01/04/2019 13:29 GMT+7

Học sinh lớp 9 chế thuốc diệt chuột từ hoa bông ổi

LAM GIANG
LAM GIANG

TTO - Có loại thuốc gì để vừa diệt chuột bảo vệ mùa màng, vừa không ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người nông dân? Hai học sinh lớp 9 trăn trở.

Học sinh lớp 9 chế thuốc diệt chuột từ hoa bông ổi - Ảnh 1.

Công Thành, Lê Hoàn cùng cô giáo Mỹ Duyên (từ trái qua) trong phòng thí nghiệm của nhà trường - Ảnh: L.GIANG

Đặng Gia Lê Hoàn (lớp 9/2) và Nguyễn Công Thành (lớp 9/1) cho biết: "Qua tìm hiểu nhiều thông tin trên mạng Internet, chúng mình biết được hoạt chất coumarin trong hoa bông ổi (Lantana camara L, thuộc họ cỏ roi ngựa, có nơi còn gọi là hoa ngũ sắc) có thể diệt được chuột, theo cách làm cho chuột bị chết vì chảy máu và không đông được máu. Và chất này có trong loài cây bông ổi, vốn mọc dại rất nhiều ở các vùng làng quê".

Hoàn và Thành nêu ý tưởng với cô giáo Nguyễn Mỹ Duyên dạy môn hóa học. "Tôi chỉ giúp các em lựa chọn phương pháp tách chiết, dung môi và thuốc thử để định tính chất, góp ý và hướng dẫn các em thực hiện một số thí nghiệm tại phòng hóa học thôi, còn lại do các em làm hết" - cô Duyên cho biết.

Trong bốn tháng, cả hai tìm đến các ngõ đường quê, cánh đồng làng và các mảnh đất hoang hóa lấy hoa bông ổi về. Với bếp điện, đèn cồn, hộp sấy 50oC và chai lọ... có sẵn trong nhà, Hoàn và Thành xử lý bông ổi, tách chiết để xác định thành phần các hợp chất.

Dịch bông ổi được hai bạn đóng vào lọ cẩn thận và gửi đi xét nghiệm hàm lượng coumarin ở phòng công nghệ và thiết bị hóa học Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên ở Cầu Giấy, Hà Nội.

Khi có kết quả, hai học sinh bắt đầu chế thử. Loạt thuốc ban đầu do hàm lượng hoạt chất coumarin ít nên chưa có hiệu quả, chuột sau khi ăn phải chỉ... ngoe nguẩy bỏ đi một cách chậm chạp.

Hoàn và Thành phải tinh chiết lại với công thức 200gr bỏng ngô ngâm với 500ml và 200gr bỏng ngô ngâm với 300ml dịch chiết hoa bông ổi và hương liệu phụ gia, sau đó sấy khô, đóng gói, Hoàn và Thành đã có sản phẩm thuốc diệt chuột thành công.

Hoàn nói: "Cái khó nhất trong khi thử nghiệm là bẫy chuột vào lồng để xem hiệu quả của thuốc ra sao. Vì thường sau khi ăn xong chuột sẽ bỏ đi mà chưa chết ngay liền, nên không biết được chuột có chết vì thuốc hay không và chết sau bao nhiêu lâu, độ xuất huyết thế nào... Chúng mình mất nhiều ngày theo dõi và ghi chép lại tất cả mọi diễn biến của chuột".

Sản phẩm thành công khiến cả hai rất vui. Vui hơn nữa là đề tài này sau đó được trao giải nhì tại cuộc thi khoa học kỹ thuật của tỉnh Quảng Bình dành cho học sinh THCS năm học qua.

"Tụi mình muốn có loại thuốc diệt được chuột mà không nguy hiểm cho người và các loài vật nuôi khác, không ảnh hưởng đến môi trường và không hại sức khỏe bà con nông dân trên đồng" - Thành thổ lộ.

Ông Đinh Bá Quang, phó trưởng Phòng GD-ĐT TP Đồng Hới, cho biết đề án của các em được đánh giá cao về tính ứng dụng trong thực tiễn đời sống.

"Trước hết về tính hiệu quả là chuột đã chết sau khi ăn thuốc, sử dụng an toàn cho người và môi trường. Sau đó là những điều bảo đảm cho sản xuất thuận lợi, như nguồn nguyên liệu sẵn có ở khắp địa phương và trong tỉnh, cách thức sản xuất không phải đầu tư lớn với công nghệ cao.

Cái được lớn nhất là đã tạo cho các em có quyết tâm thực hiện bằng được những gì mình muốn mà có ích cho xã hội" - ông Quang chia sẻ.

Chàng trai người Tày chế tạo bếp lò Chàng trai người Tày chế tạo bếp lò '3 in 1'

TTO - Tác giả bếp lò này là Nguyễn Văn Huỳnh, 26 tuổi, người dân tộc Tày, giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Huỳnh Phát, bí thư chi đoàn thôn Đại Thịnh (xã An Thịnh, huyện Văn Yên, Yên Bái).

LAM GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên