07/05/2019 08:19 GMT+7

Học trò lớp 7 làm dự án thay cho thi lấy điểm

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Thay vì thi lấy điểm, nhóm học trò lớp 7 làm đề tài 'Ứng dụng đèn LED để tăng sinh trưởng cho cây trồng', nhóm lớp 9 làm đề tài 'Tạo vật liệu nhựa bằng vỏ trái cây'... khiến nhiều người ngạc nhiên.

Học trò lớp 7 làm dự án thay cho thi lấy điểm  - Ảnh 1.

Học sinh trường Quốc tế APU sẽ thực hiện những dự án khác nhau trong suốt năm học và kết quả những dự án này có thể được dùng để đánh giá thay cho các bài thi - Ảnh: H.P.

Tại chuỗi hội nghị và triển lãm quốc tế về STEM, STEMCON lần thứ 7 năm 2019 được tổ chức ở Đà Nẵng, bên cạnh sự tham dự của gần 40 trường ĐH, các tổ chức giáo dục, các công ty khoa học... từ 6 quốc gia trên thế giới, nhiều người ngạc nhiên thấy có trường cấp trung học cũng cử những nhóm học sinh tham gia.

Đó là nhóm học sinh Trường quốc tế APU. Các bạn đem đến hội nghị 4 dự án: nhóm lớp 7 có đề tài "Ứng dụng đèn LED để tăng sinh trưởng cho cây trồng", nhóm lớp 9 có đề tài "Tạo vật liệu nhựa bằng vỏ trái cây" và "Làm thuốc trừ sâu thân thiện môi trường". Nhóm lớp 11 và lớp 12 thì có đề tài "So sánh hiệu quả giữa kháng sinh tự nhiên và kháng sinh tổng hợp"...

Thầy Bill Phạm, giáo viên dạy toán - khoa học ở Trường quốc tế APU, cho biết đây là các sản phẩm trong chương trình các môn khoa học tại Trường quốc tế APU. Theo đó, với mỗi môn học như lý, hóa, sinh, lớp học sẽ được chia thành từng nhóm để thực hiện những dự án khác nhau trong suốt năm học.

Mỗi môn khoa học thường có 2 dự án, các nhóm sẽ tự nghĩ đề tài, tìm tài liệu rồi thực hiện dưới sự cố vấn của giáo viên đứng lớp. Nhiều dự án trong số đó sẽ được dùng để đánh giá điểm cuối kỳ thay cho những bài thi lý thuyết truyền thống.

Bạn Ngô Đạt, học sinh lớp 9, chia sẻ với dự án làm nhựa bằng vỏ trái cây, nhóm đã quần quật suốt hơn một tháng ở phòng thí nghiệm trong và ngoài nhà trường, nghiên cứu nhiều tài liệu rồi bắt tay thử nghiệm từng loại nguyên liệu như vỏ chuối, vỏ cam, vỏ khoai tây... cho đến khi thành công.

Nhưng nhóm còn muốn từ nhựa này sẽ làm ra sản phẩm cụ thể như ống hút hay ly uống nước, thử nghiệm ở các viện khoa học để xác định khi phân hủy nó có còn những chất gây nguy hiểm cho môi trường hay không.

Ngoài việc dùng dự án để đánh giá điểm cuối kỳ thay cho những bài thi, thầy Bill Phạm cho rằng nếu chỉ dạy khoa học bằng lý thuyết, học sinh sẽ không cảm nhận được hết quá trình làm khoa học thực tiễn, không thấy được cái đẹp của khoa học.

Bên cạnh kiến thức, các dự án nghiên cứu còn giúp học sinh phát triển tư duy logic, kỹ năng tra cứu tài liệu, xử lý thông tin, kỹ năng quản lý dự án, kỹ năng làm việc nhóm...

Học sinh lớp 9 làm dự án cho sâu ăn rác thải Học sinh lớp 9 làm dự án cho sâu ăn rác thải

TTO - Đó là nội dung độc đáo trong dự án "Xử lý rác thải dựa vào quá trình phân hủy sinh học của một số loài sâu" của hai học sinh Trần Hoàng Mai và Thái Mỹ Huyền (lớp 9/1 Trường THCS Võ Văn Ký, TP Nha Trang, Khánh Hòa).

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên