![]() |
Chỉ trong hai tháng, bãi tắm Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) đã bị sóng “táp” vào gần 50m - Ảnh: Trường Trung |
Trong đó có hai khu resort đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng sắp hoàn thành nay phải ngừng xây dựng vì sóng biển liếm vào tận nhà.
Tuy nhiên, điều mà cả người dân phố cổ lẫn du khách quốc tế tiếc nuối là thời gian qua, gần 3km bờ biển tuyệt đẹp của Hội An bị sạt lở nghiêm trọng. Trong đó, bãi biển Cửa Đại là tài sản quý giá của du lịch phố Hội đang dần bị biến mất.
Bờ biển mất, ngành du lịch lo
Đây là một hiện tượng bất thường vì thời điểm này không xảy ra mưa bão, gió lớn. Có lúc chỉ hai ngày mà sóng biển ăn vào đất liền tới 10m, không ai nhận ra hình hài bãi tắm Cửa Đại cách đây mấy tháng |
Ông NGUYỄN THẾ HÙNG (chánh văn phòng UBND TP Hội An) |
Suốt tuyến đường Âu Cơ (P.Cửa Đại, TP Hội An) dài gần 3km có năm khu nghỉ dưỡng cao cấp, hai khu nghỉ dưỡng chưa đi vào hoạt động. Trong số này, khu nghỉ dưỡng Fusion Alya chịu thiệt hại nặng nhất do đầu tư gần hoàn thiện thì bị sóng đánh sập gần 1/3 phần đất, phải ngừng thi công.
Hiện nay, tại đây sóng đã đánh bay phần đê chắn cao hơn 5m mà đơn vị này làm, khiến khu nhà sát bên nghiêng sụp, trơ cả phần móng. Toàn khu nghỉ dưỡng này có bốn ngôi nhà bị nước biển ngấp nghé cửa sổ, hư hỏng nặng. Toàn bộ khu vực dự án này đã được nhà đầu tư rào kín để đảm bảo tính mạng cho người dân xung quanh.
Chiều 4-11, một lãnh đạo UBND P.Cửa Đại cho biết đây là khu vực có tình trạng sạt lở nghiêm trọng nhất, mặc dù các doanh nghiệp đã chủ động đầu tư đê chắn sóng nhưng vẫn không thể giữ đất.
Hiện nay, dự án khu nghỉ dưỡng Fusion Alya chưa rõ có giữ được qua mùa mưa bão này không.
Trong khi đó, khu vực bãi tắm Cửa Đại đẹp nổi tiếng thu hút rất đông khách du lịch quốc tế ngày nào giờ gần như đã bị sóng xóa sổ. Anh Lê Văn Thành, một người dân ở đây, cho biết chỉ trong vòng hai tháng nay sóng đã ăn vào bờ hơn 30m và cuốn luôn ba hàng cây dừa khiến tại đây không còn bãi tắm. Toàn bộ khu vực này đã được phong tỏa, đặt bảng cấm tắm để cảnh báo du khách.
Có mặt tại đây sáng 5-11, chúng tôi chứng kiến hàng chục đơn vị thi công đang đóng các thanh thép dài 10m xuống biển để làm đê chắn sóng. Ngay sau bức bình phong thép này, hàng trăm bao tải cát được các đơn vị đặt ngay dưới gốc dừa để giữ đất.
Ông Nguyễn Thế Hùng, chánh văn phòng UBND TP Hội An, cho biết bờ biển Hội An có chiều dài 7km với hai bãi tắm công cộng nhưng hiện nay đã có 3km bờ biển và một bãi tắm bị xóa sổ vì sạt lở.
Chưa biết vì sao... lở
Ông Nguyễn Thế Hùng cho biết hiện nay chính quyền TP đang chi một số tiền lớn để giữ bãi biển, nhưng đây mới chỉ là giải pháp tình thế để đối phó khi mùa mưa bão đang đến. Ông Hùng nói các năm trước nạn sạt lở cũng diễn ra nhưng với phạm vi nhỏ, chưa bao giờ sạt lở lại khủng khiếp như ba tháng vừa qua.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Văn Phú Chính, cục phó Cục Quản lý đê điều (Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn), cho biết sau khi có thông tin nạn sạt lở diễn ra nhanh, bất thường ở bờ biển Hội An, ông đã vào kiểm tra thực tế.
Theo ông Chính, do hiện tượng sạt lở diễn ra lúc thời tiết bình thường, không có mưa bão nên cần có nghiên cứu, đánh giá cụ thể để tìm ra nguyên nhân. Hiện trước mắt UBND TP Hội An đang khẩn trương chỉ đạo thực hiện giải pháp chống đỡ tạm thời.
Ông Chính cũng cho biết nguyên nhân gây sạt lở bờ biển Hội An hiện nay vẫn chưa thể kết luận được vì “thiếu dữ liệu”, trong khi muốn có giải pháp khắc phục lâu dài thì phải tìm nguyên nhân.
“Việc chống sạt lở ở Hội An cần nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng về phương pháp vì đây là bãi biển du lịch có ý nghĩa hết sức lớn trong phát triển kinh tế của địa phương. Nếu dùng giải pháp kè cứng thì coi như sẽ mất bờ biển. Vì vậy giải pháp lâu dài là cần nghiên cứu làm từng đoạn chắn sóng phù hợp để tạo lại bãi biển phục vụ du khách” - ông Chính nói.
Ông Chính nhấn mạnh việc tạo lại bãi biển là quá trình hết sức lâu dài, nhưng ngay từ bây giờ phải vào cuộc nghiên cứu để có giải pháp kịp thời.
Chi 20 tỉ đồng để cứu bờ biển Theo ông Nguyễn Thế Hùng, trước tình hình khẩn cấp này, TP đã chi gần 20 tỉ đồng thuê các đơn vị từ TP.HCM ra thi công kè cọc sắt và xây kè ngăn sóng phá bờ. “Bờ biển là một nửa của du lịch Hội An, là một điểm đến trọng điểm góp phần giữ chân du khách nên khi tình trạng sạt lở, mất bãi tắm diễn ra, chúng tôi thấy rõ rệt sự tác động đến phát triển kinh tế TP. Giải pháp thi công đê thép và đê mềm như hiện nay chỉ để giữ đất vào mùa mưa năm nay chứ về lâu dài, nếu thi công cả hai phương thức này hoặc bêtông hóa thì bãi tắm Cửa Đại coi như đã mất” - ông Hùng nói. Ông Hùng cho biết UBND TP Hội An đã có tờ trình lên UBND tỉnh và Chính phủ để xin thêm ngân sách giữ đất, đồng thời mời các chuyên gia về đánh giá thực trạng tìm hiểu nguyên nhân. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận