03/07/2011 07:15 GMT+7

Học từ mẹ vợ Việt

TYLER WATTS (người Mỹ) -  PHƯƠNG THÙY ghi
TYLER WATTS (người Mỹ) -  PHƯƠNG THÙY ghi

TT - Sau khi tốt nghiệp ĐH, giống như những người Mỹ trẻ khác, tôi bước vào một cuộc sống tự lập với ý nghĩ rằng sẽ chẳng bao giờ sống cùng dưới một mái nhà với bố mẹ nữa. Lúc đó, tôi không hình dung được tôi sẽ trải qua một phần quãng đời mình với một người mẹ mà với cách nghĩ và hành động luôn làm tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Tôi gặp bà bốn năm về trước khi về quê cùng bạn gái để hỏi xin được quen con bà. Dù xuất thân từ một gia đình khá bảo thủ ở Mỹ nhưng thật tình tôi hơi sốc với khái niệm phải xin phép bố mẹ bạn gái để được dắt con họ đi chơi và rồi đến khi muốn cưới cũng phải hỏi xin sự đồng ý của nhà vợ.

Trước đó, tôi chẳng bao giờ tưởng tượng được rằng trong cuộc nói chuyện đầu tiên với mẹ vợ tương lai, tôi phải bàn đến chuyện nghiêm túc đến thế. Thứ tiếng Việt tôi học được lúc đó chẳng đủ để diễn tả điều mình muốn nói. Thêm nữa mẹ vợ tôi là người gốc Bắc, trong khi tôi sống ở An Giang hai năm và quen với giọng miền Nam. Tôi đến từ vùng California (Mỹ) nhưng mẹ vợ người Việt của tôi chẳng thích phim Hollywood. Bao nhiêu là điểm khác biệt giữa một chàng trai Tây và bà mẹ vợ Việt. Như cảm nhận được sự chân thành của tôi, bà bỏ qua những sai sót trong lần gặp đầu tiên, cho tôi được quen biết và sau này lấy con gái bà.

Sau khi cưới vợ, sinh đứa con đầu lòng, tôi lại có dịp gần gũi và hiểu thêm về mẹ vợ khi bà dọn đến ở cùng chúng tôi để trông nom em bé. Sống chung trong gia đình, cách nghĩ và cách sinh hoạt của mẹ vợ nhiều lần làm tôi sửng sốt, khó hiểu. Một lần, khi nghe tiếng con té ngã và đập đầu xuống đất trong bếp, tôi chạy vào xem và hốt hoảng khi nhìn thấy mẹ vợ đặt dao trên đầu bé. Sau này tôi mới biết được đó là cách cổ truyền để trị u đầu. Nhiều lần tôi quan sát thấy bà lấy đi chiếc lược là món đồ chơi yêu thích của bé hay không cho bé nhìn vào gương quá lâu. Tôi cá là bà còn biết nhiều điều bạn chẳng tìm thấy trong sách vở về văn hóa. Những điều này đôi lúc làm tôi thắc mắc khó xử, nhưng khi hiểu được ý nghĩa tôi đều tôn trọng cách làm của bà.

Ngược lại, tôi chắc rằng mẹ vợ cũng gặp không ít khó khăn khi sống trong căn nhà “nửa Tây nửa ta”. Bà cũng nỗ lực để giao lưu văn hóa, như khi con gái tôi xem phim hoạt hình bằng tiếng Anh, tôi để ý mẹ vợ đã nhẩm theo một số từ tiếng Anh và cười thầm.

Sống chung với bà, tôi dần làm quen với sự khác biệt về văn hóa Đông - Tây. Tôi cũng cảm thấy an tâm khi có thêm một người thân bên cạnh đỡ đần, chăm nom gia đình. Thật vậy, mẹ vợ đã gánh giúp một phần lớn công việc mà các đôi vợ chồng trẻ ở các nước phương Tây thường phải tự lo liệu lấy. Bà giúp giặt giũ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc bé khi chúng tôi bận đi làm. Mỗi ngày tôi đều cảm nhận được sự quan tâm, chăm sóc của bà dành cho cháu bé và cả vợ chồng tôi nữa. Tôi học được câu “Có bà bằng 10 người ở” và không thể đồng tình hơn nữa.

Nghĩ lại thời gian qua, tôi không biết nói gì hơn là lời cảm ơn mẹ vợ. Cảm ơn bà đã giúp tôi học được những kiến thức xưa, nhìn ra sự hi sinh hết mình và cảm nhận được tình cảm hết sức nồng ấm của một người mẹ VN.

TYLER WATTS (người Mỹ) -  PHƯƠNG THÙY ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên