20/10/2022 09:33 GMT+7

Học sinh trả treo với giáo viên: Giải pháp nào khi học sinh cũng là nạn nhân?

CÔNG DŨNG tổng hợp
CÔNG DŨNG tổng hợp

TTO - Giải pháp nào 'trị' học sinh hỗn, khi chính các em cũng là nạn nhân chịu đựng áp lực bài vở, điểm số thành tích đến mức stress và phản kháng ngỗ nghịch? Phải làm gì để giữ được sự uy nghiêm của thầy cô trong mối quan hệ với học sinh ngày nay?

Học sinh trả treo với giáo viên: Giải pháp nào khi học sinh cũng là nạn nhân? - Ảnh 1.

Nữ sinh có lời lẽ và hành vi thô tục, thiếu tôn trọng giáo viên - Ảnh cắt từ clip

Trước câu chuyện đau xót "Học sinh trả treo, xúc phạm thầy cô" diễn ra thường ngày ở trường học, bạn đọc Lưu Đình Long vạch ra những nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp để phần nào "trị" căn bệnh nhức nhối này. 

Trong khi đó, bạn đọc Nguyễn Thành Trung nhấn mạnh nhà trường - gia đình - xã hội phải nghiêm khắc mà bao dung, tạo thế kiềng ba chân trong nuôi dưỡng và dạy dỗ con trẻ.

1. Thực tế, không phải học sinh nào cũng ngoan, cũng lễ phép và tuân thủ các quy định chung của trường lớp. Đặc biệt, ở lứa tuổi có những thay đổi tâm sinh lý, bước vào tuổi dậy thì… thì các em càng có những phản ứng thái quá, khiến mối quan hệ thầy - trò càng dễ nảy sinh mâu thuẫn. 

Trong khi đó, không phải giáo viên nào cũng hiểu tâm lý lứa tuổi, hoặc đã ít nhiều nắm bắt nhưng lại bị áp lực thi đua từ việc giảng dạy nên "quên", đã không làm chủ được lời nói, thái độ khiến "châm dầu vào lửa".

Trở lại với việc uốn nắn học sinh, thiết nghĩ cần có những quy định cụ thể hơn, cởi mở hơn và phổ biến để cả phụ huynh lẫn học sinh đều nắm rõ. Phối hợp với phụ huynh nhắc nhở học sinh khi trong lớp trong trường có học sinh chưa ngoan, ngỗ nghịch. Tất nhiên, phải thật uyển chuyển bởi đối tượng này không phải dễ thuyết phục. Không phải tự nhiên mà có câu ví "nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò".

Trong trường hợp học sinh trả treo, xúc phạm thầy cô, nếu đó chỉ là bột phát thì cần truy xét nguyên nhân. Có phải do thầy cô đã nói hay làm gì xúc phạm các em trong tình huống đó. 

Tất nhiên, không phải lúc nào thầy cô cũng đúng nên khi sai thì sẵn sàng xin lỗi. Đó cũng là cách giáo dục.

Còn nếu tình huống không bắt đầu bởi sự sơ suất trong ứng xử của người thầy thì do các em gặp sự cố gì trong cuộc sống nên đang hành xử kiểu bất cần. 

Có những trường hợp học sinh bị tổn thương tâm lý nặng nề do gặp vấn đề ở gia đình hay trường lớp, không được giãi bày để giải tỏa thì có thể phản ứng tiêu cực để bị phạt, gây chú ý. Đối với những học sinh như vậy, việc giúp các em mở lòng chia sẻ, tìm lại con người hồn nhiên và sống đúng lứa tuổi có thể là hành trình kỳ công. 

Tất nhiên, cần tình thương lớn và sự kiên nhẫn để làm việc này, không chỉ từ thầy cô, gia đình, mà đôi khi cần hỗ trợ của chuyên gia tâm lý, hoặc người có khả năng lắng nghe.

2. Đương nhiên, cũng có những trường hợp, phụ huynh và học sinh khá kỳ cục khi đưa ra những "yêu sách" vượt khả năng đáp ứng, không thể chấp nhận đối với giáo viên, nhà trường. Thật sự không ít người nghĩ rằng bản thân đóng chừng đó tiền trường thì nhà trường, thầy cô giáo phải phục vụ tận răng, chịu đựng mọi thứ từ họ và học sinh. 

Vin vào quy định trói buộc thầy cô để "ép" người thầy là tự đẩy con mình vào lối suy nghĩ độc hại. Một con người không thể trưởng thành và sống tử tế được khi bản thân không hiếu nghĩa ông bà cha mẹ, không tôn trọng thầy cô.

Tôi nhớ một ngạn ngữ mình đọc đâu đó, đại ý rằng: "Thương con mà không dạy con lễ nghĩa, có của nhiều chúng lại càng hoang phí, học càng hay, chúng lại càng gian trá". 

Do đó, nếu phụ huynh dung dưỡng cho sự vô lễ của con cái đối với thầy cô giáo mình thực ra không phải là cách thương con, mà là hại con. Hiểu điều này để cùng nhà trường, thầy cô giáo dưỡng tâm hồn, thể chất cho con phát triển toàn diện, trước tiên thành người có lòng tri ân, báo ân.

3. Ở phương diện dạy và học, phải chăng áp lực bài vở, điểm số, thi đua, bằng cấp… đã khiến học sinh mỏi mệt, đến mức stress và phản kháng theo kiểu không còn biết ai lớn ai nhỏ, lỗi đạo thầy trò? Áp lực thành tích cũng khiến người thầy vắng bóng sự có mặt, quan tâm, thấu hiểu học trò để có ứng xử phù hợp. Từ đó thiếu sự gắn kết của nghĩa thầy trò.

Bên cạnh đó, hình ảnh thầy cô giáo hiện đại đã quá gần với học sinh, đến mức không có một khoảng cách đủ an toàn và trật tự nên các em cũng bớt sợ, bớt trọng thầy cô. "Nhà ở gần chùa gọi Bụt bằng anh" chính là ở chỗ này. 

Vị trí người thầy cần có khoảng cách nhất định với học trò để tạo nên tính thiêng cho mối quan hệ. Hài hòa trong ứng xử, không quá xa cách cũng không quá gần gũi sẽ an toàn cho cả hai.

4. Stress trong học đường là chuyện đang diễn ra hằng ngày ở xã hội hiện đại ngày nay. Và nhiều quốc gia đã chọn thiền tập là giải pháp để bù lấp vào khoảng trống sức khỏe tâm thần ở người trẻ. 

Chẳng hạn ở Anh, có 370 trường học dạy thiền và chánh niệm để giúp thầy cô, học sinh bớt căng thẳng, từ đó có hành xử nhẹ nhàng hơn. Được biết, nhiều năm trước, dự án "Chánh niệm trong trường học" có trụ sở tại Anh đã lên kế hoạch đào tạo giáo viên ở Scotland, Ireland, Hoa Kỳ, Canada, Phần Lan, Thái Lan, Hà Lan và Úc.

Trong khi đó, theo dự đoán của Tổ chức Y tế thế giới, các vấn đề về sức khỏe tâm thần có khả năng tạo thành gánh nặng lớn nhất về nguồn lực y tế vào năm 2030, đồng thời nhận định hành thiền là một phần của giải pháp và là thuốc giải độc hiệu quả đối với những áp lực của cuộc sống hiện đại.

Do đó, đưa thiền, tĩnh tâm vào trường học thay vì lúc nào cũng kiến thức, thi đua, bằng cấp… có thể là phương pháp giúp thầy - trò nhìn nhau trong yêu thương, hiểu biết, cùng kính trọng nhau và biết ơn nhau vì đã có mặt cho nhau trong gạch nối quan trọng của cuộc đời.

Và khi chưa làm được những điều trên thì chí ít trong mỗi trường cần phải có giáo viên ngành tâm lý phụ trách phòng tư vấn cho các học sinh.

LƯU ĐÌNH LONG

Nghiêm khắc mà bao dung

Giáo dục là phải từ nhà trường và gia đình, phải nghiêm khắc kết hợp với sự bao dung. Mình nhớ cách đây 20 năm khi vẫn còn là cậu học sinh cấp II, thầy cô không chỉ là người truyền thụ học thức mà còn mang đến cả sự nghiêm khắc của người làm nghề giáo.

Lúc nhỏ không ít lần bị đánh bằng roi, nhéo tai, chép phạt... nhưng sau này mới hiểu được những nghiêm khắc ngày đó để cho lớn lên mới nên người như bây giờ.

Phụ huynh ngày nay cũng khác phụ huynh ngày xưa. Ba mẹ mình lúc ấy họp phụ huynh đầu năm, câu đầu tiên bao giờ cũng là "Con tui mà hư, thầy/cô cứ đánh thẳng tay!".

Chưa kể học dốt, ham chơi về nhà còn được bố mẹ "tặng thêm đả cẩu bổng pháp". Và có mấy ai trong thế hệ ấy đến nay ra đường gặp lại thầy cô cũ mà không đến chào, không làm đúng lễ "tôn sư".

Thế hệ hiện tại, được hưởng thụ nền văn hóa giáo dục khác biệt thế hệ trước - biết rằng mỗi thời thì sẽ có đặc điểm khác nhau và đòn roi không phải là giải pháp tốt nhất giáo dục con người.

Chỉ là mình hy vọng trường học - gia đình - xã hội sẽ như cái kiềng ba chân định hướng và nuôi dưỡng sự trưởng thành của thế hệ trẻ.

NGUYỄN THÀNH TRUNG

Yêu cầu trường báo cáo vụ nữ sinh văng tục với thầy giáo trong lớp học Yêu cầu trường báo cáo vụ nữ sinh văng tục với thầy giáo trong lớp học

TTO - Sáng 16-10, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa cho biết đã nắm thông tin về clip nữ sinh có lời lẽ xúc phạm giáo viên trong lớp và yêu cầu nhà trường báo cáo vụ việc.

CÔNG DŨNG tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên