21/04/2019 09:50 GMT+7

Học làm chuyên gia toàn cầu

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Sau gần ba tuần tập huấn, chương trình tư vấn Orange ASEAN Factory (OAF), một sáng kiến của Bộ Ngoại giao Hà Lan, tại trụ sở Công ty AkzoNobel, TP.HCM vừa kết thúc ngày 19-4.

Học làm chuyên gia toàn cầu - Ảnh 1.

Thảo luận nhóm giữa các bạn trẻ trong chương trình tập huấn OAF - Ảnh: HỒNG VÂN

Điều đọng lại trong tôi sau khóa tập huấn là khi phân tích vấn đề phải có cái nhìn đa chiều, tính toán nhiều khía cạnh và luôn xem xét yếu tố phát triển bền vững.

NGUYỄN THỊ NGỌC ANH

Chương trình chứng kiến sự trưởng thành của 24 chuyên gia, doanh nhân trẻ, sinh viên của Hà Lan và các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam sau khóa tập huấn.

Học bằng thực tế

24 bạn trẻ đã làm việc trong sáu nhóm để giải quyết sáu vấn đề đang là thách thức của các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh hướng đến bền vững cho môi trường.

Cụ thể, Công ty Unilever đặt hàng giải pháp vệ sinh trường học gắn với các sản phẩm vệ sinh gia đình của công ty (Vim) và giải pháp cho mục tiêu không tạo ra rác thải trong nhóm ngành tiêu dùng nhanh vào năm 2025. Công ty Philips đặt vấn đề tái chế các thiết bị y tế ở bệnh viện và cá nhân tại Việt Nam. 

Công ty thức ăn chăn nuôi De Heus cần lời giải cho bài toán sản xuất bền vững trong ngành thủy sản ở đồng bằng sông Cửu Long. Hai công ty De Heus và DSM chuyên về giải pháp dinh dưỡng cần giải pháp thay thế cho bao bì thức ăn chăn nuôi. Công ty khởi nghiệp Clean Dye cần đặt ra yêu cầu thay đổi hoàn toàn để hướng tới ngành dệt may xanh, không sử dụng hóa chất nhuộm vải và nước.

Bạn Nguyễn Thị Ngọc Anh, 26 tuổi đến từ Hà Nội, thành viên nhóm Vim, cho biết: "Tôi không thể kể hết những gì mình đã học. Các thành viên mỗi người có một kinh nghiệm riêng, có bạn chuyên về kinh doanh nhưng có người chuyên về mảng xã hội nên đã bổ sung rất tốt cho nhau và ai cũng tiến bộ hơn, tự tin hơn".

Trong quá trình giải quyết bài toán thực tế của Unilever là làm sao duy trì chương trình xã hội "Sạch học đường, sáng tương lai" sau khi hết ngân sách, tiếp cận nhiều học sinh hơn và đưa sản phẩm đến các gia đình, nhóm đã cùng phân tích tình hình, đi hai chuyến thực tế đến Đồng Tháp phỏng vấn gia đình học sinh, đại diện trường học, địa phương trước khi đưa các khuyến nghị và cách thực hiện với công ty.

Thành chuyên gia toàn cầu

Các bạn trẻ được sự hỗ trợ của chuyên gia quốc tế đến từ các công ty đa quốc gia lớn trên thế giới, một môi trường hoàn hảo để hiểu cách làm việc của các doanh nghiệp toàn cầu để chuẩn bị trở thành một chuyên gia toàn cầu.

Bà Pamela Phua - tổng giám đốc Công ty AkzoNobel, chuyên về sản phẩm sơn và lớp phủ, đơn vị tổ chức chương trình OAF lần 6 - cho biết: "Ý nghĩa sâu xa của khóa đào tạo là tác động đến suy nghĩ của giới trẻ, những người sẽ dẫn dắt nền kinh tế trong tương lai. Các chuyên gia trẻ được nâng cao năng lực về kiến thức và kỹ năng giải quyết vấn đề với tư duy bền vững để sau này đóng góp có ý nghĩa cho Việt Nam và khu vực".

Theo bà Phua, người trẻ có thế mạnh về sáng tạo và đột phá trong suy nghĩ. Khi các bạn trẻ từ những đất nước khác nhau làm việc cùng nhau, họ đại diện cho những ý tưởng đến từ cộng đồng rất đa dạng.

OAF là một chương trình tư vấn và nâng cao năng lực bền vững kết nối các sinh viên (thạc sĩ), chuyên gia và doanh nhân trẻ của Hà Lan và các nước Đông Nam Á nhằm thúc đẩy và tận dụng sự sáng tạo của giới trẻ trong giải quyết các vấn đề của doanh nghiệp theo hướng bền vững.

OAF đã được tổ chức tại Bangkok, Jakarta, Kuala Lumpur, Myanmar, Singapore và OAF lần 6 diễn ra ở Việt Nam với chủ đề "Phát triển bền vững đô thị", một chủ đề sát sườn và thực tiễn với TP.HCM và các tỉnh thành khác tại Việt Nam.

Hành trang để trở thành công dân toàn cầu Hành trang để trở thành công dân toàn cầu

Cụm từ “công dân toàn cầu” không còn xa lạ đối với các bạn trẻ ngày nay. Không những thế, nó còn là từ khóa khá phổ biến và được tìm kiếm với tần suất cao.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên