cũng được bảo vệ nghiêm ngặt. Năm nay tướng Bà được chọn là bé Nguyễn Hà Vy, 10 tuổi, thôn Yên Tàng. Trong kiệu, tướng Bà chỉ vẫy tay chào và mỉm cười với dân làng, không được phép trò chuyện để đảm bảo linh thiêng.
Dân làng phấn khởi chia sẻ "bà Tướng" năm nay có ngoại hình sáng, khi tướng cười có má lúm rất duyên.
Chị Nguyễn Thị Hà (34 tuổi, mẹ của "bà Tướng) cho biết từ lúc con ngồi trên kiệu, tất cả người dân trong xã đều phải gọi con là "bà Tướng".
"Điều kiện là nội ngoại hai bên đầy đủ, gia đình có nề nếp và bản thân "bà Tướng" phải có ngoại hình sáng, học giỏi. Từ lúc biết mình được chọn, con rất vui và tự hào, hứa sẽ cố gắng phấn đấu, học giỏi hơn nữa", mẹ của "bà Tướng" chia sẻ.
Khoảng 7h các nghi lễ rước lễ hội đền Sóc được tiến hành - Ảnh: NAM TRẦN
Lộc hoa tre được rước từ đền Thượng xuống đền Hạ - Ảnh: NAM TRẦN
Kiệu tướng, ngựa, voi cũng được rước xuống đền Hạ sau khi cúng tiến phía trên đền Thượng - Ảnh: NAM TRẦN
Lộc cơm nắm, cà muối được chuẩn bị phát cho những người rước kiệu và người dân tại lễ hội - Ảnh: NAM TRẦN
Người dân chen lấn tranh lộc trầu cau sau khi được lễ tạ ở đền Mẫu - Ảnh: NAM TRẦN
Như các năm gần đây, sau khi các nghi thức rước lễ được tiến hành xong, lộc hoa tre không được mang ra cướp mà được phát cho người dân phía trong đền Thượng - Ảnh: NAM TRẦN
Cảnh nhốn nháo, chen lấn xô đẩy cúng bái, xin lộc phía bên trong đền Thượng - Ảnh: NAM TRẦN
Tiền lẻ được rải khắp các ban thờ cúng của đền mặc dù đã có hòm công đức ngay cạnh đó - Ảnh: NAM TRẦN
Hàng nghìn người tham gia lễ hội đền Sóc trong buổi sáng 30-1 - Ảnh: NAM TRẦN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận