Giải pháp đi du lịch trốn tết như bạn Từ Linh Hương trong tâm sự Tết này xin đừng hỏi khi nào lấy chồng hay Nguyễn Hải Đăng trong bài Hạnh phúc đâu cứ phải là chồng vợ, gay thì đã sao? vẫn đang gây nên những tranh luận trái chiều, nhất là ý kiến phản đối việc quyết xa cách gia đình chỉ vì bị hỏi chuyện cưới xin.
Phải xử lý thế nào cho vẹn toàn trước câu hỏi ấy để không làm tổn thương chính mình và cả người khác? Làm sao để ngày tết của những người độc thân không vấn vương một nỗi buồn chỉ vì một câu hỏi? Dẫu biết câu hỏi ấy xuất phát từ sự quan tâm, sốt ruột, song nên chăng cũng cần chút khéo léo khi hỏi. Giới hạn nào cho sự quan tâm và tôn trọng riêng tư?
Tuổi Trẻ Online mời bạn đọc theo dõi các ý kiến sau và tiếp tục chia sẻ.
Hạnh phúc đâu cứ phải là chồng vợ, gay thì đã sao?Tết này xin đừng hỏi khi nào lấy chồng
Phóng to |
Không phải ai cũng cảm thấy thoải mái khi được hỏi câu: "Khi nào cưới?" - Ảnh minh họa: Flickr |
Không được làm tổn thương người khác
Mình rất chia sẻ với hoàn cảnh của bạn Linh Hương trong bài viết Tết này xin đừng hỏi khi nào lấy chồng. Năm nay mình cũng đã ngoài 30 tuổi, chưa lập gia đình. Mình đang làm việc tại một cơ quan Nhà nước và đang theo học nghiên cứu sinh. Trước đây độ mươi năm, khi chứng kiến nhiều anh chị lớn tuổi chưa lập gia đình, mình thấy rất kính phục bởi họ đã rất bản lĩnh, vượt qua những áp lực từ cuộc sống và dư luận để khẳng định sự lựa chọn lối sống riêng phù hợp với bản thân.
Mấy năm nay, khi chính mình cũng bắt đầu ở hoàn cảnh tương tự mới lại càng thấu cảm hơn những áp lực đó. Những dịp về quê như ngày tết chẳng hạn, là nhận được không biết bao nhiêu lời góp ý, khuyên bảo, bình luận, bàn tán, chê bai cũng có. Ác ý, châm biếm cũng có. Ba mẹ mình còn sinh sống ở quê nên bị ảnh hưởng nặng nề bởi những sự quan tâm thái quá đó. Họ luôn phải giải thích thế nọ, thế kia và mỗi lần về quê ăn tết là mình nhận được những lời phàn nàn, lo lắng quá mức. Ba mình nói, nhiều người đến chơi họ còn góp ý bảo nó học ít thôi, gia đình quan trọng hơn.
Mình từng tranh luận với cha mẹ rất nhiều về những chuyện như vậy. Mỗi người sống có kế hoạch, mục đích của riêng mình, tại sao lại cứ bị phụ thuộc và phiền não bởi hoàn cảnh bên ngoài. Điều đó không có nghĩa là không lắng nghe, học hỏi từ bên ngoài mà quan trọng là cần biết hạn chế bớt những mối quan hệ và sự giao tiếp không cần thiết.
Tất nhiên trên thực tế, con người trong xã hội mình vẫn còn bị ràng buộc bởi vô số những thứ như gia đình, họ hàng, hàng xóm, láng giềng…Nhất là ở quê, sống cạnh nhau, ngày ngày giáp mặt nhau, mình có làm một cái gì đó cũng luôn bị để ý. Mình có người bạn mấy năm nay làm ăn thua lỗ. Cậu ta không dám về quê ăn tết nữa bởi không chịu được những sự quan tâm thái quá, những chê bai, bàn tán ở quê.
Dùng từ “trốn tết” như bạn Linh Hương thì có vẻ hơi nặng nề nhưng mình quan niệm tết là dịp để tĩnh tâm nhìn lại mình, hoàn thiện mình và sáng suốt lập những kế hoạch cho năm tiếp theo. Hai năm nay mình cũng chỉ về quê ăn tết có một hôm, tranh thủ thắp hương ông bà tổ tiên, lì xì cho mấy đứa cháu, cố gắng tránh sa đà vào những bữa ăn nhậu, chúc tụng rườm rà, tránh những câu chuyện phiếm sáo rỗng, bớt tranh luận, bàn luận làm tổn thương tới người khác.
Trong cuộc sống nhiều khi ta muốn giúp đỡ, khích lệ một ai đó, nhưng do vô tâm hoặc thiếu hiểu biết, đôi khi chính những hành động, lời nói đó của chúng ta lại có tác dụng ngược lại, làm tổn thương tới người mà ta muốn giúp. Tôn trọng quyền riêng tư của mỗi cá nhân, biết quan tâm, giúp đỡ người khác một cách đúng mực, biết sử dụng những lời nói, ngôn từ lợi ích và không làm tổn thương tới người khác, theo mình, cũng là một tiêu chí của xã hội văn minh. Gửi những lời chúc yêu thương, khích lệ nhau trong dịp tết là một nét đẹp trong văn hóa giao tiếp của người Việt.
Nhưng những sự quan tâm và lời chúc tụng đó cần phải đúng người, đúng dịp, và trên hết phải xuất phát từ tấm lòng chân thành và sự hiểu biết. Tết năm nay, mình tranh thủ đi du xuân sớm cùng với bạn bè, viếng thăm các danh lam thắng cảnh của đất nước để học hỏi và mở rộng hiểu biết, tận dụng thời gian làm những việc thiết thực, lợi ích, cùng với đồng nghiệp cơ quan đi làm từ thiện, trong xã hội còn rất nhiều những hoàn cảnh khó khăn, cơ nhỡ cần trợ giúp, khích lệ mỗi khi tết về.
Xin đừng quan tâm thái quá!
Mình cũng từng gặp câu hỏi đại loại như khi nào cưới vào những ngày lễ lạt, tết nhất - nói chung là những ngày tập trung nhiều người thân, bạn bè.
Với truyền thống người Việt mình thì sự quan tâm đến ai đó nhiều khi thái quá, đối với người phương Tây thì điều đó là cấm kỵ. Với ta thì nó đã đi vào máu thịt, là thói quen không dễ gì bỏ được một sớm một chiều. Thói quen quan tâm hay hỏi han nhau về việc khi nào có gia đình cũng giống như việc hỏi bạn làm lương bao nhiêu, bạn bao nhiêu tuổi... là thể hiện sự quan tâm lẫn nhau, không hẳn là xấu nhưng sẽ làm người bị hạn chế về một mặt nào đó khó chịu.
Cho nên, việc sống chung với những câu hỏi kiểu đó là điều hiển nhiên và chúng ta phải chuẩn bị những câu trả lời sẵn để đối phó khi có ai hỏi là cần thiết. Câu trả lời phải khôn khéo, không trả lời qua loa cho xong. Vì trả lời qua loa, không chân thành làm người hỏi cảm thấy không được tôn trọng và có thể họ khó chịu vì cảm thấy mình là người xoi mói. Tóm lại, câu trả lời chân thành là câu trả lời hay nhất làm cho tất cả chúng ta đều vui và hài lòng.
Không đáng trốn tết chỉ vì một câu hỏi
Thứ nhất, người ta nói gì kệ người ta, cuộc sống của mình ai mà lo dùm được. Họ hỏi vì tính tò mò thôi. Có áp lực thế này thôi mà phải trốn tết thì không đáng, không làm việc lớn được.
Thứ hai, bạn Linh Hương trong bài viết Tết này xin đừng hỏi khi nào lấy chồng còn ham vui, chưa muốn lập gia đình là do chưa đến lúc. Nói cách khác bạn tuy lớn tuổi nhưng về mặt tinh thần, suy nghĩ thì chưa lớn. Bạn cứ tiếp tục đi nhiều hơn, trải nghiệm nhiều hơn. Cứ thoải mái. Một lúc nào đó bạn sẽ thấy cần một mái ấm, một bờ vai an ủi khi ba mẹ không còn nữa, cần tiếng cười trẻ con sau một ngày nghe sếp chửi... Hoặc đơn giản trúng gió mà không có bạn bè người thân bên cạnh, khi đó tự nhiên bạn sẽ lập gia đình.
Có muộn nhưng chắc chắn bạn sẽ hạnh phúc! Nên bản lĩnh hơn, đừng trốn gia đình, ở nhà ăn tết với ba mẹ nhé!
Cần tộn trọng sự riêng tư
Đây là trường hợp của tôi: Chưa có chồng thì bị hỏi khi nào có chồng? Khi đính hôn rồi thì bị hỏi khi nào đám cưới? Cưới rồi thì bị hỏi khi nào có con! Thất nghiệp thì bị hỏi khi nào có việc làm? Có việc làm thì bị hỏi là lương bao nhiêu? Chức gì? Khi nào lên chức?... Thật mệt mỏi!
Tôi nghĩ người Việt Nam cần nên học văn hóa tôn trọng những vấn đề riêng tư như hôn nhân, con cái, lương bổng thu nhâp...
Tham việc để tuổi xuân trôi mất
Lúc nào về quê hay gặp người quen, bạn bè, tôi cũng đều nhận được câu hỏi "Khi nào cưới?". Nhưng công việc của bạn Từ Linh Hương còn được đi đây đi đó, còn mình thì không. Bạn còn sướng hơn mình nhiều đấy. Tham công tiếc việc, rồi tuổi xuân đi qua lúc nào không hay!
Dùng công việc để né câu hỏi khi nào cưới
Tôi cũng gần cái tuổi băm mà chưa lập gia đình. Ở cái tuổi này thì tinh thần đôi lúc cũng mệt thật. Và mình thấy một điều rằng phải tự cân bằng bản thân để không làm cho mọi người hỏi thăm mình chuyện này khiến mình mệt đầu óc.
Mỗi người có một cách trốn tránh để không bị hỏi câu khi nào cưới. Đó cũng chính là nguyên nhân vì sao mình vẫn cứ muốn làm trực tổng đài vì đó là cái nghề mà tết cũng trực bình thường, chỉ được nghỉ có hai ngày tết. Hai ngày là đủ để thăm hỏi bên nội, ngoại, hàng xóm, bạn bè rồi.
Bạn nghĩ gì về câu hỏi "khi nào lấy chồng, lấy vợ" vào ngày tết Dịp tết, rất nhiều người độc thân sẽ bị hỏi câu: "Khi nào kết hôn?". Câu hỏi thể hiện sự quan tâm hay ngụ ý "hối thúc" này có thể làm một số người khó xử. Đặc biệt là khi người được hỏi vừa tan vỡ một mối quan hệ, "quá lứa lỡ thì", hoặc gặp những vấn đề nan giải nào đó. Bạn sẽ "phản ứng" thế nào khi rơi vào tình huống này? Bạn có đang trong hoàn cảnh như tác giả Từ Linh Hương trong bài viết Tết này xin đừng hỏi em khi nào lấy chồng...? Bạn có ủng hộ việc vào dịp tết hỏi han thường xuyên ai đó về việc khi nào họ kết hôn? Mời bạn đọc gửi những suy nghĩ, góc nhìn, tâm sự về email tinhyeuloisong@tuoitre.com.vn (vui lòng gõ có dấu tiếng Việt, có đầy đủ thông tin tác giả). |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận