Anh Till Carlos trò chuyện cùng các bạn trẻ Việt Nam - Ảnh: THU HUỆ
Till Carlos là người Đức, đã có khoảng 5 năm sống tại TP.HCM. Ngoài tiếng mẹ đẻ, tới nay anh có thể sử dụng được ba thứ tiếng khác là Anh, Việt, Tây Ban Nha.
Anh cũng đã phát triển một ứng dụng (app) học tiếng Anh cho người Việt. Till Carlos đã trao đổi cùng Tuổi Trẻ kinh nghiệm học ngoại ngữ nói chung với mong muốn giải mã "bí kíp" thành công của những polyglot.
* Ngôn ngữ mới nhất anh đang học là gì?
- Hiện tôi nói được bốn thứ tiếng là Đức, Anh, Tây Ban Nha và tiếng Việt. Tuy nhiên tôi cũng từng học tiếng Latin, Pháp và Nhật thời đi học và có một khoảng thời gian học tiếng Bồ Đào Nha khi ở Brazil. Hầu hết các kiến thức trường lớp đều đã "bay đi", chủ yếu vì tôi ít sử dụng.
Tiếng Việt là ngoại ngữ mới nhất tôi đã và đang học. Tôi sẽ dành thời gian tập trung học tiếng Việt thay vì học thêm ngôn ngữ khác lúc này. Hồi những năm 20 tuổi, mục tiêu của tôi là đi du lịch nước ngoài. Nhưng nay ở độ tuổi 30, tôi muốn tập trung. Tôi đã ở TP.HCM 5 năm và rất thích nơi này.
* Anh đã làm một ứng dụng học tiếng Anh cho người Việt, vì sao anh muốn làm ứng dụng này?
- Bạn có thể bắt đầu dùng thử ứng dụng của chúng tôi có tên Englishletics. Hi vọng nó sẽ là một cách khởi đầu tốt để làm quen với tiếng Anh. Sau đó bạn có thể thử học với Duolingo và Elsa để luyện phát âm. Có rất nhiều ứng dụng như thế và điều quan trọng cuối cùng là bạn thấy mình phù hợp với phương pháp nào thôi.
Việc phát triển ứng dụng này là cách để tôi tìm hiểu xem người Việt Nam có thể học tiếng Anh theo cách nào tốt nhất. Chúng tôi liên tục tạo ra các phiên bản mới và kiểm nghiệm cách đón nhận của người dùng. Với tôi, điều khó nhất là giữ chân người dùng. Đó là lý do vì sao chúng tôi sử dụng Facebook Messenger để chia sẻ mỗi ngày một bài học miễn phí.
* Với anh, điều thú vị nhất khi học một ngôn ngữ là gì?
- Đó là lúc bạn thấy mình hiểu được người khác. Nó thực sự là cảm giác kỳ diệu và bạn chợt nhận ra mình đang thuộc về nơi đó, bạn biết được ngôn ngữ, cảm giác như nó là "của bạn".
Tôi đã từng trải qua cảm giác này với tiếng Việt khoảng 1 năm trước, khi tôi bỗng nhiên có thể đặt hàng qua mạng, thậm chí còn chỉ đường cho người giao hàng đến được nhà tôi. Điều đó thật kỳ diệu và hoàn toàn xứng đáng cho những nỗ lực học hỏi.
Và rồi khi đó bạn có thể trò chuyện, thật tuyệt vời khi tôi cần phải rất tập trung để hiểu được những câu, những từ của ngôn ngữ mới. Nó có đôi chút khó khăn, có lẽ giống như nâng tạ hay chạy marathon vậy.
Nhưng khi tôi đắm chìm trong mạch trao đổi, tôi quên đi mọi thứ và "chảy" cùng dòng ngôn ngữ. Đây là điều thú vị nhất, khi bạn bắt đầu nói chuyện được với một người bản ngữ. Với tiếng Việt, tôi bắt đầu cảm nhận được sau khoảng 1 năm luyện tập đơn giản và cảm thấy thật tuyệt vời.
* Học một ngôn ngữ mới, với đa số mọi người đều là thách thức. Nhưng với các polyglot, dường như không phải vậy. Liệu có bí mật nào ở đây không?
- Bí mật là liên tục học và không ngừng nâng cao trình độ. Điều này thoạt nghe có vẻ thường quá, nhưng thực sự là vậy. Trong thực tế, đây chính là chỗ người ta thường thất bại: họ ngừng học và/hoặc không nâng cao trình độ lên.
Tôi trở lại việc so sánh giống như nâng tạ. Nếu không tăng mức tạ, bạn sẽ không thể phát triển thêm khả năng. Điều đó dễ hiểu mà, phải không?
Và giờ thì câu hỏi lớn ở đây là làm thế nào để bạn có thể thực hiện hai điều đó, tức là vừa học liên tục, vừa nâng cao trình độ? Đây cũng là chỗ khác nhau giữa các phương pháp. Bạn phải tìm được phương pháp phù hợp với mình, có rất nhiều phương pháp để học ngoại ngữ.
Tôi chỉ có thể chia sẻ về phương pháp đã có hiệu quả với tôi: khi nói chuyện, tôi chỉ dùng tiếng Việt. Tôi tra nghĩa của mọi từ tôi không biết. Sau đó tôi dùng lại chúng. Tôi nhờ người nói chuyện với mình sửa lỗi giúp mỗi khi viết sai gì đó.
Trong khi trao đổi, tôi cố gắng tìm những người có thể nói chậm và sửa lỗi giúp khi nói sai. Với tôi, điều quan trọng là sự giao tiếp đó không ở mức thấp hơn hay cao hơn quá so với trình độ của mình.
Nhìn chung, một điều mọi người thường quên là nghe. Một số chuyên gia ngôn ngữ còn khuyên bạn chỉ nên nghe trong những tháng đầu tiên. Khi tôi nói chuyện với những người Việt Nam, tôi chỉ nói 20% và nghe 80%.
Hãy nghĩ về cách bạn học tiếng mẹ đẻ của mình mà xem. Bạn có trả lời cha mẹ khi bạn còn là em bé và chưa biết nói không? Dĩ nhiên là không. Bạn hấp thụ mọi điều họ nói với bạn và hầu như chỉ nghe trong suốt thời gian đó.
* Vậy thì chốt lại, lời khuyên nào anh muốn chia sẻ với các độc giả của chúng tôi, những người muốn học ngoại ngữ, để có được kết quả tốt nhất?
- Thứ nhất, hãy liên tục học và thứ hai, luôn chủ động tìm kiếm những kiến thức khó hơn một chút so với trình độ hiện có của bạn. Đừng bao giờ ngừng thách thức bản thân, đừng bao giờ tự thỏa mãn. Khi đó bạn sẽ thành công, tôi đảm bảo đó!
* Nhiều người cho rằng nếu muốn nói một ngôn ngữ, anh phải có cơ hội tới quốc gia nói ngôn ngữ đó để luyện tập, anh có nghĩ vậy không?
- Khi tôi học tiếng Tây Ban Nha, tôi đã làm như sau: trước hết tôi đến Peru và thuê một giáo viên ở đó. Tôi học tới mức có thể nói một số điều đơn giản và hiểu một chút. Sau đó tôi đến Tây Ban Nha và chỉ kết bạn với những người nói tiếng Tây Ban Nha.
Tôi cố tình tránh xa những đồng hương Đức. Đó là cách tôi tối ưu hóa thời gian học tiếng Tây Ban Nha của mình và loại bỏ những điều gây phân tán. Nhưng dù thế thì lúc đó tôi cũng đã ở trình độ có thể nói tiếng Tây Ban Nha rồi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận