30/09/2024 09:48 GMT+7

Học đường không thể vẩn đục vì tệ nạn, bạo lực

HÀ QUÂN
và 1 tác giả khác

306 đại biểu trẻ em đã dự phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" lần 2 tại Nhà Quốc hội sáng 29-9 với sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng lãnh đạo một số bộ, ngành.

Học đường không thể vẩn đục vì tệ nạn, bạo lực - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn trao đổi bên lề phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” với các đại biểu trẻ em ngày 29-9 - Ảnh: HÀ QUÂN

Phiên họp do Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội trung ương chủ trì và phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cùng Văn phòng Quốc hội tổ chức. Hai chủ đề "Phòng chống bạo lực học đường" và "Phòng chống tác hại của thuốc lá, chất kích thích, nhất là trong môi trường học đường" được chọn cho phiên họp giả định này.

Phụ huynh cần quan tâm, lắng nghe, chia sẻ với con trẻ nhiều hơn để trẻ thực sự hạnh phúc, an vui trong chính ngôi nhà mình. Thầy cô giáo tạo điều kiện, môi trường giáo dục thân thiện, an toàn, giúp các em mỗi ngày đến trường là một ngày vui.

Chủ tịch Quốc hội TRẦN THANH MẪN

Trường học hạnh phúc không có chỗ cho bạo lực

Chủ tịch Quốc hội giả định Lê Gia Vinh điều hành phiên họp với các câu hỏi chất vấn của đại biểu trẻ em dành cho một số bộ trưởng. Nghe các đại biểu "nhí" hỏi, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời: "Chúng ta phải khẳng định một cách thống nhất rằng trường học hạnh phúc không có chỗ cho bạo lực, không có chỗ cho tệ nạn và những nguy cơ đối với học sinh".

Ông Sơn nói cần đề cập đầy đủ để không lầm tưởng rằng trường học Việt Nam tràn ngập bạo lực. Nguyên nhân có xuất phát từ tâm sinh lý lứa tuổi, cả do thực hiện quy chế học đường chưa nghiêm. Có khi phụ huynh, người đứng đầu trường học, thầy cô có nơi, có lúc chưa hết trách nhiệm.

Nguyên nhân báo động khác từ tình trạng bạo lực trên mạng mà điều này cần hết sức lên án.

"Không có bạo lực gia đình cũng góp phần giảm bạo lực học đường. Thực tế tỉ lệ lớn các trẻ có hành vi bạo hành với bạn thường có cuộc sống gia đình không hạnh phúc. Có sự tổn hại tâm sinh lý khi trẻ phải chứng kiến bạo lực giữa bố mẹ" - ông Sơn nói.

Ngành giáo dục đã và đang có nhiều giải pháp từ nhiều phía, song vai trò chính vẫn là học sinh. Bộ trưởng nói nếu mỗi bạn đều học tập tốt, sống có hoài bão, lý tưởng, biết yêu thương, quan tâm, chia sẻ ắt sẽ hạn chế bạo lực.

"Có kỹ năng, biết chọn lọc thông tin từ mạng xã hội, bày tỏ chính kiến sẽ khó bị tác động bởi những điều xấu, độc từ mạng. Tu dưỡng bản thân, chia sẻ yêu thương, rèn kỹ năng, thái độ là những điều rất quan trọng mỗi học sinh cần làm" - ông Sơn phát biểu.

Trăn trở khi trẻ bị bạo hành, xâm hại

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nói các đại biểu trẻ em rất chịu khó nghiên cứu, tìm hiểu nên phát biểu mạch lạc, phong thái tự tin, chững chạc với nhiều đề xuất, kiến nghị giải pháp rất xác đáng.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định Đảng, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, chăm lo đặc biệt với trẻ em. Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ quyền trẻ em sau 40 năm đổi mới được Liên Hiệp Quốc đánh giá cao.

Tuy vậy, ông Mẫn trăn trở khi trẻ một số nơi vẫn khó tiếp cận dịch vụ giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng.

Nhiều bạn bị bạo hành, xâm hại, tai nạn thương tích. Trong đó, bạo lực học đường, các loại thuốc lá thế hệ mới và chất kích thích đã và đang tác động tiêu cực tới sức khỏe thể chất, tinh thần của người trẻ.

Ông đề nghị các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội trung ương cần rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật về phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, bạo lực học đường cũng như phòng, chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử.

Trung ương Đoàn, Hội đồng Đội trung ương cùng Đoàn - Đội các cấp nên chủ động phối hợp với các cấp, ngành có nhiều chương trình, hoạt động chăm lo, hỗ trợ trẻ em và phát huy quyền tham gia của các em trong xã hội.

"Tôi mong các cháu thiếu nhi cả nước hãy luôn ghi nhớ và thực hiện thật tốt 5 điều Bác Hồ dạy, trở thành những chủ nhân tương lai xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, sánh vai cùng với các cường quốc năm châu như Bác Hồ kính yêu hằng mong ước" - ông Mẫn nói.

Đồng thuận cao cấm thuốc lá điện tử

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho hay các chủ đề về phòng chống tác hại thuốc lá, chất kích thích luôn rất nóng. Bộ trưởng nói thuốc lá thế hệ mới hay chất kích thích, rượu bia, ma túy đe dọa rất lớn đến sức khỏe con người nên Bộ Y tế đề xuất cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng.

"Chúng tôi rất mừng khi biết có đến 78,27% các em được tham khảo ý kiến thống nhất đề nghị cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng. Ngay buổi hôm nay, 306 địa biểu trẻ em tại hội trường đều đồng thuận" - bà Lan bày tỏ.

Bạn LÊ HOÀNG NGUYÊN (Vĩnh Long):

Kiểm soát con dùng mạng xã hội

Nhà trường cần có câu lạc bộ phòng chống bạo lực học đường tuyên truyền, hỗ trợ kiến thức cho học sinh, lan tỏa câu chuyện tích cực. Phụ huynh cần kiểm soát con cái sử dụng các mạng xã hội.

Có thể cần thêm đội sao đỏ kiểm tra học sinh mang thuốc lá đến trường nhưng có cơ chế kiểm soát để tránh lạm quyền. Ai mắc lỗi nhỏ sẽ nhắc nhở, chia sẻ. Quan trọng là định hướng chứ không phải phạt nặng vì có thể phản tác dụng.

Bạn NGUYỄN PHỤNG HOÀNG (Đắk Nông):

Ngăn trẻ tiếp xúc sớm với thành phần phức tạp

Nhiều gia đình đông con, phụ huynh gồng mình kiếm tiền, không đủ thời gian quan tâm con cái. Áp lực ấy cũng tạo suy nghĩ con cái phải kiếm tiền giúp gia đình. Nhiều bạn đi làm sớm ở quán nước, quán nhậu và tiếp xúc với nhiều người miệng văng tục, tay kẹp thuốc lá. Có bạn học hút thuốc, thuốc lá điện tử mà không biết có hại thế nào.

Bộ ngành chức năng cần kiểm soát kỹ lao động trẻ trong các hàng quán. Đồng thời có chính sách hỗ trợ gia đình khó khăn để trẻ em không phải đi làm sớm, không tiếp xúc sớm với những thành phần phức tạp ngoài trường học.

Bạn NGUYỄN NGỌC DIỆP (Bình Định):

Tăng thuế, hạn chế khu vực mua bán thuốc lá

Các ngành công an, công thương, y tế cần có giải pháp ngăn chặn, hạn chế bán thuốc lá, chất kích thích các khu vực gần trường học, kể cả trên mạng xã hội. Cần quy định tăng thuế cao với thuốc lá để hạn chế người mua song song với xử phạt nặng hành vi mua bán thuốc lá cho người chưa đủ tuổi để làm gương.

Học đường không thể vẩn đục vì tệ nạn, bạo lực - Ảnh 2.'Quốc hội trẻ em' kiến nghị cách chống thuốc lá điện tử

Nhìn người lớn hút thuốc lá điện tử, trẻ em nghĩ không có hại, hoặc hút thuốc để chứng minh mình đã lớn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên