Nhiều ĐH ở Anh đang đẩy mạnh hỗ trợ sinh viên để họ có thể làm đúng ngành sau khi tốt nghiệp - Ảnh: Alamy
Một nghiên cứu của tổ chức Universities UK (UUK) cho thấy khoảng 1/3 sinh viên tốt nghiệp ở Anh đang phải làm việc trái với ngành nghề họ được đào tạo.
Những sinh viên này phải đối mặt với triển vọng ít tươi sáng hơn và có thu nhập thấp hơn so với những bạn đồng trang lứa đã tìm được nghề phù hợp với ngành đào tạo.
Nó cũng cho thấy cơ chế tư vấn nghề nghiệp truyền thống đang không có tác dụng. Vậy các trường phải làm gì để giúp sinh viên?
Bài viết sau đây là của Sarah Steed là giám đốc phụ trách mảng đổi mới và việc làm của Trường ĐH nghệ thuật Norwich.
Phải chăng sinh viên đang học sai ngành?
Vấn đề không phải là quá nhiều sinh viên đang học sai ngành. Theo nghiên cứu của UUK, có ít bằng chứng rằng các sinh viên đó học sai ngành, vì hầu hết đều đang theo học những ngành cung cấp kiến thức và kĩ năng làm việc đang rất được cần.
Thay vào đó, sinh viên cần những lời tư vấn nghề nghiệp tốt hơn, giúp các em xác định được kĩ năng, cá tính của mình và hiểu được những điều này phù hợp với nhiều chọn lựa nghề nghiệp khác nhau như thế nào.
Sinh viên cũng cần được giúp tìm ra kĩ năng nào mà các em sẽ cần để bước chân vào những ngành nhất định, hay khi các em không có gia đình hoặc kết nối xã hội để được giúp đỡ và tư vấn.
Các chính trị gia than phiền về một khoảng cách trong kĩ năng, nhưng các em sinh viên mới tốt nghiệp đang phải đối mặt với một khoảng cách trong kinh nghiệm khi nhiều người sử dụng lao động thích tuyển người đã có vài năm làm việc hơn là những em mới chân ướt chân ráo rời khỏi trường đại học.
Tuy nhiên, tại trường đại học, các sinh viên mới tốt nghiệp thường đã được học nhiều kĩ năng mềm mà họ đang tìm kiếm ở những ứng viên có kinh nghiệm hơn - chỉ có điều là các em chưa biết được điều đó.
Các trường đại học có thể giúp như thế nào?
Để giúp sinh viên tốt nghiệp tìm được công việc đúng với chuyên môn, nhiều trường đại học đang thử nghiệm vài cách mới để làm cho việc tư vấn nghề nghiệp của mình có thể dễ tiếp cận và ý nghĩa hơn.
Chẳng hạn tại Trường ĐH Kent, sinh viên có thể dùng dịch vụ trực tuyến Careers Explorer để làm cho những kĩ năng của mình khớp với các chọn lựa nghề nghiệp, và họ cũng có một kế hoạch "làm việc - học tập" cung cấp học bổng, giúp sinh viên có được kinh nghiệm làm việc.
Ở Trường ĐH Dundee, sinh viên có thể tham gia các học phần về nghề nghiệp song song với chương trình học ở trường, gồm các buổi lên kế hoạch nghề nghiệp cá nhân và trực tuyến.
Trong khi đó, chương trình tư vấn của Trường Queen Mary lại biến sinh viên thành các nhà tư vấn cho những dự án tư vấn mini dành cho các doanh nghiệp nhỏ và những tổ chức từ thiện ở London.
Còn ở Trường ĐH nghệ thuật Norwich, chúng tôi đang "trò chơi hóa" những hỗ trợ về nghề nghiệp. Trong đó, chúng tôi đã tạo ra một trò chơi có tên là Profile, cung cấp cho sinh viên một bộ bài, phân nửa trong số đó là mô tả kĩ năng và cá tính, phân nửa còn lại là mô tả những kịch bản ở nơi làm việc mà đòi hỏi phải có các chiến thuật khác nhau để giải quyết.
Sinh viên được yêu cầu làm cho các lá bài kĩ năng khớp với những kịch bản, đồng thời phải suy nghĩ điều đó áp dụng đối với trường hợp các em như thế nào và tìm cách tốt nhất để vượt qua những vấn đề thực tế. Nó làm cho các em ý thức được những kĩ năng mà các em đã có, và những kĩ năng mà các em sẽ cần ở nơi làm việc.
Khi Profile được khoác chiếc áo "trò chơi", nó là một sân chơi công bằng cho tất cả các em tham gia, bất chấp xuất thân của em ra sao. Đó là một hoạt động an toàn, có quy tắc, và cho phép các em có cơ hội tự đánh giá bản thân, mà nếu như không có hoạt động này thì các em sẽ gặp muôn vàn khó khăn.
Với sự giúp đỡ kinh phí của chính phủ để hỗ trợ phát triển kĩ năng, bước tiếp theo của chúng tôi là biến Profile thành một trải nghiệm thực tế ảo - cho sinh viên được tiếp xúc dưới dạng thực tế ảo với nơi làm việc, nơi mà sự tiếp cận thật sự đang bị hạn chế bởi chi phí, vị trí địa lý, hoặc sự cạnh tranh để có được những kinh nghiệm làm việc.
Đây cũng là điều mà cuộc tranh luận chính sách về tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp và giá trị đồng tiền trong giáo dục đại học đang nhắc tới: các trường đại học có thể hỗ trợ sinh viên của mình như thế nào trong việc tìm đúng nghề?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận