18/03/2018 11:33 GMT+7

Học bổng vì trẻ em Sơn Mỹ của một nhà thơ

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Quỹ học bổng ấy không cố định mỗi năm bao nhiêu suất, mỗi suất bao nhiêu tiền. Nó đơn giản là tiền nhuận bút nhà thơ tích góp được bao nhiêu thì chia cho các em bấy nhiêu.

Học bổng vì trẻ em Sơn Mỹ của một nhà thơ - Ảnh 1.

Nhà thơ Thanh Thảo trao học bổng cho các em học trò nghèo ở Sơn Mỹ - Ảnh: TRẦN ĐĂNG

Ông đã bao lần đến rồi đi khỏi những vùng đất trên khắp mọi miền Tổ quốc. Nhưng làng Tư Cung (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) - nơi xảy ra vụ thảm sát Mỹ Lai - đã níu chân ông lại.

Sợi dây vô hình của quá khứ, những đau thương và phận người nơi đây cắm sâu vào trái tim ông. Quỹ học bổng "Vì trẻ em Sơn Mỹ" của ông cũng đã tồn tại được 20 năm so với thời gian 50 năm của cuộc thảm sát...

Duyên nợ với ngôi làng tang thương

Nhà thơ Thanh Thảo ngồi giữa căn nhà trong con hẻm nhỏ ở TP Quảng Ngãi, kể về quỹ học bổng của đời mình bắt đầu từ những lương duyên với mảnh đất đau thương. 

Năm 1970, ông theo chân những người lính vào Quảng Ngãi tham gia cuộc chiến với tư cách vừa là người lính vừa là phóng viên. Bài báo đầu tiên trong đời ông là viết về Sơn Mỹ nhân kỷ niệm hai năm vụ thảm sát.

Đất nước thống nhất chưa lâu, ông được nhà văn Nguyễn Chí Trung phân công đi Sơn Mỹ sáng tác. "Chỉ có một mình tôi, cùng ăn, cùng làm với dân để tìm cảm hứng ở chính ngôi làng chịu cảnh tang thương này. 

Thấm vào lòng tôi là hình ảnh những đứa trẻ ở đây. Và tôi viết trường ca Trẻ con ở Sơn Mỹ. Năm 1978, vào đúng kỷ niệm 10 năm vụ thảm sát, tạp chí Văn Nghệ Quân Đội in nguyên trường ca ấy. Tôi thấy mình có duyên với Sơn Mỹ kỳ lạ" - ông Thảo nói.

Những người bình thường đến Sơn Mỹ cũng đã thấy xót xa, huống hồ là người làm thơ. Cho đến tận bây giờ, cảnh hoang tàn ở làng quê ngày đó ông Thảo vẫn mang trong mình. Quá khứ chẳng chịu buông tha cho ông một giây phút nào. Năm 1989, ông Thảo quyết định về Quảng Ngãi sống chỉ để "cho gần Sơn Mỹ, nhớ thì ghé xuống thăm bà con".

Yêu thương lớn dần cùng năm tháng, Sơn Mỹ không còn là một vùng đất đơn thuần nữa mà là ruột rà máu mủ. Cuối năm 1997, trong một chiều mưa, ông Thảo cùng vài chiến hữu đến Sơn Mỹ. 

"Sơn Mỹ không có điện", ông Thảo đau đớn vì điều ấy, trải qua bao nhiêu đau thương, thế mà dây điện trung thế đi ngang qua làng lại không sà xuống cho người dân ít điện. 

Ngay sau đó ông viết bài báo "Sơn Mỹ cần một tượng đài: Điện". Từ bài báo này, mạnh thường quân cả nước chung lòng giúp đỡ ngôi làng. Thế là Sơn Mỹ có điện.

“Vùng đất này không thể vắng bóng nhà thơ Thanh Thảo được, bao nhiêu mái nhà, bao đứa trẻ thơ có tương lai tươi sáng hơn nhờ một phần đóng góp thầm lặng của ông

Ông TRƯƠNG THANH THẢO (chủ tịch UBND xã Tịnh Khê)

Vì trẻ em Sơn Mỹ

Mỗi năm Thanh Thảo cố dành dụm vài chục triệu đồng từ tiền nhuận bút những bài báo của mình để chia cho các mảnh đời trẻ đứng trước lằn ranh thất học ở Sơn Mỹ. Hành vi đó tạo thành một thứ học bổng với tuổi đời 20 năm.

Năm 1998, trong ngày tưởng niệm 30 năm vụ thảm sát Sơn Mỹ, Thanh Thảo rời khỏi đám đông huyên náo, tìm đến các trường học của làng quê nơi đây. Bọn trẻ nghèo quá, chúng đến trường mà bụng đói thì làm sao tiếp thu được con chữ. 

Tiếng ê a như hụt hơi, khiến tâm hồn nhạy cảm của ông như tụt xuống vực sâu. "Tôi lập tức lấy tiền cá nhân và vận động bạn bè góp lại, tặng cho mấy chục em mồ côi, nghèo. Thế là học bổng ra đời và kéo dài cho đến tận bây giờ" - nhà thơ chia sẻ.

Xuyên suốt hành trình 20 năm, tôn chỉ của quỹ học bổng vẫn được gìn giữ như ngày đầu tiên. Đó là nhiệm vụ ngăn trẻ em nghèo bỏ học. 

"Không cần là con nhà nghèo học giỏi, chỉ cần trường chọn những em nghèo nhất để trao. Chứ đã nghèo mà học giỏi thì khó lắm. Cái cốt lõi của học bổng này là động viên các em tiếp tục bám trường lớp" - ông Thảo nói.

Do quỹ học bổng này của một nhà thơ nên không cố định mỗi năm bao nhiêu suất, mỗi suất bao nhiêu tiền. Nó đơn giản là tiền nhuận bút ông tích góp được bao nhiêu thì chia cho các em bấy nhiêu. 

Đã nhiều lần ông dự tính trao 30 suất, nhưng xuống trường, ban giám hiệu "than" quá ông lại rút tiền túi ra trao thêm. Ở Trường THPT Sơn Mỹ, mọi người thường kể về chuyện này khi nói về ông. 

Còn ông thì tâm sự: "Làm nhà thơ, nhà báo thì đâu giàu có gì. Lỡ nghèo rồi, nghèo thêm tí cũng không chết. Chứ mà không có học bổng để động viên và níu chân các em ở lại trường, các em chắc chắn sẽ phải nghỉ học".

Ở vùng đất này, người ta đã quá quen với hình ảnh mỗi dịp Tết Nguyên đán có một ông già lọ mọ xuống Trường THPT Sơn Mỹ trao học bổng. Học trò ở trường này chắc cũng rất hạnh phúc, bởi ngoài học bổng các em còn tận mắt gặp người viết bài thơ Đàn ghi ta của Lorca đang giảng dạy trong chương trình văn học THPT toàn quốc.

72 tuổi, Thanh Thảo vẫn mong trời cho mình khỏe để còn làm việc, còn viết ra những bài bình luận, chuyện tử tế ở đời... và để giữ lại cho Sơn Mỹ một quỹ học bổng của tấm lòng. "Khi nào tôi còn làm việc thì lúc đó vẫn còn quỹ học bổng, tôi sẽ duy trì nó cho đến khi nào thật sự gục ngã trước tạo hóa" - ông nói...

Một người có tấm lòng

Thầy Nguyễn Địch, hiệu trưởng Trường THPT Sơn Mỹ, cho biết: "Quỹ học bổng vì trẻ em Sơn Mỹ của nhà thơ Thanh Thảo đã trải qua ba đời hiệu trưởng ở ngôi trường này. Chúng tôi vẫn luôn nói về học bổng này với tình cảm trân trọng nhất.

Nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn "Sống trong đời sống cần có một tấm lòng" thì nhà thơ Thanh Thảo chính là một người có tấm lòng. Mỗi lần thấy học sinh nghèo khó, chúng tôi lại chờ ông. Không chỉ số tiền ông mang đến mà còn là câu chuyện ông chia sẻ, giúp các em có thêm động lực để vượt qua khốn khó mà học tập".

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên