Phố cổ Hội An đợi khách Việt ghé thăm sau những cơn bão - Ảnh: PHAN HUY VŨ
Phố cổ, tháp Chàm và những con thuyền đứng đợi
Khi "cơn bão" COVID-19 còn chưa thôi tàn phá, vài cơn bão lớn liên tiếp đổ vào Quảng Nam cũng như các tỉnh miền Trung vừa qua khiến ngành du lịch nơi đây thêm điêu đứng, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch "thấm đòn", phố cổ Hội An rộn tươi sắc màu ngày nào nay đìu hiu cửa đóng then cài.
Hoiana, một dự án tổ hợp khách sạn hạng sang, sân golf 19 lỗ, casino cho người nước ngoài… với tổng đầu tư tới 4 tỉ đô từ nhà đầu tư Hong Kong, mong mỏi đón khách.
Khu liên hợp du lịch, giải trí Vinwonders Nam Hội An với những sản phẩm du lịch mới rất phù hợp với khách nội địa cũng đang cố gắng kích cầu du lịch nội địa bằng giá cả hấp dẫn, nhưng những đợt mưa bão vừa qua rõ ràng đã phủ màu hiu quạnh cho nơi này.
Đi thuyền thúng ngắm rừng dừa nước ở Cẩm Thanh là một sản phẩm du lịch mới rất thu hút khách quốc tế, nhưng sản phẩm này cũng rất hấp dẫn với khách nội - Ảnh: ĐẶNG KẾ CƯỜNG
Làng du lịch sinh thái Cẩm Thanh, một địa chỉ du lịch cho khách đi thuyền thúng khám phà rừng dừa nước, mới được khai thác và rất nhộn nhịp đón khách mấy năm qua, nay cũng chịu cảnh thuyền nằm bến đợi.
Hồ Phú Ninh - hòn ngọc xanh của miền Trung, rộng 23.000ha, với trên 30 hòn đảo lớn nhỏ cùng nhiều cây xanh và động vật quý hiếm - đang ở những ngày phẳng lặng đợi tiếng khua nước mái chèo cùng tiếng vui cười sáng khoái của du khách.
Khu đền tháp Mỹ Sơn cũng trầm ngâm một mình phơi sương nắng.
Biểu diễn thuyền thúng xoay ở khu du lịch sinh thái Cẩm Thanh rất hấp dẫn du khách - Video: T.ĐIỂU
Ông Nguyễn Trọng Tuấn - giám đốc Trung tâm lữ hành Hội An - cho biết các doanh nghiệp du lịch ở Hội An đang ngồi trên đống lửa, chật vật xoay xở đủ kiểu để lo giữ nhân viên, giữ sản phẩm, dịch vụ tốt, sẵn sàng đón khách.
Ước tính hiện nay có tới 80-90% các doanh nghiệp lữ hành ở Hội An nói riêng và những doanh nghiệp làm du lịch ở đây nói chung đã đóng cửa, vì không thể vận hành bộ máy khi không có nguồn thu. Phần còn lại vẫn mở cửa và chịu lỗ.
Du lịch Quảng Nam đang thiệt hại nặng nề vì COVID-19 và vì bão lũ, nhưng với kinh nghiệm làm du lịch lâu năm và đức tính kiên gan của người miền Trung, cả ngành du lịch nơi này, từ nhà quản lý đến doanh nghiệp và từng người dân đang tìm cách chuyển đổi và hồi sinh.
Quảng Nam sắp giới thiệu chương trình trải nghiệm khu đền tháp Mỹ Sơn về đêm - Ảnh: PHAN HUY VŨ
Ông Nguyễn Trọng Tuấn cho biết các doanh nghiệp du lịch địa phương đều đã "thấm đòn" trong gần 1 năm qua nên rất mong muốn liên kết, hợp tác với doanh nghiệp du lịch ở các vùng, đặc biệt là hai đầu Hà Nội, TP.HCM để thu hút khách du lịch nội địa trong thời gian chờ đón khách quốc tế.
Từ phía nhà nước, ông Lê Ngọc Tường - phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Nam - cho biết HĐND tỉnh đã đồng ý chủ trương miễn vé tham quan tất cả các khu di tích, danh lam thắng cảnh do nhà nước quản lý cho tới hết tháng 6-2021.
Chèo thuyền kayak trên hồ Phú Ninh - Ảnh: BÙI VIẾT HÀ
Linh hoạt sửa đổi
Trong một chuyến khảo sát và làm việc mới đây tại Quảng Nam của các chuyên gia và doanh nghiệp du lịch trên địa bàn TP.HCM do Sở Du lịch TP.HCM tổ chức, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đều dành nhiều lời khen ngợi cho chất lượng sản phẩm du lịch và cơ sở vật chất cho du lịch Quảng Nam.
Tuy nhiên, các chuyên gia và đại diện doanh nghiệp du lịch đều góp ý Quảng Nam cần nhanh chóng linh hoạt chuyển đổi, cơ cấu lại sản phẩm để chuyển hướng sang thu hút khách du lịch nội địa, bởi trước đây Quảng Nam chú trọng hơn cho việc thu hút khách du lịch quốc tế.
Thác Grăng, huyện Nam Giang, Quảng Nam - Ảnh: LÊ PHƯỚC TRỊNH
"Trước đây Quảng Nam tập trung quá nhiều vào khách inbound (khách nước ngoài vào Việt Nam) mà bỏ rơi khách nội địa. Khi dịch COVID-19 bùng phát, nguồn khách quốc tế hầu như bị cắt đứt, Quảng Nam đã chưa nắm bắt nhanh tình thế để xây dựng sản phẩm mới phù hợp với khách nội địa", bà Trần Thị Minh Thảo - giám đốc khối sản phẩm và dịch vụ của Vietravel - góp ý với du lịch Quảng Nam.
Qua chuyến khảo sát, bà Thảo bất ngờ biết đến nhiều điểm đến mới, hay, hấp dẫn của Quảng Nam, và bà đề nghị cần có sự kết nối mạnh mẽ hơn giữa các điểm đến này, giữa Hội An và các doanh nghiệp du lịch TP.HCM để giúp các doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm mới hấp dẫn, phù hợp với khách nội địa vốn đòi hỏi nhiều mà giá cả phải rẻ.
Quảng Nam cũng cần cố gắng có các sản phẩm liên kết vùng với các tỉnh lân cận, hoặc phải xây dựng thêm các sản phẩm hấp dẫn để du khách ở Quảng Nam lâu hơn.
Cù Lao Chàm là một điểm đến hấp dẫn cho du khách khi đến với Quảng Nam - Ảnh: ĐỖ HỮU TIẾN
Giá cả cũng là điều mà các doanh nghiệp đều đề xuất. Quảng Nam lâu nay hướng tới phục vụ khách quốc tế, nên mức giá đó với khách Việt sẽ khiến Quảng Nam giảm cạnh tranh hơn so với các tỉnh bạn.
"Chúng tôi không phải có được giá thật rẻ, mà chúng tôi tìm kiếm sự đồng cảm, hợp tác mạnh mẽ để kích cầu thị trường nội địa. Để kích thích ham muốn du lịch của khách hàng, đầu tiên phải là giá cả", bà Thảo nói.
Cùng phản ánh về chuyện giá, ông Trần Thế Dũng - tổng giám đốc Fiditour - cũng góp ý các doanh nghiệp du lịch Quảng Nam cần phải linh động hơn trong việc điều chỉnh mức giá dịch vụ bởi không giống khách inbound, khách Việt đòi hỏi đa dạng hơn nhưng giá cả phải thấp.
Chuyên gia du lịch Phan Anh Xuân đưa ra so sánh để thuyết phục rằng Quảng Nam cần phải giảm giá hơn để phù hợp với cơ cấu khách du lịch mới: Đi Malaysia, Singgapore khách chỉ mất 12 triệu, mà đi miền Trung khách phải bỏ hơn 11 triệu đồng thì rất khó thuyết phục khách.
Đến Quảng Nam, du khách bất ngờ được khám phá ruộng bậc thang ở miền tây xứ Quảng - Anh: HOÀNG HẢI
Một số ý kiến cũng góp ý Quảng Nam cần phát triển thêm các sản phẩm, dịch vụ về đêm, phát triển kinh tế đêm, hoặc các sản phẩm du lịch ngắm bình minh để có thể hút khách lưu trú qua đêm nhiều hơn ở Quảng Nam, thay vì khách thường chọn về Đà Nẵng ăn ngủ và tiêu xài như lâu nay.
Về góp ý này, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết tỉnh này cũng đang xây dựng một số sản phẩm du lịch văn hóa về đêm, như hoạt cảnh tối thứ 7 hằng tuần tại chùa Cầu tái hiện trang phục truyền thống, chương trình khám phá tháp cổ về đêm ở khu thánh địa Mỹ Sơn, phát triển du lịch cộng đồng ở các làng nghề truyền thống...
Hơn 50% khách du lịch TP.HCM đến miền Trung
Diễn đàn liên kết phát triển du lịch giữa TP Hà Nội, TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung với chủ đề "Dòng chảy tinh hoa" dự kiến tổ chức vào ngày 27 và 28-11 tại Khu nghỉ dưỡng phức hợp Nam Hội An - Hoiana, tỉnh Quảng Nam với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ; lãnh đạo Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch và các bộ, ban, ngành trung ương, tỉnh thành, các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, điểm tham quan du lịch, các hãng hàng không Việt Nam.
Ông Nguyễn Việt Anh - trưởng phòng quản lý lữ hành Sở Du lịch TP.HCM, đại diện ban tổ chức - cho biết hội nghị được kỳ vọng giúp kích cầu du lịch nội địa mạnh mẽ hơn.
Nhiều sản phẩm du lịch mới kết nối TP.HCM - Hà Nội - miền Trung với giá cả phù hợp sẽ được xây dựng dịp này, cùng với những sản phẩm du lịch cũ, kỳ vọng tạo ra cơn sóng du lịch mạnh mẽ dịp Noel, nghỉ Tết và đầu xuân sắp tới.
Ông Việt Anh cho biết hơn 50% khách du lịch TP.HCM đến miền Trung những năm gần đây.
Mời bạn tham gia Diễn đàn hiến kế liên kết du lịch TP.HCM và các tỉnh thành
Sở Du lịch TP.HCM và báo Tuổi Trẻ tổ chức diễn đàn hiến kế trực tuyến liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM với các tỉnh Tây Bắc mở rộng, Đông Bắc và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Mục tiêu của diễn đàn là mong lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch cũng như độc giả cả nước trong việc phát triển du lịch một cách hiệu quả và bền vững trong tương lai. Diễn đàn này cũng nhằm mở ra chương trình kích cầu du lịch của TP.HCM giai đoạn 2 với tâm thế "With COVID-19" (Cùng với COVID-19).
Diễn đàn mong nhận được nhiều bài viết hiến kế đóng góp của độc giả, chuyên gia, doanh nghiệp du lịch trên cả nước về kích cầu du lịch miền Trung từ nay đến 30-11-2020. Ý kiến xin gửi về email: hienkedulich@tuoitre.com.vn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận