20/01/2015 07:48 GMT+7

​Hoàng Sa - phần máu thịt không thể tách rời

TẤN VŨ
TẤN VŨ

TT - “Hồi ấy ngư dân Trung Quốc coi chúng tôi là cứu tinh vì người Việt thông thạo vùng biển của mình hơn hẳn họ.."...

Ông Võ Công Chánh tặng quà cho các nhân chứng Hoàng Sa chiều 19-1-2015 - Ảnh: Tấn Vũ
Quần đảo Hoàng Sa không chỉ nhiều tôm cá mà còn chở che cho chúng tôi qua những mùa mưa bão hiểm nguy. Bao đời tổ tiên chúng tôi đã giong thuyền buồm ra đó. Giờ con cháu chúng tôi vẫn vượt sóng gió nơi ấy. Chẳng ai có thể ngăn chặn được chúng tôi
Ngư dân Phạm Duyên (xã An Hải, Lý Sơn, Quảng Ngãi)

Nhiều đại biểu, nhân chứng đã khẳng định như vậy tại buổi gặp mặt các nhân chứng Hoàng Sa do UBND huyện đảo Hoàng Sa (TP Đà Nẵng) tổ chức chiều 19-1, đúng 41 năm ngày Trung Quốc dùng vũ lực cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

Cũng tại buổi lễ, gần 40 nhà báo, phóng viên, biên tập viên của các cơ quan truyền thông trong nước đã được UBND huyện Hoàng Sa trao tặng giấy khen vì đã có thành tích tham gia đấu tranh, tuyên truyền bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Clip Phòng thủ hướng biển nhìn từ sự kiện giàn khoan HD 981

Mong cháu con cố giữ

Có mặt từ rất sớm, ông Võ Như Dân (78 tuổi, phường Bình Hiên, quận Hải Châu, Đà Nẵng) ngồi lặng thinh dưới hàng ghế. Ông Dân bảo năm nay buồn hơn mọi năm bởi nhân chứng sống với Hoàng Sa một thời đã dần mất mát theo thời gian.

Trong 14 nhân chứng hay đến dự lễ kỷ niệm hằng năm nay chỉ còn 10 người, bởi bốn cụ ông đã ốm đau và qua đời vì bệnh tật. Nhiều người cũng không thể đến dự lễ được do tuổi cao, sức yếu.

Ông Dân kể mình là một trong những người sống lâu đời nhất với Hoàng Sa. Ông đến Hoàng Sa công tác ở trạm khí tượng từ năm 1956 đến 1968 mới quay về.

“Bây giờ từng nhành cây, ngọn cỏ, bãi cát vàng ngoài đó tôi vẫn còn nhớ như in. Nhắc đến hai chữ Hoàng Sa, trong lòng tôi luôn đau đáu. Thế hệ tôi rồi cũng dần qua. Mong các con cháu cố giữ, đòi bằng được quần đảo này. Nó là một phần máu thịt của Tổ quốc không thể tách rời” - ông Dân thổn thức.

Ông Dân bảo bệnh thấp khớp cứ trở trời lại đau nhức, nhất là khi trời lạnh như thế này. Nhưng ông nguyện còn hơi thở ngày nào, còn chống gậy đi được hằng năm ông cũng sẽ đến UBND huyện Hoàng Sa dự buổi gặp mặt này.

Một năm đấu tranh miệt mài

Tiến sĩ Trần Đức Anh Sơn, phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP Đà Nẵng, cho hay năm 2014 là một năm đấu tranh miệt mài và khá thành công của ngành lịch sử và những người làm lịch sử với chủ quyền của Tổ quốc. Năm 2014 đã có 21 cuộc triển lãm trên 16 tỉnh thành, trong đó có triển lãm tại các đảo như Cô Tô, Phú Quốc, Lý Sơn...

Đặc biệt năm 2014, ông Sơn đã đi diễn thuyết tại năm trường đại học danh tiếng của Hoa Kỳ để nói về biển đảo, Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam. Những buổi thuyết trình tại các trường đại học này đều được các học giả, các nhà làm lịch sử và đông đảo sinh viên Hoa Kỳ ủng hộ.

Một bộ phim dài năm tập về chủ quyền biển đảo quay từ 13 quốc gia rất công phu vừa được các bộ, ngành trung ương thẩm định xong cũng sẽ trình chiếu cho khán giả trong thời gian gần nhất.

Ông Ngô Văn Cúc, người lính Việt Nam cộng hòa từng tham gia chiến đấu vì Hoàng Sa 41 năm trước, kể sau trận chiến không cân sức đó, ông bị Trung Quốc bắt làm tù binh rồi trao trả về Việt Nam.

Chia sẻ với đông đảo người dự lễ, ông Cúc nói: “Đại diện cho anh em ra phục vụ ngoài Hoàng Sa ngày đó, tôi nhắn nhủ với đồng bào rằng Hoàng Sa là của Việt Nam.

Tôi còn sống ngày nào là còn mãi mãi nói với hậu thế câu chuyện ngày đó như vậy. Chúng ta luôn nhớ Hoàng Sa là của chúng ta”.

Tin ở tương lai

Phát biểu tại buổi lễ, chủ tịch UBND huyện Hoàng Sa Võ Công Chánh cho rằng năm 2014 là một năm đầy sóng gió với huyện.

Đặc biệt là việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trên vùng biển của Việt Nam. Trung Quốc cũng đã hung hăng đâm chìm tàu cá của Việt Nam, cản phá hoạt động bảo vệ chủ quyền hợp pháp của Việt Nam.

Tuy nhiên qua sự kiện này, dư luận trong nước dấy lên và hướng tới sự quan tâm đặc biệt cho Hoàng Sa. Người dân cả nước đồng lòng và thắt chặt hơn, hun đúc mãnh liệt hơn lòng yêu nước.

Báo cáo thêm tại buổi lễ, ông Chánh cho biết chính quyền huyện sẽ khởi công nhà trưng bày Hoàng Sa vào dịp 30-4-2015 và nhiều hoạt động đấu tranh mạnh mẽ vì chủ quyền cũng sẽ diễn ra trong năm nay.

Ông Bùi Văn Tiếng, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng, cho rằng sau sự kiện giàn khoan 981, người Đà Nẵng một lần nữa đứng ở tuyến đầu Tổ quốc, cùng với người dân cả nước mạnh mẽ phản đối hành động xâm lấn.

Lòng yêu nước ấy được các bạn trẻ thể hiện rất thành công và ngoài mong đợi của ông qua cuộc thi viết thư về Hoàng Sa.

“Chúng tôi nghĩ rằng chỉ có khoảng vài ngàn lá thư nhưng thật bất ngờ khi có đến 87.701 lá thư được gửi về dự thi. Nhiều lá thư các bạn trẻ viết bằng tâm huyết, bằng con tim, khối óc và lòng yêu nước vô bờ bến. Qua đó chúng tôi thấy rằng hãy yên tâm, tin tưởng ở thế hệ trẻ. Họ cũng sẽ mạnh mẽ và vững vàng trong cuộc đấu tranh vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc” - ông Tiếng nói.

Lời truyền gửi mai sau

Ông Trịnh Văn Quý, chứng nhân những ngày cuối ở đảo Hữu Nhật, Hoàng Sa - Ảnh: Quốc Việt
Đang ngồi ở cách xa nơi ấy, nhưng tôi vẫn có cảm giác như mình đang nếm ngửi được vị mặn của nắng gió biển, những gương mặt sạm đen của bạn bè vừa cười đùa với nhau phút chốc đã loang máu bảo vệ Tổ quốc
Ông Trịnh Văn Quý

“Hằng năm cứ đến những ngày tháng 1 đầy kỷ niệm bi hùng này, tôi đều kể lại cho con cháu nghe: từ bờ biển Đà Nẵng nếu dong thuyền thẳng theo hướng mặt trời mọc, chúng ta sẽ đến Hoàng Sa. Quần đảo xinh đẹp của Tổ quốc thấm đẫm máu xương bao thế hệ đi trước” - ngư dân già Phạm Trọng bồi hồi kể về một thời hào hùng trên chiếc tàu đánh cá ở Hoàng Sa năm xưa.

Cùng với bao chứng nhân khác là thủy thủ, binh sĩ, nhân viên khí tượng từng có mặt ở Hoàng Sa, lời ông kể không chỉ cho con cháu hôm nay mà còn truyền đời nhắc nhớ đến mai sau.

Nơi ấy là Hoàng Sa

Cách đây gần 50 năm, trước khi được làm thuyền trưởng cầm lái con tàu đánh cá ở Hoàng Sa, ông Trọng đã được cha là một ngư dân kỳ cựu ở duyên hải Bình Sơn, Quảng Ngãi cho theo tàu, học nghề suốt gần 10 năm.

“Tôi vẫn nhớ mùa hè năm 1967, lần đầu tiên được cha chỉ cho thấy tận mắt đảo Chim, đảo Ông Già, đảo Bàu Trắng... - những cái tên đảo thân thuộc mà ngư dân miền Trung quen gọi ở Hoàng Sa. Cảm giác sững sờ, ngơ ngẩn bởi cảnh đẹp đến kỳ lạ. Suốt gần hai ngày đêm vượt biển về phía mặt trời mọc, tự nhiên trước mắt mình lại hiện lên một quần đảo như tranh vẽ. Có chỗ giữa biển, thế mà chúng tôi lại nhảy xuống ung dung đi bộ được vì nước chỉ ngang thắt lưng, có thể sờ chạm từng nhánh rong biển, san hô, sò ốc. Thế nhưng chỉ bước vài trăm mét, mặt nước trước mũi chân mình lại đột ngột chuyển màu xanh đậm sâu thẳm” - ông kể.

Ông Trọng nhớ mãi có lần hai cha con đã tìm thấy một xác tàu đánh cá Trung Quốc vừa bị đắm, kẹt lại trong khe san hô. Họ đã cho tàu chạy vòng quanh khu vực ấy suốt gần hai ngày để tìm cứu ngư dân Trung Quốc nhưng không thấy.

Những năm trước thập niên 1980, hầu hết tàu bè ngư dân Việt Nam còn nhỏ không đi xa được nhiều như bây giờ, nhưng cũng thường xuyên có mặt ở Hoàng Sa. Họ đi có bạn, một tàu bị nạn, nhiều tàu khác quây lại cứu giúp. Tín hiệu xin hỗ trợ chỉ là vẫy lá cờ Tổ quốc trên boong hoặc ánh đèn pin trong đêm, chứ đâu có máy liên lạc như bây giờ.

Thi thoảng tàu cá Trung Quốc xuống đây đánh cá hay bị trôi dạt theo gió mùa đông bắc. Họ mắc nạn vì không thạo vùng biển nhiều rạn bãi, bão tố nguy hiểm này, rồi cạn kiệt nước ngọt và lương thực.

Mùa hè năm 1973, cha con ông Trọng có lần đã cho tàu cá Trung Quốc gần hết can nước ngọt của mình. Một tàu khác đến xin, họ lại cho tiếp. Sau đó chính họ chịu khát, phải vào đảo Hoàng Sa xin nước của mấy anh lính đồn trú.

“Hồi ấy ngư dân Trung Quốc coi chúng tôi là cứu tinh vì người Việt thông thạo vùng biển của mình hơn hẳn họ. Trên đảo cũng nhiều người Việt ở, có chuyện gì rất dễ xin giúp đỡ”.

Tên con là Hoàng Sa

Nhiều năm không đặt chân trở lại quần đảo Hoàng Sa, nhưng những chứng nhân một thuở ấy vẫn nguyên vẹn cảm xúc những gì đã được sờ chạm, nhìn thấy trên quần đảo của Tổ quốc.

Ông Trịnh Văn Quý, một trong những người trấn giữ đảo Hữu Nhật tháng 1-1974, rưng rưng tâm sự: “Đó là hình ảnh mà đến giờ chúng tôi vẫn không thể nào quên. Giữa biển xanh, một dải san hô tự nhiên nhô lên khỏi mặt nước. Chúng tôi bước đi nghe tiếng lạo xạo, khô cứng dưới chân mình. Trên ấy có cây nhàu, cây gai mọc ken đặc thành hình vòng tròn như bức tường thành bảo vệ đảo kỳ lạ. Nhiều dấu vết người Việt vẫn còn đậm rõ, trong đó có cả những thứ đồng bào ngư dân lên đảo để lại. Đặc biệt còn có công sự những người lính Việt đi trước đào đắp để trấn thủ đảo”.

Tháng 1-1974 cũng là lần cuối cùng ông Quý đặt chân lên quần đảo Hoàng Sa trước khi Trung Quốc đánh chiếm. Khi ông trở về, biển và bờ Tổ quốc đành tạm phải chia lìa. Bế con gái đầu lòng vừa sinh, ông khấn hương hồn đồng đội đang còn nằm ngoài biển sâu và xin được đặt tên con mình là Trịnh Thị Hoàng Sa như lời nhắc nhớ truyền gửi đến mai sau.

QUỐC VIỆT

 

TẤN VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên