28/03/2019 12:49 GMT+7

Người sáng chế học cụ cho tiểu đoàn

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Bia di động, sa bàn chiến thuật, sa bàn hậu cần và sa bàn lái bắn chiến đấu trên xe tăng... đại úy Lê Ngọc Quý khiến nhiều đồng đội nể phục bởi dám nghĩ dám làm, đã quyết là làm, mà đã làm là được.

Người sáng chế học cụ cho tiểu đoàn - Ảnh 1.

Đại úy chuyên nghiệp Lê Ngọc Quý (trái) và đồng đội bên công trình bia di động - sáng kiến đã giúp bộ đội cải thiện trình độ ngắm bắn cả ngày lẫn đêm - Ảnh: MY LĂNG

Đại úy chuyên nghiệp Lê Ngọc Quý (đại đội xe tăng 15, tiểu đoàn 1047 thuộc lữ đoàn 147 Hải quân đánh bộ - Bộ tư lệnh Vùng 1 hải quân) là tác giả nhiều công trình và sáng kiến cải tiến mô hình học cụ tại lữ đoàn như thiết bị ẩn hiện vận động ngày đêm, sa bàn chiến thuật, sa bàn hậu cần và sa bàn lái bắn chiến đấu trên xe tăng...

Gặp đại úy chuyên nghiệp Lê Ngọc Quý khi anh vừa đi thao trường về. Mồ hôi vẫn còn rịn trên trán.

Đã quyết là làm, đã làm là được

Thiết bị ẩn hiện vận động ngày đêm (hay còn gọi là bia di động) phục vụ cho bộ đội khi huấn luyện ngắm bắn do Quý làm "chủ xị" với sự hỗ trợ của hai đồng đội là thượng úy Nguyễn Văn Hưng (giúp phần gia công) và trung úy Nguyễn Hoàng Sảng (tư vấn phần điện).

Ngọc Quý cho hay trước đó anh em bộ đội không có sẵn thiết bị nên không thể chủ động trong huấn luyện. Chỉ khi bắn thực hành để kiểm tra thì cơ quan mới đảm bảo thiết bị, còn lúc huấn luyện thì đơn vị phải tự túc.

Trong khi đó, giáo trình các bài bắn đều có bài bia vận động ẩn hiện. Các bài bia vận động thì đơn giản nhưng bia ẩn hiện rất khó, phải có 2-3 người kéo bia mà không đảm bảo tốc độ và không sát với thực tế thực hành bắn kiểm tra.

Ưu điểm của bia di động này là khả năng ẩn hiện và cơ động sát với giáo trình các bài tập ngắm bắn. Đặc biệt, nhờ có hệ thống đèn chiếu sáng bề mặt bia nên kể cả đêm tối, bộ đội vẫn nhìn thấy mục tiêu cho bài tập ngắm đêm.

Chỉ cần một tuần, anh Quý đã làm xong thiết bị bia di động này với chi phí rẻ bất ngờ: chỉ hơn 500.000 đồng (do tận dụng một số vật tư cũ mua ở tiệm sửa xe máy).

Trung tá Trần Văn Thành (tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1047) cho biết việc huấn luyện thực hiện ngay tại đơn vị đóng quân, không cần ra thao trường nữa, không cần phải có bộ phận phục vụ như trước. Giờ chỉ cần đường dây 4m, lắp bình ăcquy bật điện là bia cứ chạy đi chạy lại cho bộ đội tập ngắm bắn thoải mái. Ban đêm thì gắn thêm bóng đèn. Độ dao động của bia giống hệt bia ở thao trường.

"Thiết bị này đã phát huy rất hiệu quả trong huấn luyện đêm và cả diễn tập thực binh. Các đơn vị bạn còn mượn để huấn luyện sát thực hơn. Lữ đoàn và Bộ tư lệnh Vùng 1 hải quân đánh giá cao công trình này" - anh Thành nói. Công trình này đã giành giải nhất cuộc thi Sáng kiến mô hình học cụ của lữ đoàn 147.

Mình ước gì cứ một năm được ra đảo công tác 6-7 tháng. Mình không ngại xa, không ngại vất vả. Được đến những nơi gian khó, xa xôi làm nhiệm vụ, tự hào lắm.

Đại úy LÊ NGỌC QUÝ

Luôn đặt hiệu quả lên hàng đầu

Ngoài bia di động, đại úy Lê Ngọc Quý còn là chủ nhân của hàng loạt sáng kiến khác như: sa bàn chiến thuật, sa bàn hậu cần và sa bàn lái bắn chiến đấu trên xe tăng... Với sa bàn chiến thuật trên xe tăng ra đời từ thực tế: bộ đội khi đi huấn luyện hoặc diễn tập chỉ dựa vào bản đồ để nắm khu vực, địa điểm sẽ đến làm nhiệm vụ.

Với sa bàn này, bộ đội định hướng, định hình, hình dung rõ hơn, dễ hơn về địa hình và vị trí, địa điểm nơi đóng quân. Sa bàn làm bằng xốp rất nhẹ, thuận tiện khi cơ động.

Còn với sa bàn lái bắn chiến đấu trên xe tăng cũng xuất phát từ những bất cập trong thực tế huấn luyện. Ở mỗi lần huấn luyện hay diễn tập, đội hình chiến đấu của xe tăng khi đến vị trí đã hiệp đồng thì dừng lại thực hiện bài bắn.

Nhưng mỗi xe có một nhiệm vụ khác nhau. Khi anh em đã vào bên trong xe tăng, do đặc thù môi trường làm nhiệm vụ bên trong rất ồn, bí, kín, việc thống nhất với nhau cơ động theo đúng đội hình chiến đấu như ý định của chỉ huy rất khó.

Sa bàn lái bắn chiến đấu này của anh Quý đã giải quyết bài toán khó đó, mang đến tính thống nhất cao nhất cho biên đội, các xe tổ chức theo đội hình chiến đấu đều thống nhất, hiệu quả huấn luyện cao hơn.

"Khi huấn luyện cho lái xe lái bơi biển, với người mới chuyển từ xe khác về xe tăng thì rất khó để nhận biết đã vào được số chưa. Quý đưa ra sáng kiến làm thiết bị báo vào số bơi lắp trên xe tăng, hiệu quả rất cao. Đồng đội rất nể phục tính cách dám nghĩ dám làm, đã quyết là làm mà đã làm là được của anh ấy" - tiểu đoàn trưởng Trần Văn Thành cho hay.

Anh Thành nói thêm, Quý là một trưởng xe có nhiều kinh nghiệm, nói ít làm nhiều, quyết đoán và quyết tâm, luôn đặt hiệu quả công việc lên hàng đầu. 11 năm, khi đi công tác trong điều kiện đặc biệt khó khăn cần kinh nghiệm, ý chí, bản lĩnh, trí tuệ thì Quý đều xung phong đi.

"Có những người như Quý đi cùng sẽ củng cố niềm tin cho anh em. Tôi tự hào vì bây giờ anh em từ cán bộ đến trưởng xe khả năng làm chủ vũ khí trang bị rất tốt, xuất phát từ những điều đơn giản như thế" - anh Thành dành những lời khen ngợi cho người đồng đội của mình.

Thích làm lính hải quân lại gắn bó với xe tăng

Đại úy chuyên nghiệp Lê Ngọc Quý là con út trong một gia đình thuần nông có tới 12 đứa con. Anh trai lớn của anh hi sinh ở chiến trường miền Nam khi mới 20 tuổi. Chị gái anh từng công tác ở Quân chủng Phòng không - không quân, vừa nghỉ hưu.

"Lúc trước mình đi nghĩa vụ quân sự ở tiểu đoàn 864 (lữ đoàn 101 - Bộ tư lệnh Vùng 4 hải quân). Hết ba tháng tân binh, mình xin qua hải quân. Nhà mình ở gần biển, thích làm lính hải quân để được ra đảo. Hồi đó chẳng nghĩ vất vả, chỉ nghĩ đi xa cho có cái gì đó mới lạ trong cuộc sống mình. Nhưng mình lại được điều đi học xe tăng" - Quý kể.

Năm 2010, lần đầu tiên ước mơ của người lính ấy trở thành hiện thực: anh được ra đảo làm nhiệm vụ. Khi khám sức khỏe, huyết áp anh bỗng vọt lên cao. Giấc mơ được ra đảo coi như tan biến! Không bỏ cuộc, anh nài nỉ xin tiểu đoàn trưởng cho khám lần nữa. Đến chiều khám lại thì huyết áp bình thường. "Chắc buổi sáng vì hồi hộp quá mà huyết áp mình mới lên cao. Chờ đợi bao nhiêu năm mới được ra đảo. Khi có cơ hội mình xung phong đi ngay. Lý do mình đi bộ đội là để được ra đảo mà" - đại úy Quý mỉm cười tâm sự.

Vùng 2 Hải quân: Hoàn cảnh nào cũng trung thành với Tổ quốc Vùng 2 Hải quân: Hoàn cảnh nào cũng trung thành với Tổ quốc

TTO - Ngày 19-3-2009, Vùng 2 Hải quân được thành lập. Một thập kỷ qua, dù trong hoàn cảnh nào, người lính hải quân Vùng 2 cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên