Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết đang chờ văn bản chỉ đạo của Sở GD-ĐT Hà Nội để xử lý. Do đó, ngày 7-2, hiệu trường vẫn điều hành công việc của trường.
Trong khi đó, lãnh đạo công an quận Cầu Giấy cho biết đã chuyển hồ sơ vụ việc lên Phòng Hình sự Công an TP Hà Nội để tiếp tục điều tra, xử lý.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự cho hay đã tiếp nhận vụ việc vào chiều tối 6-2 và giao cho các bộ phận chuyên môn thu thập thông tin điều tra trên tinh thần sai đến đâu sẽ xử lý.
Đây là vụ việc đang được dư luận hết sức quan tâm bởi xảy ra từ đầu tháng 12 năm ngoái và sau khi nắm thông tin qua báo chí, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ba lần trực tiếp nhắc ông Nguyễn Đức Chung, chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Trong phiên họp của UBND TP Hà Nội ngày 6-2, ông Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu đình chỉ vị hiệu trưởng này ngay trong ngày.
Ông Chung cho biết Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ba lần trực tiếp nhắc ông chỉ đạo làm rõ vụ việc một cách nghiêm túc, nếu đúng như báo chí phản ánh thì không thể để một hiệu trưởng mà tư cách đạo đức, hành xử không ổn trong môi trường sư phạm.
Như đã đưa tin, sau khi một học sinh lớp 2 của Trường tiểu học Nam Trung Yên chơi trên sân trường đã bị gãy chân và nhiều người nghi ngờ do taxi chở hiệu trưởng va phải.
Thay vì thăm hỏi học sinh, hiệu trưởng nhà trường lại phát phiếu khảo sát cho 100% cán bộ, giáo viên, học sinh trong trường để làm chứng mình vô can.
Vì sao một vụ việc được Phó Thủ tướng ba lần nhắc mà vẫn chưa được giải quyết rốt ráo? Vụ việc tưởng nhỏ nhưng lại hoàn toàn không nhỏ chút nào.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội nói:
"Là một nhà giáo, lại là người đứng đầu một trường học, khi có sự việc học sinh bị tai nạn, chưa cần biết có liên quan trực tiếp với mình hay không, cô hiệu trưởng không thể thờ ơ. Nhưng qua thông tin báo chí thì thấy cô hiệu trưởng chỉ tới thăm cháu bé khi gia đình cháu bức xúc có đơn phản ánh cho công luận, như thế là không chấp nhận được.
Chưa kể qua nhiều lần tường trình khác nhau của cô hiệu trưởng, khả năng cháu bé bị taxi chở cô hiệu trưởng vào sân trường đâm vào làm gãy chân là có cơ sở.
Tuy nhiên, thái độ của cô hiệu trưởng trong việc xử lý tình huống cho thấy cô quá kém, không có tâm và không dũng cảm thừa nhận trách nhiệm của mình. Điều này thể hiện trong những lần tường trình mâu thuẫn nhau, thể hiện sự nói dối. Đặc biệt là hành vi phát phiếu khảo sát cho cán bộ, giáo viên, học sinh toàn trường làm cơ sở chứng minh mình vô tội.
Với những diễn tiến này, Chủ tịch UBND yêu cầu đình chỉ chức vụ hiệu trưởng trong quá trình công an vào cuộc điều tra là hoàn toàn đúng.
Thứ nhất, chỉ khi cô hiệu trường bị đình chỉ công việc tại trường thì những người liên quan, những người chứng kiến sự việc mới dám nói ra sự thật.
Thứ hai, trong tình trạng hiện nay, cô hiệu trưởng cũng khó có thể điều hành công việc được do tâm lý không ổn định, vị thế bị sụt giảm do dư luận tiêu cực xung quanh sự việc.
Việc đình chỉ công việc để phục vụ điều tra chỉ là tạm thời. Sau khi có kết luận điều tra, tùy theo sự việc, mới xem xét mức xử lý kỉ luật, nếu cô hiệu trưởng được xác định vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nhà giáo.
Vụ việc này cùng với vụ xảy ra mới đây ở cơ sở mầm non Sen Vàng là những chuyện đáng buồn, gây phản cảm, mất niềm tin của người dân vào ngành giáo.
Từ những câu chuyện này, càng thấy rõ nghề giáo là một nghề đặc biệt, mà những người có mong muốn trở thành nhà giáo không chỉ cần năng lực, kinh nghiệm sư phạm mà quan trọng hơn là cái tâm với học sinh, với trẻ nhỏ.
Nghề nào cũng cần cái tâm nhưng trong xã hội hiện nay có hai nghề được tôn vinh là thầy càng cần tâm nhiều hơn là nghề giáo và nghề thầy thuốc".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận